Trẻ tự kỷ đang có xu hướng gia tăng, các trung tâm dạy trẻ tự kỷ cũng mọc lên như nấm. Trong đó có không ít những trung tâm… lừa khi đội ngũ giáo viên không được đào tạo bài bản, trẻ tự kỷ đến học thay vì được hướng dẫn hành vi, lại bị “trói” để… cho ngoan.
|
Trẻ tự kỷ cần được can thiệp sớm và đúng phương pháp. Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến- Phó Viện trưởng Viện KHGD VN khẳng định phát hiện sớm tự kỷ đang là vấn đề cấp bách và quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều trẻ tự kỷ được phát hiện muộn sau 36 tháng tuổi.
Tỷ lệ trẻ tự kỷ đến khám và được chẩn đoán muộn tại BV Nhi Trung ương là gần 44%. Hơn nữa các hình thức chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ hiện chủ yếu là chăm sóc y tế.
Thực tế cho thấy, số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng trong khi hệ thống cơ sở giáo dục dành cho các em còn hạn chế, không có bác sĩ được đào tạo bài bản và giáo viên thì chỉ tham gia các khóa bồi dưỡng “chắp vá”, ngay cả một chương trình chuẩn cũng chưa có mà phải "mượn tạm" của nước ngoài.
Tại Hà Nội hiện có một số trường và trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ song mới chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu. PGS.TS Lê Văn Tạc- GĐ Trung tâm Nghiên cứu gia đình đặc biệt, Viện KHGD VN cho rằng: Việc giáo dục sớm trẻ tự kỷ ở nước ta còn quá nhiều bất cập cả từ chuyên môn đến quản lý.
Nhiều phụ huynh khi biết con mình mắc tự kỷ đã có tâm lý hoang mang, lo sợ, suy sụp tinh thần. Một số người sau một thời gian điều trị không thấy rõ sự tiến triển của con mình đã nản chí, thoái lui. Việt Nam cũng chưa có đội ngũ cán bộ y tế, tâm lý, giáo viên được đào tạo chuyên sâu về tự kỷ. Đội ngũ giáo viên chỉ được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhỏ lẻ, theo các chuyên đề rời rạc và thường “không có đầu và cả cuối”.
Thậm chí, bác sỹ chuyên khoa Đỗ Thúy Lan, Trung tâm Sao Mai còn đưa ra cảnh báo: Hiện nay chưa có khoa đào tạo các giáo viên cho ngành tự kỷ, các nhà trị liệu hành vi, trị liệu ngôn ngữ, âm nhạc trị liệu, mỹ thuật trị liệu… phục vụ cho việc can thiệp trẻ tự kỷ. Các trường mới chỉ đào tạo giáo viên đặc biệt đa ngành vừa khiếm thính, khiếm thị và chậm phát triển trí tuệ.
Bên cạnh đó, tồn tại rất nhiều mặt trái trong việc giáo dục trẻ tự kỷ. Nhiều sinh viên ra trường cũng đã mở trung tâm, thậm chí chuyên ngành học không hề liên quan đến giáo dục trẻ tự kỷ nhưng họ đã in các “chuyên gia can thiệp trẻ tự kỷ” để… lừa phụ huynh. Có một vài trung tâm tư nhân dùng phương pháp “cưỡng bức”, thậm chí trói học sinh vào ghế để bắt... học sinh tự kỷ nói.
GS Tâm lý học Giáo dục và Tâm thần học Connie Kasari -Đại học Bang California (Los Angeles) chia sẻ: Các cách can thiệp hiệu quả đối với trẻ tự kỷ là can thiệp hành vi một cách tự nhiên. Y học chưa có thuốc đặc trị để điều chỉnh những khiếm khuyết cốt lõi của hội chứng tự kỷ. Các can thiệp nên có là giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng tập trung, tham gia vào hoạt động chơi đùa với cộng đồng, bạn cùng lứa, giúp trẻ nâng cao tính linh hoạt, làm chủ cảm xúc…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Một trong những biện pháp hữu hiệu để chữa trị cho trẻ tự kỉ là cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng không phân biệt đối xử giữa trẻ bình thường với trẻ tự kỉ để từ đó đưa ra những biện pháp, sáng kiến chăm sóc trẻ tự kỉ. Thời gian tới Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các ban, ngành nghiên cứu để có những trị liệu chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ tốt nhất.
Uyên Na