Xu hướng “nữ tính hóa”
Mới đây, tại Trung Quốc, khái niệm “nam tính biến mất” đã được đặt ra. Những người trung niên, lớn tuổi bày tỏ lo lắng rằng một bộ phận nam giới trẻ tuổi ngày càng đánh mất đi sự nam tính vốn có của mình. Họ chạy theo các trào lưu “thần tượng”, học cách trang điểm, ăn mặc trang phục có xu hướng nữ tính. Thậm chí, vẻ đẹp “phi giới tính” cũng đang trở nên được ưa chuộng. Có những chàng trai trẻ thoạt tiếp xúc người đối diện còn không rõ là nam hay nữ.
Cạnh đó, sức ảnh hưởng của các tiểu thuyết ngôn tình cũng khiến nhiều nam thanh niên trở nên “sến”, ủy mị, ướt át hơn trong việc bày tỏ cảm xúc với phụ nữ nói riêng và với người xung quanh nói chung.
Câu chuyện này không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Trong những năm gần đây, một bộ phận thanh niên Hàn Quốc cũng được nhận định là khá “ẻo lả” khi đeo đuổi phong cách phi giới tính, trang điểm kiểu ấn tượng với làn da trắng, môi đỏ, dáng dấp mảnh mai.
Tại Việt Nam, không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của các thần tượng xứ Trung, Hàn đối với gu thẩm mỹ và lối sống của giới trẻ. Trước đây, chuyện nam giới dùng các loại mỹ phẩm dưỡng da, học cách trang điểm rất hiếm hoi. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường mỹ phẩm, làm đẹp cho nam tăng trưởng đột biến. Các dịch vụ spa, phẫu thuật thẩm mỹ dành cho nam giới cũng xuất hiện ồ ạt, những gương mặt nam “đẹp không tì vết” kiểu nữ tính cũng xuất hiện.
Cạnh đó, nhiều thanh niên còn không phân biệt được giới tính của mình, hoặc thay đổi xu hướng giới tính vì ảnh hưởng của bạn bè.
Trước xu thế của giới trẻ, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra khá lo lắng. Chị Lê Thị Kim Minh, giáo viên dạy cấp 1, ngụ quận 10 chia sẻ: “Con trai tôi đang học lớp 10, chơi với một nhóm bạn thân. Đôi khi tình cờ gặp các cháu, tôi khá “sốc” khi thấy có những cháu nam ăn mặc kiểu nữ tính. Có cháu còn kẻ chân mày đậm, dậm phấn trên mặt. Tôi thấy con trai tôi cũng thích nũng nịu mẹ, thích cắm hoa nên cũng lo lắng về vấn đề giới tính của con. Hỏi con tôi thì cháu nói, bây giờ nam giới làm đẹp là bình thường, nam giới cũng có sở thích như nữ giới, chứ không hẳn đã thuộc “giới tính thứ ba”. Tôi nghe mà hoang mang lắm”.
Không nên phản ứng thái quá
Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện rất nhiều clip kiểu nam giả nữ như một trào lưu gây cười. Trong đó, nhiều người nam mặc váy, trang điểm, nói giọng “éo éo”. Không chỉ là trò “nhại” vui, đã xuất hiện một xu thế thích giả gái của một bộ phận nam thanh niên trẻ. Họ không thuộc giới tính thứ ba, nhưng lại có sở thích hóa trang thành nữ.
Đinh Minh Thuận, thành viên một nhóm hài trên mạng thường thực hiện các clip có nội dung viral, trong đó diễn viên toàn bộ là nam đóng giả nữ cho biết: “Thực ra, ban đầu là vì muốn tạo ra một ý tưởng gì đó lạ lạ. Sau đó thì “ghiền”. Giả gái cho nhóm chúng tôi cảm giác vui vẻ, thoải mái hơn, không phải “gồng” mỗi ngày nữa. Học được cách trang điểm, ăn mặc của nữ cũng rất vui. Tất nhiên, trong nhóm có các bạn giới tính thứ ba, có bạn nam tính thật sự, nhưng có hề gì đâu, chỉ là sở thích thôi mà”.
Minh Thuận cho biết, cậu cũng nhận nhiều phản ứng không hay. Có nhiều người “ném đá”, cho rằng nhóm “nam không ra nam nữ không ra nữ”. Cha mẹ và họ hàng của Thuận cũng gây áp lực yêu cầu cậu bỏ nghề, thậm chí cha Thuận đã nhiều lần từ quê lên bắt con về.
Rất nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng khi con mình thường nghe nhạc, hâm mộ các thần tượng “thiếu nam tính” vì sợ điều này làm ảnh hưởng giới tính của con. Có phụ huynh còn phản ứng tiêu cực bằng cách cấm đoán con không được thần tượng những thanh niên ẻo lả như thế nữa.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, “nữ tính hóa” là một xu thế thuộc về tâm lý, do ảnh hưởng bởi phim ảnh, sách báo, thị trường giải trí. Đó là một thị hiếu của thời đại và không nên đồng nhất với xu hướng giới tính của thanh thiếu niên.
“Nhiều cha mẹ thấy con trai thích làm đẹp, chăm sóc bản thân hay thần tượng những “idol” thiếu nam tính thường có phản ứng thái quá, phủ nhận những sở thích, thói quen của con vì sợ hãi con thuộc “giới tính thứ 3”.
Hiện nay, với thanh niên nhiều nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, chuyện nam giới say mê chăm sóc sắc đẹp đã trở nên phổ biến. Nó cho thấy nam giới ngày càng có ý thức chăm sóc ngoại hình hơn. Điều quan trọng là cha mẹ cần phân biệt rõ, đó là sở thích, tính cách của con hay xu hướng giới tính.
Nếu là xu hướng giới tính, thì nên học cách cảm thông, hiểu và chấp nhận con mình thay vì xa lánh, phủ nhận. Nếu xu hướng nữ tính chỉ là sở thích nhất thời do trào lưu, nên hướng con đến những sở thích mạnh mẽ, chơi thể thao.
Đồng thời, cố gắng hạn chế cho con đọc những truyện ngôn tình ướt át, phim ảnh ủy mị vì những văn hóa phẩm này gây ra nhiều độc hại, khiến tâm hồn thanh thiếu niên trở nên yếu đuối, viển vông nhiều hơn là cung cấp những kiến thức cần thiết cho cuộc sống, vun đắp chiều sâu tâm hồn”.