Chần chừ gì mà không loại cán bộ không có lòng tự trọng khỏi bộ máy!

(PLO) - Tổng Bí thư khuyến cáo: “Ai trót nhúng chàm ít nhiều thì tự giác gột rửa” thì chính là khuyến khích cán bộ phải nên coi trọng sự liêm sỉ mà đạo làm cán bộ xưa nay coi như một phẩm chất tối thiểu cần phải có.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Liêm là chính đáng, trong sạch, ngay thẳng và sỉ là lòng tự trọng, là sự gìn giữ cốt cách. Kẻ sĩ chịu chết chứ không chịu quỳ, đó chính là biểu hiện cao nhất của sỉ. Luồn cúi, nịnh nọt, tham nhũng, gian lận, chạy chọt... để thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia thì đó chính là đã “trót nhúng chàm”, nếu kịp gột rửa thì vẫn còn kịp, bởi con đường khoan dung đã mở cho những người “biết chạy lại”. Thể hiện tinh thần này trên thực tế và trên một lĩnh vực cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cảnh báo: “Ai dùng bằng giả thì khẩn trương báo cáo tổ chức mà xin rút lui, từ chức”. Nói ra khi đã nắm chắc những trường hợp dùng bằng giả hẳn là muốn cán bộ của mình tự giác, thành thật và khuyến khích sự liêm sỉ.

Cũng cần phải khẳng định nạn sử dụng bằng giả có nguyên nhân từ chủ trương “tiêu chuẩn hóa” cán bộ mà thước đo là bằng cấp. Phái sinh của nó là không phải đức, tài là cơ sở để dùng người mà thay vào đó là bằng cấp. Vì thế, người ta tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa chức vụ của mình nên xảy ra tình trạng học giả - bằng thật, học thật - bằng giả, cái bằng chỉ là hình thức ngụy trang, còn kiến thức, năng lực thực sự (tài) thì không có. Đã phải “chạy” một tấm bằng bằng cách mua điểm, nhờ người học hộ, thi hộ,... thì còn gì là sỉ (đức) nữa. Hệ lụy của chuyện này là hình thành nên “một bộ phận không nhỏ” cán bộ thiếu tài, kém đức.

Hơn thế, việc tuyển chọn, thi tuyển hay bổ nhiệm thì tạo ra những lối tắt, những sự “ưu ái” bỏ qua tiêu chuẩn mà vẫn “đúng quy trình” tạo ra phong trào chạy biên chế, chạy ghế, chạy chức, chạy quyền. Những trường hợp cán bộ sai phạm gần đây bị phanh phui thấy rõ là họ chưa đủ tiêu chuẩn mà vẫn được bổ nhiệm bằng cách “cho nợ” văn bằng, đó là biểu hiện coi thường các tiêu chuẩn đã đặt ra. Sự liêm sỉ ở một số người không hề có. Ví dụ, bị kỷ luật vì các sai phạm rành rành mà vẫn cố thủ chức vụ, lại còn đi gặp cử tri nữa thì đúng là vô liêm sỉ. Cái văn hóa khinh bỉ đã có từ trong nhân dân từ lâu đối với những người không biết liêm sỉ, có điều không bộc lộ ra thôi. 

Giờ đây, con đường tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đã mở ra, quyết sách đã có, biện pháp đã sẵn sàng thì còn chần chừ gì nữa mà không loại những cán bộ không có lòng tự trọng ra khỏi bộ máy để cho sự liêm sỉ lên ngôi!