Cha mẹ “muối mặt” vì cô dâu cuỗm tiền theo trai ngay trong ngày cưới

Đến giờ đón dâu mà không thấy cô dâu đâu, nhà trai thì đã giục giã xin đón dâu, mọi người đổ xô vào phòng trang điểm mới bất ngờ phát hiện lá đơn ly hôn cô dâu để lại “trần tình” việc mình xin bỏ trốn… theo trai cùng số tiền, vàng cả chục triệu đồng...

Đến giờ đón dâu mà không thấy cô dâu đâu, nhà trai thì đã giục giã xin đón dâu, mọi người đổ xô vào phòng trang điểm mới bất ngờ phát hiện lá đơn ly hôn cô dâu để lại “trần tình” việc mình xin bỏ trốn… theo trai cùng số tiền, vàng cả chục triệu đồng.

Câu chuyện “có một không hai” xảy ra vào những ngày giữa tháng 12 vừa qua tại xã Đông Lao (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán xôn xao của người Hà Thành trong mùa cưới năm nay. 

“Tình cũ không rủ mà tới”

Thiếu nữ Trần Thị L (SN 1994, ngụ xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) vốn có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã bỏ học sớm để cùng mẹ và anh trai kiếm sống sinh nhai. Người nhà cho biết vài năm trước kia, cô học may và làm cho một cơ sở may mặc ngoài Hà Đông. Nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng thiếu nữ lại “kết” một anh chàng người cùng làng. Đã yêu là không hối tiếc, cô đã trao thân cho mối tình đầu của mình. Kết quả là cô gái mang thai và tủi hổ hơn khi gia đình nhà người yêu biết chuyện đã phản đối kịch liệt. Không còn cách nào khác, cô phải bỏ đi giọt máu của mình là kết quả của mối tình ngang trái, chấm dứt cuộc tình bội bạc.

Vết thương lòng rồi cũng lành và một thời gian sau đó, trong đám cưới một người bạn học, L gặp chàng trai Vũ Đình Đ (SN 1989, ngụ xã Đông Lao, huyện Hoài Đức). Dù là khác xã, khác huyện nhưng hai làng giáp nhau chỉ cách con sông, Đ đã dính “tiếng sét ái tình” khi bị vẻ đẹp mặn mà của cô thôn nữ hút hồn. Vài câu nói bông đùa đã làm nảy sinh tình cảm giữa chàng trai làng và cô thôn nữ có má lúm đồng tiền, có đôi mắt đen huyền “biết nói”. Hai người kịp trao nhau số điện thoại làm quen. Sau ít ngày tìm hiểu qua lại, Đ quyết định xin bố mẹ cho mình cưới L “để chúng con lo làm ăn” và bỏ qua quá khứ lỗi lầm của con dâu tương lai, bố mẹ chàng trai đã nhanh chóng gật đầu.

Cuộc tình thứ hai của cô thôn nữ tưởng như đã thuận buồm xuôi gió khi vài lần qua bên nhà người yêu chơi, cô được gia đình nhà chồng tương lai rất quý mến. Những công đoạn chuẩn bị cho mái ấm gia đình tương lai đã hoàn tất: Mua sắm đồ đạc, sắm váy áo, chụp ảnh cưới... Thế nhưng chàng người yêu cũ của cô gái không hiểu sao khi nghe tin L chuẩn bị đi lấy chồng thì lại tuyên bố: “Sẽ tìm mọi cách phá đến cùng”. Đây cũng là nguyên nhân mở màn của những rắc rối sau này. Gã đã âm thầm níu kéo tình yêu của cô gái mặc cho L đã đồng ý lên xe hoa với người mới và ngày cưới đang đến gần.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Buồn như chú rể mất vợ trong ngày cưới

Những ngày đầu tháng 12, mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới đã hoàn tất, gia đình hai bên đã lên danh sách khách mời, chuẩn bị tiền của để lo cho ngày vui nhất đời của đôi trẻ. Tại nhà trai, anh em, họ hàng tới làm giúp từ hôm trước, tiếng loa đài, tiếng người rộn ràng làm cho không khí càng náo nhiệt. Những lời chúc mừng rộn ràng, vẻ mặt ai cũng rạng rỡ, vui mừng. Ăn uống no say, giờ đón dâu đã đến thì nhà trai nhận được tin “sét đánh ngang tai”: “Cô dâu đã bỏ trốn”. Nháo nhác. Hoài nghi. Rối tinh rối mù. Rồi quan viên hai họ “tiến thoái lưỡng nan”. Cô dâu bỏ đi rồi thì biết làm gì bây giờ? Lẳng lặng ai về nhà ấy, để cho gia chủ hai bên khóc dở mếu dở.

Chuyện cô dâu bỏ trốn khi nào thì gia đình nhà gái cũng không biết. Ông nội cô dâu cho biết có người nói rằng cô bỏ đi lúc rạng sáng, cũng có người nói lúc 8h sáng còn thấy cô trải khăn bàn ngoài sân... Chỉ đến khi thợ trang điểm chờ chực mãi mà không thấy cô dâu đâu, mọi người mới nháo nhác đi tìm. Mở tủ quần áo của cô thì thấy trống huơ trống huếch cùng tờ giấy xin ly hôn đã được ký và gấp ngay ngắn bên trong. Lúc này mọi người với vỡ lẽ L đã bỏ trốn trước giờ đón dâu.

Từ lúc nhận được điện thoại thông báo cô dâu đã bỏ trốn, phía nhà trai nháo nhác như ong vỡ tổ, mỗi người một ý. Người thì nói “cứ tiến hành rước dâu bình thường”, người thì bảo “đã thế thì hủy hôn lễ”… làm cho chú rể và gia đình nhà trai lòng càng rối như tơ vò. Cuối cùng ông trưởng họ đành đứng lên thông báo hoãn giờ đón dâu, chờ cho đến 3h chiều nếu không có thông tin gì thì sẽ hủy hôn  lễ. Thời gian cứ chầm chậm trôi, 3h, rồi 5h chiều cũng không thấy thông tin gì.

Chú rể hết đứng lại ngồi, ruột nóng như lửa đốt mà cũng chẳng biết làm thế nào. Khi người sang thăm dò nhà cô dâu trở về cho biết cô gái đã trốn đi, trước khi đi còn để lại cả tờ giấy xin ly hôn đã ký, lúc này chú rể mới sôi máu mang toàn bộ ảnh cưới đập nát, xé vụn cho hả cơn giận. Cả tuần sau đó tâm trạng chú rể vẫn còn bất an. Điều này thể hiện khi chúng tôi ngồi nói chuyện với mẹ cậu, thì chú rể ở ngoài sân rồ ga xe máy thật to, phải cho tới khi mẹ gọi mắng cậu mới thôi rồi phóng vút ra ngoài đường.

“Quá sốc với việc “vợ hụt” của mình chạy theo tình cũ nên từ hôm xảy ra sự việc nó thẫn thờ như người mất hồn, hậm hực bực dọc với tất cả mọi người”, mẹ cậu phân trần. Ngày vui trong đời nhưng đã trở thành ngày buồn của chú rể. Có lẽ anh cay đắng nhận ra bấy lâu nay cô gái đã lừa dối tình cảm chân thật của mình, ở bên anh nhưng không hề dành tình cảm mình mà chỉ có hình bóng của người yêu cũ. Tệ hại hơn nữa khi cô gái vẫn đồng ý làm đám cưới rồi lại bỏ đi đúng trong ngày kết hôn nên những cư xử bất thường của anh như vậy ai cũng đều cảm thông. 

Cha mẹ “muối mặt”

Hậu vụ việc cô dâu chạy trốn là những tủi hổ, bẽ bàng cho gia đình hai bên.

Gần 10 ngày đã trôi qua, ông bác trưởng họ của gia đình nhà trai vẫn chưa hết bức xúc: “Nếu ngay từ ban đầu nó trả lời ngay là không muốn cưới thì đã không sao. Đằng này nó làm thế là lừa cả gia đình chúng tôi còn gì”. Mẹ chú rể thì chua xót: “Phận làm cha mẹ ai cũng mong con cái sớm yên bề gia thất, ổn định làm ăn. Vợ chồng tôi cũng chỉ mong muốn như vậy, ai ngờ sự việc lại xảy ra như thế này. Thật chẳng biết nói với bà con, xóm giềng thế nào; mà rồi lại mang tiếng nhà tôi bắt ép này khác nữa”.

Không chỉ mất danh mà cả hai nhà còn mất tiền vào đám cưới “trời ơi”. “Kiểm kê tài sản” mới biết cô dâu bỏ đi còn mang theo số tiền gần chục triệu đồng và hai chiếc nhẫn cưới. Đó là chưa kể chi phí đám cưới bên nhà trai tốn tới 4 – 5 chục triệu, nhà gái cũng hàng chục triệu mà chẳng được con dâu, cũng chẳng được con rể. Gương mặt buồn rầu, mẹ chú rể nói tiếp: “Có mất tiền cũng chẳng tiếc bằng cái danh tiếng. Chưa cưới song giờ con tôi lại phải làm thủ tục ly hôn, dù gì đi nữa cháu cũng mang tiếng một đời vợ” 

Con dại cái mang chẳng biết làm thế nào, phái đoàn nhà gái đã phải sang xin lỗi nhà trai. Đại diện họ nhà gái năm nay đã ngoài 70 tuổi, dáng vẻ hom hem càng thiểu não hơn khi đứng trước “sui gia hụt”: “Khổ lắm, bây giờ gia đình tôi chẳng dám ngẩng mặt lên nhìn bà con xóm làng nữa. Bố nó mất sớm, nhà một mình mẹ nó vất vả nuôi 3 đứa con. Giờ nó lại làm việc tày đình này, rồi liệu có ai còn dám yêu thương các em nó không”. Ông lão quay đi lau vội nước mắt.

Kỳ án cô dâu trốn nhà theo trai cũng gây ra nhiều luồng tranh luận của dân làng, người cho rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật của người vợ trẻ và chàng trai dám cuỗm vợ người khác, cũng có người “đoán già đoán non” rằng “chúng nó trốn vào Tây Nguyên đấy, cứ vào đó lôi chúng nó ra cho hai gia đình xét xử theo lệ làng trước đã, luật thì tính sau”. 

Bình luận về sự việc, một chuyên gia tâm lý cho biết: Dù vì bất cứ lý do gì thì việc làm của cô gái cũng là điều đáng trách. “Mùa cưới đang bắt đầu, đây cũng là bài học đắt giá cho những bạn trẻ đang đứng trước quyết định lựa chọn bạn đời mong tiến tới hạnh phúc bền lâu”, vị chuyên gia tâm lý này nói. 

Theo Pháp luật & Thời đại

Đọc thêm