Chạm tới trái tim

(PLVN) - Họ là những người nông dân “chân đất” nhưng đã trở thành “anh hùng của đồng ruộng” khi lai tạo ra giống gạo chinh phục cả thế giới; là người chèo thuyền dầm mình trong lũ dữ để cứu đồng bào; là cô giáo người dân tộc sẵn sàng từ chối mức lương hậu hĩnh ở thành phố để về bản làng gắn bó với học sinh thân yêu…  Những việc làm của họ đều vượt lên tính toán thường ngày, làm xúc động triệu triệu trái tim.
Cô giáo Hà Ánh Phượng với khát vọng giúp trẻ dân tộc thiểu sổ biến ước mơ thành sự thật.
Cô giáo Hà Ánh Phượng với khát vọng giúp trẻ dân tộc thiểu sổ biến ước mơ thành sự thật.

“Xuất phát từ trái tim sẽ chạm tới trái tim”- điều giản dị và cao đẹp ấy đã truyền cảm hứng cho biết bao người, trở thành động lực, niềm tin để nối dài thêm những việc làm có ích cho đời, rạng danh cho Tổ quốc. Và những điển hình tiên tiến tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội đã minh chứng rất cụ thể cho giá trị thiêng liêng và bất biến đó. 

“Anh hùng” trong lòng dân

“Ở trong rừng hàng tuần không được tắm, không được đánh răng; ngày thì vắt và côn trùng cắn, đêm xuống thì thêm muỗi đốt, thậm chí có đồng chí còn bị chuột cắn chảy máu chân… Tuy nhiên những điều đó không phải là thách thức lớn nhất” - Đại tá Mai Hoàng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND), Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã tâm sự rất thật về công việc của mình như vậy.

Hơn ba năm chiến đấu tại địa bàn biên giới giữa hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ (tỉnh Sơn La), anh Hoàng cùng đồng đội đã trải qua bao gian nguy, hàng chục trận truy kích, đấu tranh vũ trang với các đối tượng buôn lậu ma túy từ bên kia biên giới. Nhiều khi tưởng chừng tính mạng của mình cũng không giữ được. Nhưng rồi những vất vả các anh cũng dần thích nghi; khó nhất lại là cuộc “đấu tranh tư tưởng” khi thời điểm Tết đã cận kề. 

“Có những năm đã là ngày 28 - 29 Tết, khi mọi người, mọi gia đình đang tất bật, hoan hỉ về thăm gia đình, quê hương thì anh em chúng tôi vẫn ôm súng chiến đấu trong rừng. Giữ vững tinh thần đấu tranh với tội phạm đến cùng, chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng, quyết tâm không để cho tội phạm ngang nhiên xâm phạm lãnh thổ của Tổ quốc và buôn bán trái phép chất ma túy” - Đại tá Hoàng trải lòng. 

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vừa diễn ra, giữa những tiếng vỗ tay không ngớt, Đại tá Hoàng vô cùng bất ngờ khi nhận được món quà ý nghĩa từ Ban Tổ chức, đó là gói muối trắng và ớt xanh. Món quà gợi nhớ về những ngày vất vả, thiếu thốn mà các anh phải chiến đấu trong rừng sâu với bữa ăn chỉ cơm nắm kèm muối trắng và ớt xanh. “Muối và ớt xanh ăn rất mặn và cay, nhưng nó thể hiện tinh thần cách mạng kiên cường, là bản lĩnh, ý chí và cả lòng dũng cảm; nhắc nhở chúng tôi luôn giữ vững danh dự của mỗi cá nhân và mỗi tập thể. Bởi danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất… Chúng tôi thực sự thấy xứng đáng và ý nghĩa khi được là anh hùng trong lòng nhân dân” - Anh hùng LLVTND Mai Hoàng xúc động.

Cũng với tinh thần công hiến hết mình, cô giáo trẻ 9X người dân tộc Mường - Hà Ánh Phượng (Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ) đã từ chối mức lương cả nghìn đô la ở thành phố để trở về quê hương, gắn bó với các học sinh miền núi. Để rồi, trong những năm tháng đó, khó khăn không thể cản bước Phượng. Cô không ngừng sáng tạo, tìm tòi các phương pháp mới về môn tiếng Anh để truyền lại cho học sinh. Không chỉ vậy, cô còn tham gia dạy trực tuyến tiếng Anh miễn phí cho học sinh khó khăn từ bốn châu lục (Châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi). Cứ thế, những lớp tiếng Anh không biên giới của Phượng được mở rộng, giúp các học sinh miền núi của quê hương mình được giao lưu với bạn bè trên khắp thế giới.

“Ngày tôi trở về quê, người bạn thân nói với tôi rằng: cậu sẽ bị tụt hậu đấy!. Từ “tụt hậu” cứ ám ảnh tôi, ngày nào tôi cũng suy nghĩ về nó và đó chính là động lực cho tôi phấn đấu và cố gắng mỗi ngày” - Phượng tâm sự. “Xuất thân của tôi cũng là một cô bé người dân tộc thiểu số nên tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của các em học sinh nơi đây. Vì thế tôi thực sự muốn trở về quê hương, đem những tri thức mới truyền thụ cho các em, giúp các em biến giấc mơ của mình thành sự thật”.

“Giúp được người dân đến đâu thì gắng sức đến đó”

Ông Vũ Văn Bình (thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã nhắc đi nhắc lại câu nói này nhiều lần khi kể về những ngày ông dầm mình trong nước lũ để cứu bà con trong thôn xóm. “Họ kêu cứu rất thảm thiết. Cảnh sống, chết đập ngay trước mắt nên mình không thể chần chừ được”, ông nói. 

Cũng vì mải miết đi cứu người mà bao nhiêu tài sản trong nhà ông đã bị nước lũ cuốn trôi và làm hư hỏng. “Thời gian đâu để cứu tài sản của mình nữa. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng tính mạng con người quý giá và quan trọng hơn tài sản của mình” - ông Bình chia sẻ. 

Theo lời kể của ông, cả đời ông chưa bao giờ thấy cơn lũ nào lên nhanh và có sức tàn phá như vậy. Chỉ trong phút chốc, cả thôn Đồng Tư bị nước nhấn chìm. Suốt trong 3 ngày đêm, từ 18 - 20/11/2020, ông đã băng mình trong nước lũ cứu được gần 100 người dân đến nơi an toàn. Nhiều người níu tay ông lại bằng được để trả ông chút tiền bồi dưỡng nhưng ông dứt khoát chối từ, vì lý do đơn giản: “Tôi thấy tội họ lắm, chỉ muốn giúp họ thôi”.

Những ký ức về cơn đại hồng thủy rồi cũng chìm theo năm tháng, nhưng trong trái tim của mỗi người dân xã Hiền Ninh, tình cảm, sự quý trọng dành cho ông sẽ còn mãi. Họ sẽ không thể nào quên hình ảnh một ông lão không nề hà tuổi tác, vượt qua nỗi sợ hãi giữa lằn ranh sự sống và cái chết để lao vào dòng nước hung dữ cứu hàng trăm người trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Đến với Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, bộ comple ông mặc cũng là đi mượn, bởi tất cả quần áo của ông đã bị lũ nhấn chìm. Biết được điều này, nhiều người không khỏi xúc động. Và cả hội trường càng lặng đi khi nghe chia sẻ của chị Nguyễn Thị Luyến - một trong những người được ông cứu nạn: “Nước lên nhanh lắm. Mẹ con tôi phải phá cửa sổ để bơi ra ngoài và bám vào hàng rào. Đợi chờ trong vô vọng khi nước mỗi lúc một dâng cao, con tôi mếu máo: “Mẹ ơi, không còn ai cứu mẹ con mình nữa rồi!”. Mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau khóc trong tuyệt vọng. Nhưng may thay, trong thời khắc ấy bác Bình đã đưa xuồng đến. Trên người bác không có áo phao cứu sinh nhưng bác vẫn cứ lao vào dòng lũ dữ...”.

 Nhiều người đưa tay lau vội giọt nước mắt xúc động và khâm phục trước sự dũng cảm và nghĩa cử cao đẹp của người đàn ông tuổi đã xế chiều. Nhưng tâm sự về việc làm của mình, ông Bình chỉ nói: “Trong tình thế cấp bách, chính quyền còn nhiều việc phải gánh vác, lực lượng cứu hộ làm cũng không xuể. Nếu giúp được chính quyền, giúp được người dân đến đâu thì mình gắng sức đến đó”. 

Lòng yêu nước mộc mạc

Sẽ không đầy đủ nếu trong số các gương điển hình tiên tiến trong 5 năm qua lại không nhắc đến những người “nông dân chân đất” nhưng lại được mọi người trân quý gọi bằng “anh hùng của đồng ruộng”. Đó là ông Nguyễn Văn Rô (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), người đã sáng chế ra các loại máy cày phao nổi, có thể cày xới mọi loại đất, giúp người nông dân chạm tới ước mơ của mình; là kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) - tác giả của loại gạo ngon nhất thế giới, mang thương hiệu ST25 (Sóc Trăng).

Kỹ sư Hồ Quang Cua, người làm rạng danh hạt gạo Việt.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, người làm rạng danh hạt gạo Việt. 

“Năm 1998, tôi nghe tin Thái Lan đã lai tạo thành công cây lúa khô. Tại sao họ làm được, còn mình thì không? Với khát vọng của mình thì số đông trong xã hội ủng hộ, nhưng một số nhà khoa học lại cho rằng tôi chưa đủ cơ bản để làm công tác nghiên cứu… Mình phải cố gắng thôi. Những lời chê bai cũng là một chất xúc tác cho sự cố gắng, học hỏi của mình” - kỹ sư Cua bắt đầu cuộc hành trình lai tạo ra giống gạo mang đẳng cấp Việt Nam để chinh phục thế giới bằng một quyết tâm mạnh mẽ như vậy. 

Sinh ra trong một gia đình 3 đời làm nông, từ nhỏ, ông Cua đã chứng kiến cảnh người dân quê mình quanh năm vất vả mà mùa màng vẫn thất bát. Những câu hỏi “tại sao” luôn in dấu và ông đã đi tìm câu trả lời từ việc nghiên cứu cải thiện cây lúa. Để rồi đến năm 2019, gạo ST 25 do ông và các cộng sự nghiên cứu lai tạo đã được giải thưởng là gạo ngon nhất thế giới. “Tinh thần yêu nước rất mộc mạc trong mỗi người, là làm cho tốt, đóng góp cho xã hội, tạo niềm vui, công việc cho mọi người thì đó là thi đua, là yêu nước”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X đã khép lại để tiếp tục mở ra một phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới trên mọi miền đất nước. Ở đó sẽ có những cá nhân, những tập thể đang nỗ lực từng ngày để hiện thực hóa ước mơ lớn của đời mình là phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân. Chính bởi vậy, khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường luôn bắt đầu từ ước mơ và khát vọng của mỗi con người trong xã hội - đó là được cống hiến, được dấn thân để khẳng định giá trị của mình. 

Đọc thêm