Chây ì hoàn thổ
Năm 2015, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho Công ty 368 khai thác cát tại vùng Bãi Trằm ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc để làm vật liệu san lấp, chủ yếu phục vụ dự án nâng cấp, mở rộng QL1A qua địa bàn tỉnh. Quy mô khai thác trên diện tích 3ha, độ sâu 3m so với hiện trạng, trữ lượng 65 ngàn m3.
Đến tháng 12/2018, giấy phép mỏ tại Bãi Trằm hết hiệu lực, hoạt động khai thác cát chấm dứt, DN buộc phải hoàn thổ, san lấp các hố sâu nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn hơn 8 tháng nhưng DN này vẫn không chịu hoàn thổ mặt bằng.
Nhiều người dân sống cạnh mỏ cát Bãi Trằm cho biết, từ khi mỏ cát được hình thành, cuộc sống trong khu vực bị đảo lộn. Nhiều xe tải liên tục ra vào, cày nát cả tuyến đường dân sinh đi vào khu sinh thái Suối Voi khiến bụi bay mù mịt, giao thông đi lại khó khăn. Việc khai thác cát còn khiến nhiều diện tích ruộng vườn và nhiều diện tích keo tràm của dân sạt lở nặng...
Bà Lê Thị Mai (56 tuổi, ngụ thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến) nói: “Kể từ khi DN khai thác cát “rút quân” đến nay đã mấy tháng liền nhưng các hố sâu vẫn chưa được san lấp lại. Các hố nước sâu chỉ cách nhà dân hơn 10m, mấy trận mưa vừa rồi chúng tôi rất lo sợ sạt lở từ khu vực khai thác cát đổ xuống. Phía trên khu vực DN khai thác cát là đồi núi, nếu mưa lớn thì nguy cơ tai họa khôn lường”.
Ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho hay, người dân đã liên tục phản ánh và chính quyền địa phương cũng đã đề xuất cấp trên nhanh chóng xử lý buộc DN sớm hoàn thổ, lấp các hồ nước. Ông Cẩm xác nhận nguy cơ lở núi, sạt đồi cạnh khu vực khai thác cát của Cty 368 là rất cao trong mùa mưa lũ này.
Theo Phòng TN&MT huyện Phú Lộc, việc khai thác cát của doanh nghiệp từng vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác từ 1m đến dưới 2m và đã từng bị đình chỉ. Trước đó, Phòng đã đưa ra mức phạt tiền từ 30- 50 triệu do Công ty 368 vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Sau đó Phòng nhiều lần gửi văn bản xử phạt, giấy mời họp đến văn phòng công ty nhưng không có sự hồi âm nào.
Tỉnh có giải pháp nào?
Theo văn bản yêu cầu hoàn thổ mặt bằng mà Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi đến Công ty 368, yêu cầu đơn vị khai thác thực hiện các nhiệm vụ như trong giấy phép, bên cạnh hoàn thổ phải có phương án cải tạo bờ, thửa; đất dùng để san lấp là loại đất thải (nằm ở lớp dưới), chứ không được dùng đá hoặc đất lẫn đá, lớp trên có thể trồng trọt được, nhằm trồng cây phục hồi môi trường... Tuy nhiên đến nay Công ty 368 vẫn chưa hoàn thổ, san lấp một m2 đất nào.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Trưởng phòng TN&MT của Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh khẳng định, Công ty 368 đã vi phạm khi không hoàn thổ trong thời gian quy định. Ban sẽ báo cáo UBND tỉnh và tham mưu phương án xử lý. Lý do phải báo cáo vì mỏ cát này do UBND tỉnh cấp phép.
“Trường hợp DN tiếp tục chây ì, Ban sẽ quyết định sử dụng quỹ để hoàn thổ. Nếu các phương án trên không đạt kết quả, còn một phương án nữa là sẽ dùng tiền ký quỹ môi trường của DN để hoàn thổ. Theo quy định, nếu DN hoàn thổ đúng quy định sẽ nhận lại số tiền ký quỹ đó, còn không Nhà nước sẽ sử dụng hoàn thổ”, ông Dũng cho biết thêm.
Thế nhưng theo một cán bộ Phòng TN&MT huyện Phú Lộc, DN này chỉ mới kí quỹ bảo vệ môi trường với mức hơn 200 triệu đồng trong tổng 850 triệu. Qua ước tính thì số tiền trên chỉ mới đủ hoàn thổ khoảng 1/5 diện tích, đó là chưa nói đến kinh phí tu sửa đường sá hư hỏng do vận chuyển cát gây nên.