Chân dung “ông kinh tế” của bản làng vùng biên

Vụ đầu tiên, anh đưa giống ngô lai về trồng thí nghiệm trên nương rẫy của mình, không ngờ ngô lại tốt đến thế. Thu hoạch được 140 triệu đồng. Thấy vậy, anh mừng rỡ họp bàn cách triển khai vận động giúp đồng bào khắp bản làng trồng ngô. Ngoài chức danh là ông chủ tịch xã, anh còn là kỹ thuật viên, đi đến từng bản làng, từng hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô lai cho bà con. 

Những tưởng câu chuyện về 4 người trong một gia đình cùng vào đại học chỉ có ở những huyện vùng đồng bằng và thành phố. Thế nhưng, tận biên giới Việt – Lào dưới chân dãy Trường Sơn, gia đình Chủ tịch xã Nậm Cắn - Hờ Chống lại có đến 4 người đang là sinh viên đại học.

Chàng Bí thư đoàn trẻ tuổi
Ngôi nhà của anh Hờ Chống Nhìa (SN 1970, trú tại bản Tiền Tiêu, xã biên giới Nậm Cắn, Kỳ Sơn, Nghệ An) nằm cách Trung tâm cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắm chừng 3km theo đường QL7, cái nơi mà đến mãi 9h sáng trời còn mù sương, mây mù lưng chừng ngọn núi cao và quẩn quanh ở đó mãi cho đến trưa mới chịu bay đi. 
Hờ Chống Nhìa sinh ra và lớn lên tại bản Tiền Tiêu xã biên giới Nậm Cắn, chính mảnh đất rừng núi cách gần 1500 mét so với mực nước biển này đã nuôi anh trưởng thành.  
Hờ chống Nhìa (áo xanh) bên mô hình chăn nuôi trâu bò.
Nậm Cắn là xã biên giới nghèo, giáp nước bạn Lào, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, đây là nơi quần cư của bốn dân tộc anh em là Kinh, Thái, Mông và Khơ mú nhưng chủ yếu là đồng bào Mông. 
Kinh tế phụ thuộc vào nương rẫy và chăn nuôi, nhiều bữa cơm còn không đủ ăn nên việc học hành xem ra như là “hiếm” đối với người nơi nẻo cao này. 
Nhưng với Nhìa thì may mắn hơn bao người con của bản làng, gia đình đã gắng cho anh học hết cấp 3, tốt nghiệp lớp 12 (năm 1987), Nhìa được bầu làm Phó bí thư Chi đoàn xã Nậm Cắn. Kiến thức học được ở nhà trường phổ thông, cùng với chút năng khiếu về thể thao, âm nhạc lòng say mê nhiệt tình của chàng trai trẻ, Nhìa đã giúp Nậm Cắn khắp các bản làng đều có chi đoàn để sinh hoạt. 
“Ngày còn làm cán bộ đoàn xã, đi vào các bản làng để vận động các thanh niên sinh hoạt và học đối tượng đoàn để kết nạp đoàn viên hết ức khó khăn. Người hiểu thì ít, người không hiểu thì nhiều, đồi núi um tùm, đường sá khó đi… nhiều bữa muốn bỏ việc. Nhưng dần rồi bà con và mọi người hiểu cho nên mình đã vận động thành công…”, Nhìa nhớ lại. 
Ba năm sau, Nhìa được bầu làm Bí thư Chi đoàn xã Nậm Cắn, vai trò trách nhiệm là thủ lĩnh đoàn, với phương châm “miệng nói, tay làm”. 
9 năm làm thủ lĩnh đoàn xã, Nhìa có rất nhiều sáng kiến trong công tác đoàn như ngày đó bà con chưa biết tiếng Kinh nhiều, Nhìa phải dịch lời những bài hát về đoàn, cách mạng... từ tiếng Kinh sang tiếng Mông để cho bà con hiểu ý nghĩa của những bài hát đó, rồi tập hát cho mọi người trong những buổi sinh hoạt đoàn. 
Sau 12 năm làm công tác đoàn, Nhìa được địa phương chuyển sang làm Xã Đội trưởng một thời gian. 
“Ông kinh tế” của bản làng
Từ tháng 6/2004, Nhìa được Đảng và nhân dân tin yêu bầu lên làm Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, khi ở tuổi 34, đầy sức cống hiến. 
Thấy đông bào còn nghèo, trong một lần đọc báo và lên huyện họp, nghe mọi người ở Kỳ Sơn bàn tán xì xào chuyện trồng ngô lai có năng suất cao. Nhìa quyết tâm nghiên cứu và sang tận Xiêng Khoảng (nước bạn Lào) tìm hiểu. 
Sau đó, anh đưa giống ngô lai về trồng thí nghiệm trên nương rẫy của mình. Vụ đầu tiên của năm 2005, anh mạnh dạn trồng 12 ha, không ngờ ngô lại tốt đến thế.  
Hờ Chống Nhìa say sưa kể chuyện.
Thu hoạch được 140 triệu đồng. Thấy vậy, Nhìa mừng rỡ họp bàn cách triển khai vận động giúp đồng bào khắp bản làng trồng ngô. Ngoài chức danh là ông chủ tịch xã, Nhìa còn là kỹ thuật viên, đi đến từng bản làng, từng hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô lai cho bà con. 
Sau khi trồng thành công ngô, Nhìa lại nghĩ đến chuyện chăn nuôi trâu bò để tận dụng hết nguồn nguyên liệu của cây ngô, không ít gia đình ở Nậm Cắn có gần cả trăm con bò, điển hình như gia đình anh Lầu Xia Anh, Lầu Giống Ngọc,...mỗi năm thu nhập với số tiền hàng trăm triệu đồng. 
Ngoài ra, Nhìa còn là người đầu tiên nghiên cứu và đưa giống hoa ly về trồng trên đất Nậm Cắn. 
“Trong khi đi họp hành, đi tham quan các điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi của địa phương. Thấy người ta làm hay, tôi cũng học theo cách làm của họ. Với hơn 40 triệu đồng là số tiền thu được từ vụ đầu tiên trông hoa ly”, Nhìa tâm sự. 
Nhìa cho biết, sắp tới anh sẽ vận động và tư vấn cũng như hướng dẫn cho bà con trồng nhiều hoa ly vì hiếm có vùng đất nào có khí hậu hợp với giống hoa này như Kỳ Sơn. 
Gia đình hiếu học
Tuy vất vả với cơm ăn áo mắc, với những khó khăn trong cuộc sống nhưng vợ chồng Hờ Chống Nhìa và chị Lầu Y Xềnh đều cố gắng hết mình để nuôi ba người con ăn học hết cấp 3 và hiện nay cả ba đều là sinh viên của những trường đại học có tiếng. 
Ngoài việc làm lãnh đạo của một xã vùng biên, một người nhanh nhẹn và hiểu biết về cách làm kinh tế, gia đình anh Nhìa còn là một gia đình hiếu học, anh chị luôn là tấm gương sáng cho bà con người Mông cố gắng để nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ.
Cô gái đầu của anh, tức Hờ Y Chùa, hiện đang học năm thứ hai, trường ĐH Y khoa Thái Bình, tương lai là một bác sỹ đa khoa của bản Mông trên đất Nậm Cắn.
Cô con gái thứ hai Hờ Y Sùa, là sinh viên năm thứ nhất của Trường ĐH Lâm Nghiệp và cậu trai út học ĐH Biên phòng với mong muốn người con út sau này sẽ về vùng biên để bảo vệ bình yên cho quê hương đất nước. 
Điều đặc biệt ở đây là anh Nhìa vốn là một người ham học hỏi, luôn tìm tòi và đưa ra những hướng giải quyết tốt nhất cho bà con nên vừa qua không chịu thua kém những người con của mình, Nhìa đã và đang theo học lớp tại chức nghành Nông- Lâm của trường ĐH Vinh. 
Với mong muốn có nhiều kiến thức hơn, nhiều hiểu biết hơn để sau này tiếp tục cống hiến cho quê hương, cho những bà con người Mông vùng biên.  
“Nhà mình rứa là có cả thảy 4 sinh viên đấy chú à, con học, bố học để làm gương cho bản làng chứ. Muốn nói dân nghe, dân tin thì mình cũng phải có kiến thức chứ. Mỗi dịp tết hay dịp nghỉ hè thì 4 sinh viên được về nhà gặp nhau trong tiếng trầm trồ khen ngợi của dân bản vui lắm chú à…”, Hờ Chống Nhìa vui vẻ tâm sự. 
Ngô Toàn

Đọc thêm