Tăng trưởng xanh: Mục tiêu xuyên suốt của Thừa Thiên - Huế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong xu thế đó, Thừa Thiên - Huế là một trong những tỉnh, thành đã bắt nhịp và đang tìm cách kết nối, hội tụ nguồn lực để thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn Thừa Thiên- Huế đang áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào các hoạt động sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn Thừa Thiên- Huế đang áp dụng kỹ thuật công nghệ cao vào các hoạt động sản xuất.

Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sạch, thân thiện môi trường

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, cuối năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Do đó, tỉnh đã xác định phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là mục tiêu có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà là chiến lược lâu dài; trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp sang dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp.

Thừa Thiên- Huế cũng tập trung phát triển một số ngành công nghiệp đi đôi với kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, các ngành chế biến sâu, công nghệ thông tin và phần mềm. Hiện tỉnh đang hỗ trợ cho Nhà máy Kanglongda tại Khu công nghiệp Phong Ðiền xử lý nước tuần hoàn không thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển kinh tế biển và đầm phá trên cơ sở tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

Hàng năm, tỉnh tổ chức lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội để thực hiện như: tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom…

Thừa Thiên- Huế mong muốn các nhà đầu tư lớn, uy tín đến đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.Thừa Thiên- Huế mong muốn các nhà đầu tư lớn, uy tín đến đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thừa Thiên - Huế, trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm, điện - điện tử, công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, thực phẩm, dược, thiết bị y tế, hàng thủ công mỹ nghệ...

Tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc), theo quy hoạch đầu tư phát triển khu công nghiệp và khu dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghệ cao. Trong đó bố trí các nhà máy sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp kỹ thuật cao.

Ở khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy), giai đoạn 1, 2, 3 và 4 đầu tư các ngành kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ, cơ khí lắp ráp ô-tô, xe máy, nước giải khát; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành dệt may. Tại các khu công nghiệp khác như Tứ Hạ, Phong Ðiền, La Sơn, Phú Ða… ưu tiên thu hút đầu tư các ngành nghề và sản phẩm theo đúng chức năng chính của từng khu công nghiệp.

Thu hút nguồn lực, vốn đầu tư “xanh”

Hiện nay, Chính phủ đã đề ra Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam xác định sẽ thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Và Thừa Thiên- Huế là một trong những địa phương tiên phong trong chiến lược này.

Để thực hiện có hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, ngoài tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, tâm linh, tỉnh Thừa Thiên- Huế chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, tránh nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các địa phương trong khu vực. Thừa Thiên- Huế cũng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương của Trung ương để đề ra nhiều chính sách phù hợp thực tiễn nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thừa Thiên -Huế, những năm trở lại đây, Thừa Thiên- Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với nhiều dự án hàng tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi, môi trường hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài khác vào tỉnh Thừa Thiên- Huế, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp và một số nước mới phát triển ở Ðông Á.

Mới đây, UBND tỉnh tổ chức hội nghị mang tầm quốc tế với gần 70 công ty, doanh nghiệp của Hoa Kỳ, cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhằm trao đổi nhiều nội dung, đẩy mạnh liên kết đầu tư tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; tìm ra những giải pháp phù hợp để hút các nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào từng ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Tại hội nghị đó, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có sự lựa chọn đúng đắn trong đường hướng phát triển kinh tế xanh, bởi đây là xu thế toàn cầu. Tỉnh cũng đã giải quyết được tất cả các vướng mắc, mang lại các điều kiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ bày tỏ sự mong muốn được tiếp cận, tìm cơ hội đầu tư vào Thừa Thiên - Huế. Cũng dịp này, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ dành thời gian khảo sát thực tế và bày tỏ hứng thú với các dự án kêu gọi đầu tư thông qua tiềm năng của địa phương với các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và môi trường, điện và năng lượng theo định hướng tăng trưởng xanh mà tỉnh đang hướng đến.

Đọc thêm