Cách đây 5 năm, kế hoạch về hưu an nhàn của bà Sun Yulan bất ngờ chuyển hướng sau khi cháu nội bà chào đời. Được vợ chồng con trai nhờ vả, bà Sun cùng chồng hăm hở đánh đổi cuộc sống tự do bao năm trong căn hộ rộng 120 m2 ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, để tới Thượng Hải dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn và đưa cháu đi học.
Sau ba năm, vợ chồng bà Sun định về lại căn hộ cũ và hưởng tuổi già. Thế nhưng, đứa cháu trai tiếp theo ra đời khiến cặp vợ chồng già không thể rời đi và tiếp tục ở lại làm "osin không công".
"Con dâu ít khi nói chuyện với mẹ chồng, ngoại trừ lúc bỏ đồ bẩn ra giặt. Chúng tôi giống như những người giúp việc không công nhưng có thể làm được gì đây? Chi phí thuê người trông trẻ ở Thượng Hải quá đắt", SCMP dẫn lời bà Sun nói.
Gần một nửa người di cư cao tuổi ở những thành phố lớn của Trung Quốc đang phải hy sinh tuổi nghỉ hưu của mình để đi chăm con, cháu. Các nhà nghiên cứu cho hay xu hướng này nói lên sự thay đổi trong cấu trúc gia đình và xã hội, đặt những người di cư cao tuổi vào nguy cơ cô lập.
Được gọi là "những người già lang thang", người di cư cao tuổi chiếm 7,2% dân số di cư 247 triệu người của Trung Quốc. 43% của nhóm này rời nhà để đi chăm sóc con, cháu, theo số liệu của Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia.
Tỷ lệ trên thậm chí còn cao hơn ở các thành phố phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Những nơi ấy có hơn 54% người di cư lớn tuổi lặn lội đến đây để trông trẻ, báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết. Họ giúp trông cháu, cùng cháu tham gia các hoạt động ngoại khóa, đảm đương việc nhà, bao gồm nấu ăn và dọn dẹp.
Liu Yana, giáo sư Đại học Sư phạm Thủ đô, tác giả nghiên cứu nhóm người di cư lớn tuổi ở Bắc Kinh, nhận thấy nhiều người không chỉ vất vả về thể chất khi phải làm việc nhiều giờ đồng hồ mà còn phải chịu nỗi cô đơn và gặp khó khăn khi hòa nhập xã hội.
Không ít người sống ở thành phố nhiều năm chỉ quen với lịch trình bất di bất dịch, đó là tới trường và ra chợ. Họ sống cuộc đời bị cô lập khi chỉ có một vài người bạn để trò chuyện. Nghiên cứu của giáo sư Liu cũng chỉ ra một vài trong số những người di cư lớn tuổi tới Bắc Kinh trông cháu hòa nhập được với hàng xóm hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng, còn lại phần lớn chỉ quen biết hàng xóm sơ sơ.
Nhiều người di cư lớn tuổi thường chỉ biết đường từ nhà đến trường học, công viên hay siêu thị gần nhà, dù đã lên thành phố trông cháunhiều năm. Ảnh:Simon Song. |
Bà Sun cảm thấy lạc lõng kể từ khi chuyển tới Thượng Hải. Con trai và con dâu của bà đều là bác sĩ, ít khi có thời gian ở nhà. Về tới nhà, cả hai lại tập trung vào công việc hoặc say sưa với thú tiêu khiển riêng. Cùng chồng quán xuyến mọi việc trong nhà từ vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ đến đưa cháu đi học khiến bà Sun thấy buồn và kiệt sức. Bà không thể nói được phương ngữ và cảm thấy thành phố quá rộng lớn cũng như khác biệt so với nơi vợ chồng bà đã sống gần như cả cuộc đời.
Bà Zhou Fanggyun, 65 tuổi, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà từng có một cuộc sống đầy màu sắc ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Mỗi sáng, bà Zhou thường chơi bóng bàn, sau đó chợp mắt rồi xem tivi vào buổi chiều và đợi đến tối đi khiêu vũ. Cuộc sống tận hưởng ấy kéo dài cho tới khi bà cùng chồng chuyển đến Bắc Kinh cách đây hơn ba năm để trông cháu.
Kể từ khi lên thành phố, thời gian biểu mới của bà Zhou tập trung vào nguyên tắc "trẻ con trước, người lớn sau", từ bữa ăn tới giấc ngủ. Một ngày mới của bà bắt đầu từ 5h30 đến bất cứ khi nào con dâu của bà xong việc. Sau nhiều năm sống ở thủ đô, bà Zhou chỉ biết mỗi đường đến công viên, trường học và siêu thị gần nhà.
"Tôi chẳng biết ai và nói tiếng quan thoại bằng giọng Thiểm Tây đặc sệt. Tôi lo người thành phố sẽ coi thường nhưng may thay, tôi có chồng bên cạnh", bà Zhou tâm sự.
Theo bà Zhou, để ba thế hệ cùng chung sống hòa thuận dưới một mái nhà quả là chuyện không dễ. Bà Zhou thường không đồng ý với con trai và con dâu trong vấn đề chăm sóc và nuôi dạy con nhỏ. Để duy trì không khí êm ấm, vui vẻ, bà chẳng bao giờ đưa ra bất cứ quyết định nào và chỉ làm theo những gì con dâu yêu cầu.
"Tôi hỏi ý kiến vợ chồng con trai về mọi việc, từ mặc quần áo đến cho uống thuống gì khi con chúng ốm. Con dâu đăng ký một số lớp học cho con nó và tôi có trách nhiệm đưa cháu đi và đón về. Tôi không can dự vào việc đưa ra quyết định", bà Zhou cho biết.
Nghiên cứu của giáo sư Liu cũng chỉ ra người di cư cao tuổi rời môi trường và vòng tròn xã hội quen thuộc của mình không chỉ phải làm quen với cách sống mà còn cần phải thiết lập một mối quan hệ mới với hàng xóm và bạn bè. Việc lựa chọn ở thành phố hay không là do mỗi cá nhân quyết định nhưng sẽ chỉ công bằng khi các chính sách của chính phủ và cộng đồng hỗ trợ những người già di cư để họ hòa nhập dễ hơn.
Giáo sư Liu phân tích, số người di cư cao tuổi ngày càng tăng cho thấy các nhà quản lý của thành phố đang phải đối mặt với thách thức lớn. Nhiều sáng kiến mới đã được đưa ra để giúp nhóm người di cư này hòa nhập tốt hơn. Ví dụ, họ có thể lấy lương hưu mà không cần phải về quê.
"Vẫn chưa hoàn hảo nhưng hướng đó đang khiến cho cuộc sống của người di cư thuận tiện hơn", bà Liu nhận định.
Tuy nhiên, với một số người, sự thuận tiện ấy không quan trọng bằng việc ở cùng cháu nội, ngoại của mình. Bà Lin Ying, 55 tuổi, từng làm việc trong bệnh viện ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây. Hàng sáng, bà thức dậy lúc 6h để chuẩn bị đồ ăn cho cô cháu ngoại 15 tháng tuổi. Bà làm như vậy để con gái mình có thêm thời gian được ngủ. Sau bữa sáng, bà Lin đưa cháu ra công viên chơi theo lịch trình hàng ngày. Hai bà cháu trở về nhà vào buổi trưa và chợp mắt trước khi ra khỏi nhà vào buổi chiều. Buổi tối, bà Lin chơi cùng cháu ngoại, đọc sách cho bé nghe và dạy bé đọc thơ.
"Con gái tôi cảm thấy dễ thở hơn nhiều khi có mẹ chứ không phải một người lạ chăm sóc con mình. Tôi chỉ ước ông xã nghỉ hưu sớm để có thể đoàn tụ cùng gia đình ở Bắc Kinh", bà Lin giãi bày.
Giống bà Lin, ông Huang Zichang, 61 tuổi, vui vẻ đóng cửa hàng tiện ích ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, để tới Bắc Kinh chăm cháu. Đứa cháu trai 8 tháng tuổi rất quấn quýt và yêu mến ông Huang.
"Tôi mới ở đây chưa đầy hai tháng nhưng từ bấy đến giờ, tôi chẳng mảy may nghĩ đến việc rời đi", ông Huang nói.
Hơn một nửa số người di cư lớn tuổi ở các thành phố lớn tại Trung Quốc hy sinh tuổi nghỉ hưu để rời nhà lên thành phố trông cháu giúp các con. Ảnh:Simon Song. |