Chân dung bà chủ tiệm tóc khiến cả 'xóm giang hồ' Sài Gòn gật đầu chào

Khi thấy khẩu trang y tế khan hiếm, giá bị đẩy lên cao, bà Mì đi mua vải, học may rồi tự may khẩu trang mang tặng cho người nghèo.

Bà Lê Thị Thu Mì, 60 tuổi, hiện là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP HCM.

Khu phố 8 trước đây có tên gọi khác là xóm Mả Lạng - xóm giang hồ Sài Gòn. Khoảng hơn 10 năm nay, khu phố đã ‘thay da đổi thịt’. Nhiều người dân ở đây cho biết, khu phố được như hiện nay là có một phần công sức đóng góp của bà Thu Mì. Bà đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ các hộ gia đình, khuyên bảo họ tu chí làm ăn.

‘Ai nghèo là chị ấy giúp. Ai không có việc làm, chị ấy liên hệ để tạo công ăn việc làm cho họ. Những đứa trẻ hư, chị ấy khuyên, rèn rồi tạo điều kiện cho đi học. Bây giờ, đứa trẻ nào trong khu phố, thấy chị ấy từ xa là vòng tay, gật đầu chào’, bà Đặng Thị Kim Huệ - người cùng khu phố với bà Thu Mì nói.

Bà Kim Huệ cũng cho biết, những năm qua, bà liên tục được bà Thu Mì giúp, ngoài vật chất còn có cả động viên về tinh thần.

Bà Mì đi phát những chiếc khẩu trang cho mọi người trong khu phố 8.

Từ đầu tháng 2, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp. Bà Mì cho biết, khu phố bà ở chủ yếu là người lao động nghèo. Công việc họ đang làm phải tiếp xúc với nhiều người, nhưng lại chưa ý thức được việc đeo khẩu trang để phòng bệnh.

Lúc đó, bà Thu Mì mua được 26 hộp khẩu trang y tế. Sợ mọi người trong khu phố đi làm phải tiếp xúc với nguồn bệnh thì nguy hiểm, bà mang đi phát cho mỗi người hai chiếc khẩu trang dùng tạm.

Phát hết, bà đặt mua tiếp để làm thiện nguyện nhưng không được, vì khẩu trang y tế đã khan hiếm, giá bị đội lên cao. Đọc được lời khuyên của các bác sĩ, dùng khẩu trang vải cũng có thể ngăn ngừa được virus corona, bà Thu Mì nghĩ, sao không làm khẩu trang vải phát cho mọi người. Nói là làm, bà bắt tay vào cắt may những chiếc khẩu trang tặng mọi người trong khu phố, người nghèo.

Căn nhà hai tầng, diện tích sàn rộng 16 m2 của vợ chồng bà ở trong con hẻm tối om, rộng không đến hai làn xe máy. Căn nhà này, trước kia ngoài là chỗ ở, bà Thu Mì còn dùng làm tiệm tóc.

Nhận thấy, công việc đang làm có nhiều người ra vào, từ đó, có thể sẽ làm virus corona dễ lây lan, bà Thu Mì quyết định tạm đóng cửa tiệm từ đầu tháng 2. Bà cùng chồng, con gái dọn đồ nghề, đóng thùng, mang lên tầng trên cất, dành không gian ở tầng dưới để làm việc thiện nguyện.

Bà Thu Mì cho biết, trước đây, Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM có trao một số máy may cho phường Nguyễn Cư Trinh để tặng cho những phụ nữ trong phường, giúp họ có công ăn việc làm.

Toàn bộ dàn máy may này được phát hết cho các phụ nữ khó khăn, không có việc làm ổn định. Trong số đó, có một chị nhận máy về nhưng làm không hiệu quả, vì đang bị bệnh. Chị gửi máy lại cho phường. ‘Được phường đồng ý, tôi mang dàn máy này về may khẩu trang’, bà Thu Mì nói.

Bà kiên trì nối những sợi dây làm quai đeo cho chiếc khẩu trang.

Từ bà chủ tiệm tóc chuyển sang làm thợ may, bà Thu Mì không quen việc. ‘Nhà bố mẹ tôi trước đây làm nghề may. Các chị em gái nhà tôi ai cũng quen tay. Tôi cũng biết chút ít. Khi chuyển sang nghề làm tóc, tôi dần quên việc. Một phần, dàn máy này là loại hiện đại nên tôi không biết dùng’, bà Thu Mì kể lúc mới bắt tay làm việc thiện nguyện.

Bà phải dành ra một tuần nhờ thợ may chuyên nghiệp đến chỉ việc. ‘Tôi học hai ngày thì làm được’. Tuy nhiên, những ngày mới cắt may khẩu trang, bà Thu Mì phải mò mẫm từng khâu.

‘Tôi cắt vải theo từng chiếc nên rất lâu. Quai đeo thì tôi may xong khẩu trang mới luồn dây vào. Lúc may, tôi kéo vải chậm nên chỉ cứ cuộn lại’, bà Thu Mì rầu rĩ, bực bội vì làm sản phẩm bị hỏng.

Chồng bà Thu Mì là thương binh, nghe không rõ. Thấy vợ cả ngày cặm cụi với mấy chiếc khẩu trang cũng ngồi vào phụ. ‘Đang ăn cơm, nhìn chiếc khẩu trang bị hư, bà ấy bỏ chén, ngồi sửa. Ngủ cũng giấc được giấc mất vì chiếc khẩu trang. May không được, bà ấy khó chịu, bực bội’, chồng bà Thu Mì kể.

Những chiếc khẩu trang đủ màu sắc bà Thu Mì may xong, gói trong bịch ni lông để mang tặng người nghèo.

Được khoảng gần hai tuần, bà Thu Mì cũng cắt may thành thục. Tối một ngày đầu tháng 4, ăn cơm xong, bà nhờ chồng dọn chén bát rồi ngồi ráp số khẩu trang đã cắt sẵn để ngày mai mang đi phát miễn phí.

Đưa từng chiếc khẩu trang vào máy may, giọng bà Thu Mì tự hào: ‘Bây giờ, tôi may say mê, may không biết mệt. Vải, tôi gấp lại rồi cắt một lần. May quai, tôi cho dây vào may luôn. Mỗi ngày vừa cắt, vừa ráp tôi hoàn thành được hơn 100 chiếc’.

Biết bà đang làm công việc thiện nguyện, một số người đến xin góp chỉ, vải nhưng bà không đồng ý. ‘Tôi muốn, mình có bao nhiêu làm bấy nhiều. Mỗi chiếc khẩu trang may xong là tấm chân tình, niềm tin dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng được dập tắt vào trong đó’, bà Thu Mì nói.

Nói về lý do làm thiện nguyện, bà Thu Mì cho hay: ‘Tôi chỉ muốn giúp những người khó khăn một chút thôi. Giúp được họ, tôi thấy thật thoải mái’.

May khẩu trang xong, bà Thu Mì ngoài phát cho mọi người trong khu phố còn mang đến chùa, đường phố phát cho mọi người.

Những người trong khu phố 8 cho biết, ngoài nhận được khẩu trang của bà Thu Mì, những ngày dịch vừa qua, họ còn nhận được gạo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, cả tiền mặt do bà Thu Mì đóng góp, hoặc thay mặt các mạnh thường quân khác đến trao.

Bà Mì đang cặm cụi ngồi ráp số khẩu trang thì có người qua xin một vài cái, bà vui vẻ lấy tặng cho họ. Ai nhận xong cũng gật đầu cảm ơn. Những đứa trẻ trong xóm đi ngang qua nhà, thấy bà Thu Mì thì khoanh tay lại chào. Ngước lên chào lại, hỏi các cháu vài ba câu, bà Thu Mì lại cặm cụi làm việc thiện. 'Từ hôm biết may, tối nào bà ấy cũng may đến 12 giờ khuya mới nghỉ. Còn ngày thì cứ rảnh là ngồi vào làm', chồng bà Thu Mì nói về vợ.

Mọi người trong khu phố 8 gặp bà Thu Mì đều gật đầu chào và biết ơn bà vì đã góp công giúp khu phố không còn các tệ nạn xã hội như hiện nay.
Những cuộn chỉđể may khẩu trang.
Nếu như trước đây, bà Thu Mì phải may từng chiếc khẩu trang thủ công thì giờ bà may theo dây chuyền nên rất nhanh.
Người phụ nữ sinh năm 1960 cho biết, ngoài làm thiện nguyện bà còn đi vận động mọi người hãy chung tay đẩy lùi virus corona.
Bà Thu Mì cho biết, bản thân bà cũng trải qua khó khăn mới có cuộc sống khá hơn một chút, giờ bà muốn giúp lại người nghèo, giúp họ đỡ lo một phần trong cuộc sống.

Đọc thêm