Cha mẹ không đổi tư duy sẽ khó bảo vệ được con trên mạng

(PLVN) - Trước sự phát triển vũ bão của công nghệ, cũng như vai trò quan trọng của nó trong cuộc sống, cần thay đổi tư duy về công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Người lớn, thầy cô, cha mẹ… thay vì cấm đoán, bắt trẻ em rời xa internet thì hãy dạy trẻ cách sử dụng an toàn.
Cha mẹ nên thay đổi suy nghĩ để định hướng cho con trên môi trường mạng
Cha mẹ nên thay đổi suy nghĩ để định hướng cho con trên môi trường mạng

Trong một cuộc thảo luận do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức, 20 đại diện trẻ em và thanh thiếu niên đều thể hiện có mong muốn được cha mẹ, thầy cô hướng dẫn cách sử dụng internet nói chung và sử dụng mạng xã hội nói riêng. 

Qua ý kiến của các em, có thể thấy internet ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy hiểm và các em thực sự có mong muốn, nhu cầu được phụ huynh đồng hành trong quá trình khám phá thế giới số. Tuy nhiên, để hướng dẫn được con cái sử dụng mạng, chính các bậc cha mẹ cũng cần học cách sử dụng mạng an toàn.

Nói về sự thiếu cẩn trọng, thiếu kỹ năng để bản thân sử dụng cũng như dạy con cách sử dụng mạng an toàn, Thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Tương lai đã từng nhận định: “Theo thuật toán, nếu bạn đã xem một clip nội dung giật gân hoặc clip đen thì hôm sau bạn sẽ tiếp tục được giới thiệu các clip với nội dung này cho bạn. Một số người lớn có thói quen giao điện thoại hoặc iPad của mình cho trẻ nhỏ xem khi muốn có thời gian rảnh rỗi làm chuyện khác. Khi đó, trẻ nhỏ sẽ được xem các clip giật gân và clip đen mà thuật toán đã gợi ý thì thật nguy hiểm.

Bên cạnh đó, không ít ông bố, bà mẹ có thói đăng ảnh con trẻ của mình trong các tư thế nhạy cảm hoặc không mặc quần áo. Họ đâu biết rằng có rất nhiều người sưu tầm các hình ảnh nhạy cảm này để cung cấp cho các website khiêu dâm trẻ em nhằm trục lợi hoặc giải trí. Vì vậy phụ huynh không nên đăng ảnh con cái trong tư thế nhạy cảm, không mặc quần áo trên mạng xã hội. Phụ huynh nên đặt giới hạn thời gian lên mạng cho bản thân mình lẫn con cái, đồng thời dành thời gian để trò chuyện thường xuyên với con cái về thông tin trong ngày để nắm bắt con xem gì, nghe gì trên internet”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Liêm, chuyên viên tư vấn Nhóm tình nguyện Sắc Màu Cuộc Sống (TP HCM) cũng đưa ra lời khuyên: cha mẹ, người lớn không nên nói tục, bình luận vô tội vạ trên mạng. Đối với người lớn, nhất là những bậc phụ huynh có con nhỏ càng phải cẩn trọng hơn khi sử dụng internet hay mạng xã hội vì nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn là tấm gương cho con cái nhìn vào.

Khi lên mạng, chọn lọc những thông tin tích cực và không nên nói lời tục tĩu, bình luận vô tội vạ hoặc chê bai, chỉ trích, xem những clip không lành mạnh, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng... vì con cái sẽ biết và chúng sẽ bắt chước. Phụ huynh cũng đừng nên khoe khoang quá mức về thành tích của con cái hay so sánh các con, đưa những thông tin cá nhân của con... lên mạng xã hội. Những lịch trình đi đâu, học cái gì, ăn cái gì, chơi cái gì... quá rõ ràng sẽ là cơ hội cho các thành phần bắt cóc tống tiền, xâm hại tình dục theo dõi và tấn công con bạn, mà đôi khi có những tình huống bạn không ngờ tới. 

Ông Nguyễn Trọng Tiến - Trung tâm iSmartaKids cho rằng, cha mẹ nên dạy trẻ bảo mật thông tin cá nhân, quy định thời gian sử dụng mạng, khuyến khích trẻ vào những hoạt động chăm sóc bản thân, dạy kỹ năng sống và kiểm soát nội dung truy cập của trẻ. Trên thực tế, trẻ em được cha mẹ dặn không cung cấp thông tin về bản thân và gia đình cho người lạ. Tuy nhiên, trẻ lại sẵn sàng điền đầy đủ thông tin này khi tham gia trả lời các câu hỏi trên mạng. 

Từ lời khuyên của các chuyên gia có thể nói, việc cấm tuyệt đối trẻ em vào các website chia sẻ video như YouTube, Facebook... là điều không nên, thậm chí có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với tâm lý trẻ con. 

Vấn đề là, khi trẻ em đang trong quá trình hình thành tư duy thì rất cần sự đồng hành của người lớn. Không nên để con trẻ tự bơi trong thế giới rộng lớn rất thú vị nhưng cũng nhiều cạm bẫy rình rập ấy để rồi phơi nhiễm với điều xấu. 

Phát biểu về các giải pháp tại hội thảo “Phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong cơ sở giáo dục” ngày 13/1/2020 do Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội tổ chức, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT  nhấn mạnh, tư duy ngăn chặn trẻ em tham gia không gian mạng là hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin của trẻ. Do đó, thay đổi nhận thức là rất quan trọng, nếu cha mẹ, thầy cô không dẫn dắt trẻ thì có vô số kẻ trên thế giới ảo sẽ dẫn dụ vào những con đường chúng ta không lường hết được.

Chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Làm thế nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng? Đó là câu hỏi không dễ trả lời khi hiện nay hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, nhưng không dạy về sử dụng mạng an toàn. 

Từ những yêu cầu cấp thiết này, đầu tháng 3/2020, Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH và Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã ký kết hợp tác để  chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, gồm các nội dung chính như: Khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; Triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, để kết nối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng hoạt động vì trẻ em…

Có thể nói, đây là lần đầu tiên có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin trên không gian mạng với cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm quyền trẻ em. Sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh của áp dụng công nghệ tiên tiến với kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em hi vọng sẽ tạo nên một bước tiến mới để trẻ em Việt Nam được bảo vệ an toàn và phát triển lành mạnh trên môi trường mạng, hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ môi trường mạng.

Đọc thêm