Bị coi là “gàn dở” khi khởi nghiệp bằng rau dại
Giữa cái nắng chói chang trên cánh đồng Doi, phường Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), vườn rau nhót của anh Trần Văn Quân (SN 1984, ngụ phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai) vẫn xanh ngát. Những luống rau xanh non đang được anh cùng các lao động cắt phần ngọn để nhập theo đơn đặt hàng của khách.
“Bình thường chúng tôi hay cắt rau lúc sáng sớm để rau tươi và có năng suất hơn. Tuy nhiên, hôm nay do khách đặt thêm hơn 1,5 tạ nữa nên phải ra cắt thêm giữa trời nắng”, anh Quân vừa nói, vừa liền tay làm việc.
Rau nhót có hình dạng khá giống với cây hoa mười giờ, thường mọc ở các đầm tôm, ven cánh đồng muối ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, người dân địa phương thường hái về làm món nộm để ăn với cơm. Rau nhót có pha chút vị mặn, chua, ngọt nên rất dễ ăn và ngon miệng.
Mặc dù là loại thức ăn ngon, nhưng người dân vùng biển nơi đây chỉ xem rau nhót là cây rau dại. Thậm chí, với nhiều người, trước đây nộm rau nhót từng là món ăn cứu đói cho họ. Khoảng chục năm gần đây, món ăn dân dã này trở thành đặc sản trong các nhà hàng, giá bán 70-90 nghìn đồng/đĩa. Nộm rau nhót được nâng tầm hơn khi trộn cùng với khô gà, khô bò.
Từ rau dại, rau nhót trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. |
Làm nghề lái xe nên nhiều lần anh Quân vào các quán cơm có món rau nhót. Chàng trai ấy liền tự đặt câu hỏi: Sao mình không trồng nó để bán?. Thế rồi, anh bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Tuy nhiên, kế hoạch khởi nghiệp bằng loài rau dại này của anh không được bố mẹ, đặc biệt là vợ ủng hộ.
“Thời điểm đó tôi không có vốn, không có một tí kiến thức nào trồng rau nhót, loài rau này cũng chưa từng được nghiên cứu để trồng một cách cụ thể. Động lực duy nhất để tôi khởi nghiệp lúc đó là... máu liều”, anh Quân nhớ lại. Và cái máu liều của anh đã bị nhiều người chê là khùng, gàn dở. Nhưng bỏ qua những lời bàn ra nói vào, anh vẫn quyết tâm theo đuổi dự định của mình.
Năm 2018, anh Quân vay mượn được hơn nửa tỉ đồng để thuê đất, cải tạo đất, đầu tư hạ tầng, hệ thống tưới tự động. Anh thuê người dân địa phương đi tìm, nhổ giống rau nhót về trồng. Cây rau mọc hoang, tưởng chừng như rất dễ trồng, nhưng thực ra lại không như anh nghĩ. Vụ đầu tiên rau chết sạch vì đánh luống thấp, mưa ngập. Vụ thứ hai do chưa điều chỉnh được lượng phân bón, kết quả cỏ phát triển lấn át rau. Rồi có vụ mất trắng vì nước tưới, hay cây không ra lá mà chỉ trổ hoa.
Để khắc phục những thất bại đó, anh Quân vay mượn tiền xây dựng hệ thống dẫn nước từ sông vào, điều chỉnh độ mặn của nước tưới trong từng giai đoạn phát triển của cây, ủ phân, xây hệ thống tưới và hệ thống thoát nước. Quy trình chăm sóc cây cũng được anh đúc rút dần qua nhiều lần thất bại.
Anh Trần Văn Quân chia sẻ về những ngày tháng đầu thuần dưỡng cây rau nhót. |
Khi rau bắt đầu cho thu hoạch thì dịch COVID-19 ập đến, hàng quán đóng cửa. Không có nơi tiêu thụ, nên có luống rau anh đành để mặc cho ra hoa, nhiều luống phải cắt bỏ, vứt đi để cây phát triển bình thường. Vườn rau chưa thu được một đồng, lại gánh thêm nợ từ phân bón, nhân công. “Đó là những ngày tháng khó khăn, tôi tưởng chừng như bỏ cuộc. Nhưng rồi tôi vẫn cố bám trụ chờ ngày được thu hoạch”, anh nói.
Hướng đi mới cho cánh đồng đất nhiễm mặn
Từ đầu tháng 4 năm nay, du lịch mở cửa nên nhu cầu tăng cao, đơn hàng đến liên tục khiến anh Quân không kịp cắt rau để bán. Theo ước tính của ông chủ trang trại “độc canh” cây rau nhót, với mức tiêu thụ và giá cả như hiện tại, một ha rau nhót có thể đạt mức thu 500 triệu đồng/vụ. Anh Quân cho hay, bình quân mỗi ngày anh cắt khoảng 2 tạ rau để bán cho khách. Có hôm khách đặt 5 tạ nên anh phải thuê thêm nhân công.
Giá rau nhót dao động từ 15-25 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi ngày anh Quân đút túi từ 3-5 triệu đồng, cao điểm lên tới gần chục triệu đồng. Từ loài cây mọc dại ngoài bãi biển, nay rau nhót “lên vườn” đưa lại thu nhập đáng mơ ước cho anh nông dân này.
Bật mí thêm về loại cây này, anh Quân chia sẻ, cây rau nhót xuống giống vào đầu mùa lạnh, sau 3 tháng có thể thu hoạch, vòng đời kéo dài đến 11 tháng. Trung bình mỗi tháng có thể cắt bán từ 2-3 lứa, việc thu hoạch được thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”, đảm bảo nguồn cung thường xuyên và ổn định cho thị trường.
Không những phát triển kinh tế gia đình, hiện trang trại rau của anh Quân đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. Vào giai đoạn cao điểm như làm đất, trồng lứa rau mới... phải cần đến gần 20 lao động. Để giảm bớt chi phí, anh và bố mẹ cũng trực tiếp tham gia vào các công đoạn sản xuất.
Mỗi ngày, anh Quân bán một lượng lớn rau cho các nhà hàng. |
Theo tính toán của anh Quân, mỗi cân rau nhót có thể chế biến được khoảng 4 đĩa nộm. Giá mỗi đĩa nộm rau nhót bán trong các nhà hàng tại Nghệ An từ 70-90 nghìn đồng. Tức là khi được chế biến, loại rau này có giá gấp hơn 14 lần so với giá ban đầu. Tuy nhiên, nhược điểm của loài rau này là khâu sơ chế mất thời gian và khá cầu kỳ, cần nhiều nhân công. Anh chia sẻ, nếu mình chế biến sẵn, đóng túi hút chân không kèm với gia vị thì giá trị kinh tế của cây rau nhót cũng cao hơn nhiều lần.
Ngoài việc cung cấp cho thị trường nội tỉnh, hiện một lượng hàng không nhỏ của ông chủ này được vận chuyển bằng đường máy bay vào tận các tỉnh phía Nam, ra các đảo để phục vụ khách du lịch. Với quy trình canh tác, chăm sóc và đặc tính của rau nhót, loại thực phẩm này có thể giữ được vị và độ tươi ngon trong vòng 7 ngày kể từ khi thu hoạch. Mặc dù vậy thì khi đưa rau vào miền Nam, chi phí cũng đội lên rất nhiều.
Chia sẻ về dự định tương lai, anh Quân cho hay đã khảo sát và thấy ở một tỉnh phía nam có nhiều điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng... tương tự ở đây, đảm bảo cho cây rau nhót sinh sống và phát triển tốt. Nếu chủ động được nguồn cung tại các tỉnh phía Nam thì giữ vững và mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí vận chuyển.
Trong khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì việc đưa cây rau nhót vào thâm canh trên đồng đất nhiễm mặn, sử dụng nước mặn và phụ phẩm nuôi trồng chế biến hải sản để bón, tưới được xem là giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở các địa phương khi hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ngày càng gia tăng... Được biết, mô hình khởi nghiệp bằng rau nhót của Trần Văn Quân lọt vào tốp đầu cuộc thi tìm kiếm tài năng ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh Nghệ An năm 2021.