Công trấn định một phần lớn đất Tây Nam Bộ, lại bày đặt, sắp xếp địa danh hành chính dạo ấy, một tay quan Nguyễn Cư Trinh bao trọn. Lại có tấm lòng thương dân rất mực, hiếm ai được như ông.
Thương dân rất mực
Làm quan, Nguyễn Cư Trinh xứng đáng với trách nhiệm của kẻ chăm dân. Năm Tân Mùi (1751), Liệt truyện cho biết, ông dâng thư trình lên chúa, trình bày những đau khổ của dân lành mà ông thấy:
“Dân là gốc nước, gốc không bền thì nước chẳng yên. Ngày bình thường không lấy ân kết dân, thì lúc có việc trông cậy nương tựa vào đâu? Tôi trộm lo: Dân gian chất chứa tệ hại đã nhiều nếu cứ để yên nếp thường, giữ lối cũ, không tùy nghi thêm bớt, thiết lập kỷ cương thì một đạo còn không thể làm được nữa là một nước”.
Từ đó, ông nêu rõ những việc hại đến sức dân, ví như là việc cấp lương cho lính, nuôi voi, nộp tiền án.
Ông lại khuyên chúa bốn điều tệ hại cần bỏ để an dân. Đó là việc phiền nhiễu của quan phủ huyện khi thu tiền thuế trong dân; là thực trạng quan phủ huyện bòn rút tiền của dân qua việc bắt, xét trong các án; là tình trạng lậu đinh để trốn sưu thuế; là việc bắt dân cung tiến những thức ngon vật lạ, tạo điều kiện cho bọn giả mạo quấy rối dân.
Nêu tệ nạn, ông cũng đề ra những biện pháp song hành. Tiếc là chúa Nguyễn dẫu nhận được sớ, nhưng không theo lời ông. Nguyễn Cư Trinh liền xin từ chức để tỏ rõ lòng mình, đủ thấy trách nhiệm của ông với dân, với nước khiến những đồng liêu thích áo gấm đi đêm phải thẹn lòng.
Khi trấn nhậm ở Gia Định, Nguyễn Cư Trinh thấy đất này nhiều sông lạch, thuyền ghe qua lại như mắc cửi nhưng hại nỗi là khi di chuyển lại hay húc vào nhau, dẫn đến hư hại phương tiện, và việc kiện tụng nảy sinh rất phiền hà.
Ông liền nghĩ ra một cách rất đắc lợi, như trong Đại Việt sử ký tục biên có thuật lại: “Cư Trinh bèn hạ lệnh rằng: những thuyền đi lại không cứ gió nước thuận nghịch, hễ đi đến gần sát nhau đều phải hô “bát”. Mọi thuyền đều đi bên tay phải cho thuận lái chèo, ai đi tay trái, không tránh, để thuyền mình húc phải thuyền người khác hư hỏng thì phải tội. Nếu hai bên còn cãi nhau chưa bên nào chịu phục, thì thuyền nào chở nhẹ, đi thuận dòng là trái”.
Nhờ sáng kiến của ông, đã làm lợi cho dân sông nước lắm “từ đấy người Gia Định đi thuyền muốn cho người ta tránh mình thì chỉ hô “bát”. Còn thuyền nào về đậu bến, hoặc gấp gió, mắc cạn, có sự cố gì mới hô là “cạy”.
Lại cũng ở đất Gia Định, bọn cướp sông hoành hành, để không bị nhận diện, chúng cải trang, dùng thuyền đi cướp rất khó truy cứu. Nghĩ bọn cướp làm dân không yên, Nguyễn Cư Trinh liền hạ lệnh cho quan sở tại “những thuyền lớn nhỏ trong hạt đều xét quê quán, họ tên, tra rõ, khắc chữ vào mảnh ván đóng ở đầu thuyền và trong buồng lái, lại ghi vào sổ lưu chiểu.
Ai không theo lệnh này đều bắt tội. Bởi thế, người bị cướp có thể nhớ tên thuyền ăn cướp mà tố cáo. Dựa vào đó quan ti truy bắt được tang vật bị cướp cũng nhiều. Cướp sông vì thế bị dập tắt”.
|
Sãi Vãi đã được dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Cư Trinh |
Góp công mở đất Tây Nam Bộ
Trong Đại Việt sử ký tục biên, ghi về công lao với vùng đất Nam Bộ của Nguyễn Cư Trinh, đã dành những lời trân trọng, rằng: “Ở Gia Định 11 năm, mở rộng đất đai, dẹp yên biên cảnh, trù liệu kỹ càng, danh vọng rõ rệt đã lâu, có nhiều huân lao”. Ấy, nói về công lao mở đất của ông, mấy lời ấy khái quát lắm, muốn rõ ràng, cứ phải xem sử ghi 11 năm ở nơi đất đó, ông làm được gì.
Năm Bính Tý (1756) khi Nguyễn Cư Trinh đang ở Nam Bộ, Gia Định thành thông chí có ghi: “Vua nước Cao Miên là Nặc Ông Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Đôn và Xoi Rạp để chuộc tội, và bù vào cống lễ trong 3 năm trước chưa nạp”… “Nghi Biểu hầu (tức Nguyễn Cư Trinh – Người dẫn chú) lấy đất hai phủ bổ vào châu Định Viễn cho hoàn toàn biên giới. Vua hạ chiếu y cho”.
Hai vùng đất ấy, chính là Tân An và Gò Công ngày nay. Cũng sách này, Trịnh Hoài Đức cho hay, chúa Chân Lạp sau đó dâng thêm đất Tầm Phong Long (vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu).
Sài Gòn năm xưa cho biết, ông cũng là người giỏi phương pháp “dĩ địch chế địch”, nên đã đặt người Côn Man thủ đất Tây Ninh và Hồng Ngự. Và việc sắp xếp địa giới hành chính vùng đất mới Tây Nam Bộ, công của Trinh không hề nhỏ.
Cũng sách này viết: “Chính ông Cư Trinh xin dời dinh Long Hồ lên xứ Tầm Bào, cũng thuộc tỉnh lỵ Vĩnh Long. Về mặt thủy đạo, ông sai lập đồn hai bên sông Cửu Long gần biên giới:
- Tân Châu đạo (Cù lao Giêng) ở Tiền Giang;
- Châu Đốc đạo ở Hậu Giang;
- Thêm lập Đông Khẩu đạo ở xứ Sa Đéc để làm hậu thuẫn. Các đạo ấy dùng binh ở Long Hồ dinh để trấn áp. Giữ mặt vịnh Xiêm La, phòng Xiêm làm hỗn, Cư Trinh và Thiên Tứ đặt ra Kiên Giang đạo ở Rạch Giá và Long Xuyên đạo ở vùng Cà Mau”.
Cụ Vương Hồng Sển, khi bình về công nghiệp của tiền nhân, đã cho rằng: “Kể lại trong Nam, đời ấy công nghiệp lớn nhứt có hai ông: Nguyễn Cư Trinh và Mạc Thiên Tứ. Ông trước cầm binh ra trận, thi phú tài tình; ông sau giỏi ngón ngoại giao và văn chương tao nhã. Cả hai mở rộng bờ cõi miền Nam cho chúng ta được hưởng ngày nay”.
|
Cửa hữu thành Long Hồ |
Tài văn chương
Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh trong Đất và người Nam Bộ cho biết, tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh được ông sáng tác năm Canh Ngọ (1750) và rất phổ biến trong Nam: “Truyện đã nêu bảy mối tình và nhấn mạnh lòng thương ghét, sự phân biệt hẳn chính tà”.
Mục đích việc viết Sãi Vãi của ông, được Văn học Nam Hà (văn học Đường Trong thời phân tranh) cho hay là “đặt ra để diễn trong quân thứ, trước tạo dịp quân sĩ mua vui, sau để giải thích cho họ hiểu tường tận lý do phải bình định”.
Vốn có tài văn chương từ thuở tuổi trẻ, nên theo thời gian, nguồn thơ trong Nguyễn Cư Trinh cũng đầy ăm ắp. Như trong Đại Việt sử ký tục biên có ghi “Cư Trinh lại thường cùng Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên làm thơ văn tặng đáp nhau. Mười bài thơ vịnh Hà Tiên đều có họa vần đáp lại”.
Ngoài 10 bài họa vần lại Hà Tiên thập cảnh của nhóm Hà Tiên Chiêu Anh Các, Nguyễn Cư Trinh còn có nhiều bài thơ hay khác như Vịnh canh (Cày ruộng), Vịnh mục (Chăn trâu), Tiều (Hái củi), Ngư (Đi câu), Dạ ẩm (Uống rượu đêm), Mộ vũ lưu khách (Mưu buổi chiều lưu khách)… Thơ ông đầy ý vị, thi hứng, tỉ như lời tả trăng trong bài Đông Hồ ấn nguyệt (Đông Hồ trăng rọi):
Dạ lai thùy trác lưỡng viên quang,
Nhất cống thiên nga nhất thủy hương.
(Ai đem ánh sáng chuốt đôi vòng? Một hiến lên trời một dưới sông)
Hay trong bài Mục (Chăn trâu) có câu:
Kim kinh quải dác khấu tiền khê,
Thạch bạch tùng thanh dã chiếu tây.
Ty khiếu lâm hồ an mộc điểu,
Trúc xuy dầu lũng đấu sa kê.
(Sừng trâu treo sách học bên khe. Đá trắng thông xanh bóng xế tây. Tơ buộc quanh hồ chơi mộc điểu. Sáo vang đồng ruộng chọi sa kê).
Sự nghiệp văn học của ông, được Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh nhận định là “Riêng về mặt văn học, Nguyễn Cư Trinh đã có ảnh hưởng khá sâu ở Sài Gòn và Nam Bộ từ giữa thế kỷ XVIII đến sau này”.
Còn Văn học Nam Hà (văn học Đường Trong thời phân tranh) thì rằng “Cho đến ngày nay, Nguyễn Cư Trinh vẫn còn giữ địa vị một hình bóng lớn trong văn học”…