Nguy hiểm cửa sổ chung cư không rào chắn
Do dành nhiều thời gian để chuẩn bị đón Tết, nhiều bậc phụ huynh ít để mắt đến con nhỏ. Chỉ một vài phút lơ là của cha mẹ, cùng với sự hiếu động, nghịch phá của trẻ, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp này, các bậc phụ huynh cần chú ý những tai nạn có thể xảy ra như:
Tai nạn bỏng: Trẻ có thể bị bỏng nước sôi do chạm tay, đụng đổ nồi nước sôi, nồi canh, bình trà đang nấu hay để trên bếp, trên bàn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bỏng do nhang, đèn dầu, đèn cầy thắp khi cúng hay bị phỏng điện do nghịch phá đèn chớp tắt trang trí. Bỏng do bàn là khi phụ huynh là đồ chuẩn bị mặc đi chơi Tết, rồi bất cẩn để nguyên bàn là đi làm việc gì khác, trẻ chạy chơi qua sẽ bị ngã, chạm phải gây chấn thương, bỏng.
Hóc dị vật: Tết là dịp các loại kẹo, hạt được bày sẵn trên bàn. Các bé có thể tự lấy ăn, bỏ vào miệng nuốt, bắt chước người lớn cắn hạt dưa, hạt bí. Nhiều trường hợp bé nuốt, mắc phải các loại hạt này trong đường thở, gây ngạt, nguy kịch.
Ngạt nước: Tai nạn này thường xảy ra với các bé nhỏ tuổi, đang chập chững đi. Trong lúc người lớn bận dọn dẹp, sửa soạn chuẩn bị Tết, các bé có thể đi vào phòng tắm, ra sân, vô tình ngã xuống ao, hay ngã chúi đầu vào thau, xô đựng đầy nước đã được hứng sẵn để dọn rửa nhà cửa, sân vườn.
Mới đây, sự việc cháu bé 4 tuổi rơi xuống đất từ tầng 25 chung cư ở Hà Nội đã làm cho nhiều người bàng hoàng. Cháu bé ngủ cùng em trên giường, cạnh đó có cửa sổ chớp nhưng bên ngoài không có rào chắn. Người nhà thì ra ngoài đi công việc. Tỉnh dậy, cháu bé vươn người ra đẩy cửa sổ và trượt thẳng ra ngoài.
Đáng buồn là sự việc như trên không phải lần đầu. Cũng gần thời điểm ấy, một cháu bé khác tại phía Nam rơi xuống từ tầng 12 chung cư cũng với một lý do cửa sổ không rào chắn. Rồi thỉnh thoảng, người ta nghe tin một cháu bé vắn số nào đó, trèo ra ban công bị ngã. Trường hợp may mắn, chung cư ở tầng thấp, các trẻ rơi xuống chỉ bị nhẹ nhưng cũng có những cháu bé không may mắn như thế.
Chung cư cao tầng là một lựa chọn tiện ích của người dân đô thị vì tính kinh tế, an toàn nhiều mặt. Nhưng với trẻ nhỏ, các bé chưa có ý thức bảo vệ được bản thân thì nguy cơ luôn rình rập. Những tai nạn trên cao rơi xuống, những cái chết đau đớn đi kèm với cả nỗi ân hận của người thân vì đã thiếu quan sát, thiếu cẩn thận hay một phút lơ là, để con trẻ ở nhà một mình.
Cạnh rủi ro đến từ việc lơ là ở chung cư cao tầng, còn khá nhiều rủi ro chực chờ trẻ ở khắp nơi. Một trong số đó là vật nuôi trong nhà. Tình trạng chó nhà hay chó nhà hàng xóm tấn công trẻ nhỏ đã diễn ra không ít lần, làm dấy lên mối lo ngại về việc nuôi chó dữ trong đô thị.
Cách đây ít lâu, cháu bé Trần Tường T., 3 tuổi ở huyện Củ Chi, TP.HCM bị chó nuôi trong nhà cắn, khi gia đình đưa nhập viện, các bác sĩ cũng phải rùng mình vì cháu bị mất một mảng môi, đồng thời những vết cắn chi chít, sâu hoắm trải trên gương mặt. Không ít trường hợp chó nhà, chó ngoài đường hay nhà hàng xóm bỗng dưng tấn công trẻ nhỏ gây thương tích, thậm chí có cháu bé bị cả đàn chó xông vào xâu xé khiến cháu tử vong.
Ngoài ra bậc phụ huynh cũng cần chú ý từ hồ bơi trong nhà, hồ công cộng có thể gây nguy cơ đuối nước; hoặc cầu trượt khiến trẻ thương tích trong lúc chơi đùa.
Cẩn thận không bao giờ thừa
Anh Phạm Minh Hùng, ngụ ở chung cư Nam Long, TP.HCM chia sẻ: “Trước đây khi nhận nhà chung cư, do ở tận tầng 10 nên tôi cũng an tâm vấn đề trộm cắp, cửa là cửa chớp, có người khuyên làm rào chắn cho an toàn nhưng tôi không làm. Có lần, cậu con trai 6 tuổi bắc ghế nhoài hẳn người ra để “ngắm mây”, may mà có vợ tôi ở nhà phát hiện ra nên không sao. Từ đó, tôi nhờ thợ về làm hẳn rào chắn bên ngoài và trồng hoa, vừa an toàn vừa không khiến không gian bị xấu đi”.
Nhiều kiến trúc sư cũng tư vấn các hộ gia đình sống chung cư nên làm rào chắn cửa sổ, ban công rồi trồng các loại hoa, dây leo, đây là lựa chọn an toàn, thẩm mỹ.
Về vấn đề chó dữ trong khu dân cư, trước đến nay đã có quy định về rọ mõm chó khi ra đường, nhưng do người dân hiếm khi tuân thủ, nên gây ra những tai nạn đáng tiếc. Giờ đây, nhiều người bắt đầu đặt vấn đề về việc có nên cho phép nuôi chó dữ tại các khu đô thị. Ngoài ra, các cầu trượt, trò chơi trẻ em có tiềm ẩn nguy hiểm trong các sân trường mẫu giáo, khu dân cư cũng đang được để nghị loại bỏ.
Tuy nhiên, từ đề xuất đến thông nhất còn là một chặng đường với bao tranh cãi. Và những hiểm họa có thể xảy ra cho trẻ cũng không chỉ có bấy nhiêu. Thế nên, điều quan trọng vẫn là các bậc phụ huynh nên hết sức cẩn trọng, để mắt đến con trẻ, tránh cho con những tai nạn đáng tiếc gây thương tật, thương tâm cho trẻ, gây hối tiếc suốt đời cho người lớn.
Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga: Cha mẹ cần chủ động phòng ngừa
Cứ thi thoảng, lòng các bậc cha mẹ lại cồn lên khi nghe thông tin về một vụ tai nạn thương tâm nào đó xảy ra cho trẻ con. Đáng buồn là những tai nạn ấy hoàn toàn có thể phòng ngừa, có thể tránh được, nhưng vì chủ quan, chúng ta đã bỏ qua, để rồi khi mất con mới hối hận không nguôi.
Trẻ con yếu ớt và thường không có khả năng bảo vệ bản thân, vì thế, có những thứ với người lớn là đơn giản, là an toàn thì đối với trẻ nhỏ là mối nguy lớn. Một ví dụ, thời điểm giáp Tết năm nào cũng xảy ra những vụ việc đáng tiếc, từ chuyện cha mẹ lo tất bật để con chạy ra đường, tai nạn xe, hay trẻ uống nhầm dung dịch tẩy rửa nhà cửa. Rồi cả chuyện trẻ hóc dị vật. Đôi khi là cái nút áo, hạt hoa quả thôi, cũng đủ gây tử vong cho trẻ.
Theo tôi, thứ nhất cha mẹ nên có cái nhìn rộng ra, có sự tìm hiểu kĩ những gì có thể gây ra những tai nạn cho con để mà lường, mà phòng tránh và hạn chế cho con tiếp xúc. Đó là với trẻ còn quá nhỏ.
Với trẻ lớn hơn thì cần cho con học “quy tắc an toàn”, những gì có thể gây hại: Đồ vật nóng, sắc nhọn, không bắc ghế lấy đồ trên cao… Cạnh đó, về phần mình, phụ huynh cũng cần học cách sơ cứu trước nhiều tình huống nguy hiểm như con phải bỏng, con té ngã, con hóc dị vật… Chủ động ứng phó và có sự thận trọng, chu đáo thì có thể hạn chế được nhiều tai nạn, nguy cơ cho trẻ.