Cha mẹ nên đồng hành hay để con tự lập?

(PLO) -Gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển của trẻ. Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng, bởi vậy, chỉ có tình yêu thương, sự kiên nhẫn và lòng bao dung của cha mẹ mới có thể giúp chúng ta hiểu trẻ hơn. Cha mẹ sẽ luôn là những người bạn đồng hành cùng con, chia sẻ và vun đắp ước mơ cho các con và giúp con tự đứng vững trên chính đôi chân của mình. 
Cha mẹ nên đồng hành hay để con tự lập?

Nên học cách làm người bạn thực sự của con

Cha mẹ là người bạn đồng hành cùng con, theo con suốt cuộc đời. Điều đó không chỉ thể hiện trong đời thực mà còn được đưa vào thơ ca: 

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con”

Khi con còn bé, cha mẹ ôm ấp vỗ về con, rồi khi con chập chững bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời, cha mẹ lại là người theo sát từng bước đi của con, tôn trọng và lắng nghe những suy nghĩ của con, gánh con trên vai nhọc nhằn mà luôn mỉm cười hạnh phúc. 

Mỗi đứa trẻ là một thực thể riêng biệt, với những cá tính và sở trường khác nhau. Vì vậy, tôn trọng trẻ là cách thông minh khi cha mẹ muốn con làm theo những yêu cầu của mình mà con không cảm thấy bị cưỡng chế, bắt ép. 

Dạy cho con cách sống tự lập, rèn giũa ý thức, nỗ lực chính là tạo bước đệm cho con đường học và cuộc sống của con sau này. Một khi con hiểu được giá trị của việc tự lập và nỗ lực con sẽ có trách nhiệm hơn với những điều con đang làm, và đương nhiên khi đó con sẽ có thể làm tốt hơn. Bên cạnh việc dạy dỗ cho con thì bạn nên học cách làm người bạn thực sự của con. Cha mẹ hãy trở thành người bạn sẵn sàng lắng nghe những khó khăn của con và cùng con tìm ra cách khắc phục...

Đồng hành cùng con không có nghĩa là bạn bao bọc con mình một cách thái quá. Nhiều gia đình vì nuông chiều con, nghĩ rằng nên bảo vệ con mọi lúc, mọi nơi mà không xem xét tình hình, không biết đúng sai đã trách người khác và bênh vực con cái, điều đó làm cho con cái có những suy nghĩ lệch lạc, sống ích kỷ và luôn cho mình là đúng, không biết lắng nghe và chia sẻ với người khác...

Trong câu chuyện dạy con, các bậc làm cha, làm mẹ một mặt sẽ đồng hành cùng con nhưng mặt khác nên giúp con sống tự lập. Bạn theo sát con để dạy cho con biết đâu là đúng, đâu là sai, dạy con biết cách tự đứng dậy sau vấp ngã vì cha mẹ không thể ở bên cạnh con cái mãi được. 

Một đứa trẻ tự lập sẽ hiểu được những giá trị mà cha mẹ chúng mang lại cho chúng, đó không chỉ là vật chất mà nó còn là tình cảm, tinh thần. Cha mẹ dạy con tự lập từ những việc đơn giản nhất trong gia đình.

Bắt đầu từ việc cho trẻ ngủ riêng, người Việt Nam có thói quen cho con cái ngủ cùng cha mẹ ngay từ khi lọt lòng cho tới khi lớn vẫn ngủ cùng cha mẹ. Việc ngủ riêng không chỉ giúp trẻ không quá phụ thuộc vào bố mẹ mà còn tạo cho trẻ thói quen tự làm những việc phục vụ bản thân ví dụ như: gấp chăn, đặt gối đúng nơi quy định và biết tự kéo chăn khi đi ngủ. Bên cạnh đó, việc trẻ ngủ riêng sẽ giúp trẻ giảm bớt tính sợ hãi, từ đó giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống.

Khuyến khích trẻ với những việc làm vừa sức, đó cũng là cách để bạn dạy con biết cách chia sẻ công việc với người khác. Những việc làm vừa sức sẽ giúp trẻ dễ đạt được kết quả hơn và trẻ sẽ cảm thấy tự tin, hào hứng làm việc. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tự làm những công việc trong khả năng của trẻ. Đối với những việc làm hơi quá sức của trẻ cha mẹ nên kiên nhẫn, khuyến khích trẻ cố gắng hoàn thành. Khi trẻ đã làm xong cha mẹ nên có những lời động viên kịp thời. Cha mẹ có thể cùng trẻ lập thời gian biểu cho những công việc mà trẻ phải hoàn thành trong một tuần. Với mỗi việc làm của trẻ, cha mẹ đều phải giải thích cho trẻ hiểu đó là một phần trách nhiệm mà trẻ phải làm.

Trẻ nhận càng nhiều thì sẽ càng ít biết quý trọng. Trẻ con rất hay đòi hỏi và tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Nếu cha mẹ không xem xét kĩ mà vội vàng đáp ứng yêu cầu của con, trẻ sẽ cảm thấy những yêu cầu của mình dễ dàng đạt được và không biết quý trọng.

Do vậy, trong những trường hợp trẻ yêu cầu sự giúp đỡ của cha mẹ, cha mẹ nên xem xét điều đó có quá khả năng của trẻ hay không. Nếu trẻ có thể làm được cha mẹ nên khuyến khích để trẻ tự làm. Nếu cha mẹ giúp trẻ thì nên giải thích cho trẻ hiểu cách làm để lần sau trẻ có thể tự làm được... Chỉ một vài những hành động nhỏ là các bậc làm cha, làm mẹ đã giúp con mình hình thành tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ.

Vẫn biết bao bọc, bảo vệ, đồng hành cùng con là đạo lý, nếp sống của người Việt Nam ta từ xưa tới nay. Tuy nhiên, đồng hành cùng con là dạy cho con đạo lý làm người, dạy cho con tự đứng lên sau vấp ngã chứ không phải bênh vực con cái một cách mù quáng. Giống như măng tre phải tự tách từng lớp vỏ để vươn mình trưởng thành thì những đứa trẻ muốn tự lập cũng nên tách dần khỏi vòng tay cha mẹ.

Đôi khi “tàn nhẫn” cũng chính là yêu thương, là cách để giúp trẻ trưởng thành, tự lập hơn. Chúng ta từng nghe ở đâu đó rằng: những đứa trẻ tự lập cũng là những đứa trẻ hạnh phúc và dễ thành công hơn trong cuộc sống./.

Đọc thêm