Với quyết sách của Chính phủ, có thể thấy tầm quan trọng của sách và việc đọc sách. Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò của gia đình.
Định hướng con đọc sách
Từ vài năm trở lại đây, vào dịp Tết, phố sách Hà Nội luôn thu hút đông đảo du khách. Người dân đến phố sách lựa chọn những cuốn sách hay để tặng cho người thân. Phụ huynh đưa con cháu đến phố sách vui chơi, du xuân và mua những cuốn sách để mừng tuổi cho trẻ. Trên mạng xã hội, những hình ảnh người lớn mừng tuổi cho trẻ bằng sách được chia sẻ rộng rãi ở nhiều diễn đàn.
Theo đánh giá của đa số người tham gia các diễn đàn về sách, mừng tuổi bằng sách sẽ mang đến những giá trị tinh thần, sẽ tạo dựng văn hóa đọc cho các em. Với những gia đình vẫn giữ thói quen mừng tuổi bằng tiền, nhiều cha mẹ cũng bắt đầu định hướng trẻ em đến các nhà sách, phố sách, sử dụng tiền mừng tuổi vào việc có ích cho kiến thức và tương lai.
Đây là một tín hiệu vui, tuy nhiên vẫn chưa át được sự lo ngại về tình trạng ít đọc sách của người Việt Nam, nhất là nhóm người trẻ tuổi. Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2014-2019, tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19, con số này còn 4,13 đầu sách/người.
“Mỗi năm có hơn 400 triệu đầu sách phát hành thì trong đó hơn 300 triệu bản sách giáo khoa và sách tham khảo, nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xấp xỉ 1 đầu sách/người. Như vậy, sức đọc của người Việt còn khá thấp” - ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nhận định tại tọa đàm trực tuyến "Văn hóa đọc và phát triển ngành xuất bản trong tương lai" vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp kiến thức để kiến tạo cuộc sống, tương lai của mỗi cá nhân và cả thế hệ. Ông Giản Tư Trung - nhà hoạt động giáo dục, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED từng có nhận định: “Thói quen đọc thực ra là hệ quả hoặc xem như bắt nguồn từ một thứ khác hay hơn nhiều, đó là lòng hiếu tri. Lòng hiếu tri hiểu theo nghĩa ham hiểu biết và đam mê tri thức. Cho nên, thay vì kêu gọi tạo dựng thói quen đọc thì xây dựng lòng hiếu tri. Cái đấy mới quan trọng. Có lòng hiếu tri, đọc không phải là theo phong trào, mà là một nhu cầu, một khát khao. Khi đó, thói quen đọc sách chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của lòng hiếu tri ấy”.
Lòng hiếu tri cũng chính là phương tiện để giúp nhân loại phát triển cho đến ngày nay và tiếp tục tiến bước vững chắc vào nền kinh tế tri thức, thời đại 4.0. Chính vì thế, từ năm 2014, với Quyết định 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm làm Ngày sách Việt Nam. Ngày sách Việt Nam ra đời là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc đưa sách đến bạn đọc, lan tỏa tri thức đến các tầng lớp nhân dân và là cơ hội để các đơn vị xuất bản, phát hành đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh hoạt động xuất bản, phát hành.
Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1862/QĐ-Ttg về tổ chức Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam trên toàn quốc. Những chính sách, giải pháp này, cùng với nhiều hoạt động của Đường sách, Phố sách, các câu lạc bộ đọc sách, các thư viện ở nhiều quy mô khác nhau... đã góp phần làm cho xã hội hiểu hơn vai trò của sách, cũng như tạo dần thói quen đọc sách ở người Việt Nam, đặc biệt thế hệ trẻ.
Cha mẹ làm gương xây dựng văn hóa đọc
Xây dựng văn hóa đọc ở giới trẻ là một vấn đề khó, đòi hỏi lộ trình phù hợp. Văn hóa đọc không chỉ là thói quen đọc sách mà còn bao hàm cả sở thích và kỹ năng đọc. Muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trước tiên của gia đình và nhà trường.
Trao đổi với truyền thông, TS Mai Mỹ Duyên, nguyên Trưởng Khoa Sau đại học Trường ĐH Văn hóa TP HCM khẳng định, văn hóa đọc phản ánh văn hóa cá nhân và văn hóa cá nhân đó xuất phát phải từ giáo dục. Phương pháp giáo dục cho từng trẻ phải được chính cha mẹ các em tìm tòi và áp dụng, không có công thức chung trong việc định hướng văn hóa đọc khi mỗi người có một cá tính và điều kiện phát triển khác nhau.
Còn theo ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Biên tập NXB Trẻ, muốn xây dựng được thói quen đọc sách thì phải phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng trước tiên của gia đình và nhà trường. Bởi làm sao tạo được thói quen đọc sách nơi con trẻ khi ở nhà không có quyển sách nào, hay khi cha mẹ hay người lớn, người thân không bao giờ đọc sách. Do đó, việc xây dựng tủ sách gia đình khá quan trọng nếu cha mẹ muốn tạo dựng thói quen đọc sách nơi con trẻ.
Ông Nguyễn Quang Thạch là người khởi xướng phong trào Sách hóa nông thôn. Với kinh nghiệm của mình, ông cho rằng muốn phát triển phong trào đọc sách thì trước tiên phải đưa sách hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của mọi người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, như việc mở ra hệ thống tủ sách trường học, lớp học, gia đình, dòng họ... Ít nhất 5 triệu bản sách đã về nông thôn trong 10 năm qua và điều này đã giúp kích thích phong trào đọc sách tăng mạnh ở những vùng nông thôn có sách.
Ông Nguyễn Quang Thạch cho biết, có những nơi như huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, khảo sát của ngành giáo dục huyện cho thấy việc đọc sách của trẻ em đã tăng từ 10-20 lần so với trước đây. Để đạt được điều này, chính quyền, ngành giáo dục và các bậc phụ huynh, các học sinh đã cùng tham gia phát triển phong trào đọc sách.
Tiếp nối quan điểm về “khuyến đọc bắt đầu từ kích hoạt lòng hiếu tri”, ông Giản Tư Trung cho rằng, lòng hiếu tri được hình thành trước hết từ giáo dục gia đình. Trong đó, nếu cha mẹ là người ham học hỏi, hiểu biết thì lòng hiếu tri của cha mẹ sẽ ngấm sang con một cách tự nhiên. Từ môi trường gia đình, nếu đứa trẻ được nhà trường và những người hiểu biết từ cộng đồng tác động theo hướng kích hoạt lòng hiếu tri, chắc chắn trẻ sẽ có thói quen đọc sách một cách vững chắc.
Quan tâm tới tủ sách gia đình
Mới đây, trao đổi với truyền thông nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhấn mạnh: “Rõ ràng là việc tạo dựng thói quen đọc sách rất quan trọng. Hiện nay, quy định của Luật Giáo dục cũng như các nội dung liên quan đến tiết học trong nhà trường đã có những quy định cụ thể. Tuy nhiên, để mang tính bắt buộc thì tôi nghĩ rằng cần thiết chế mạnh hơn nữa. Tôi cũng đề nghị các nhà trường cần có sự quan tâm hơn nữa để thư viện trường thực sự hấp dẫn, lôi cuốn được trẻ em đọc sách. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình là rất quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách. Thói quen này đầu tiên phải xuất phát từ gia đình. Nếu thói quen đó không được tạo lập từ gia đình thì tất cả những môi trường cộng đồng khác cũng khó có thể tạo điều được. Cho nên việc xây dựng bên cạnh tủ sách của nhà trường thì tủ sách gia đình cũng là một nội dung rất đáng quan tâm”.