Khởi sắc từ những dự án điện gió
Vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị đang trở thành “thủ phủ” điện gió của khu vực Bắc miền Trung. Nơi đây có điều kiện thuận lợi để làm điện gió khi tốc độ gió trung bình đạt từ 6-8m/s, địa hình đồi núi trải rộng và ít dân cư.
Năm 2021, số dự án điện gió được triển khai ở Quảng Trị tăng đột biến. Cụ thể tỉnh có thêm 17 dự án điện gió đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án điện gió phát điện thương mại lên 19 với tổng công suất trên 671MW. Các dự án điện gió triển khai thi công cũng đã đóng góp cho ngân sách gần 1.200 tỷ đồng gồm tiền thuế nhập khẩu thiết bị và thuế phí khác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo môi trường, chống sạt lở tại các dự án điện gió. |
Cụ thể, kế hoạch năm 2021, UBND tỉnh giao mục tiêu thu ngân sách 52 tỷ nhưng Hướng Hóa đã đạt được điều không tưởng với tổng thu 255 tỷ. Ngoài giá trị mang lại nguồn thu cho ngân sách, các dự án điện gió đã xây dựng 80km đường giao thông liên xã, đường giao thông dẫn tới dự án. Điều này mang lại những kết quả lớn lao không chỉ cho vùng miền núi khó khăn, mà còn ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Hướng Hóa có 29/31 dự án điện gió được đầu tư, trong đó có nhiều dự án với tổng vốn đầu tư cao; 19 dự án đã hoàn thành công tác thi công và hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021 theo đúng cam kết; 10 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ đầu tư, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công.
Thống kê sơ bộ cho thấy, người dân địa phương tại khu vực thực hiện các dự án điện gió đã được nhận khoảng 500 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để chuyển đổi nghề, tạo sinh kế. Nhiều dự án điện gió triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã tạo nên những thay đổi tích cực. Một số dự án tạo việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương trong suốt thời gian qua. Hiện có 3 dự án điện gió đầu tư xây dựng trên địa bàn xã vùng biên giới Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa làm cho “bộ mặt” xã đổi thay từng ngày.
Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng Hồ Văn Khưn cho biết, trước đây sinh kế của người dân trong xã chủ yếu dựa vào trồng rừng và một số nông, lâm sản. Đến nay, người dân làm thêm dịch vụ, buôn bán phục vụ nhu cầu của công nhân làm việc cho các nhà máy điện gió và du khách đến tham quan.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị được Chính phủ đồng ý quy hoạch là Trung tâm năng lượng của miền Trung nên tỉnh rất kỳ vọng quy hoạch này tạo động lực cho phát triển kinh tế. Thực tế, các dự án điện gió mới triển khai và đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã cho thấy hiệu quả rất rõ đối với phát triển kinh tế của địa phương.
Các nhà máy điện gió đi vào hoạt động còn tạo sự lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác. Các tour du lịch tham quan những cánh đồng điện gió luôn thu hút khách; những tuyến đường giao thông được mở ra vừa phục vụ nhà máy điện gió, vừa tạo ra sự kết nối giữa các xã vùng miền núi biên giới.
Phát triển bền vững, kết nối các nguồn năng lượng
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có thêm 12 dự án điện gió triển khai thi công. Trong đó, dự kiến có từ 3-5 dự án hoàn thành và phát điện thương mại. Tiềm năng thu hút đầu tư điện gió ở Quảng Trị vẫn còn rất lớn. Ngoài 31 dự án điện gió đã đi vào hoạt động và đang triển khai xây dựng, tỉnh còn 53 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch.
Vướng mắc nhất trong đầu tư làm điện gió ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị là vấn đề giải tỏa công suất phát điện hiện cũng đã được giải quyết. Theo đó, Dự án Trạm biến áp 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo đã hoàn thành, qua đó giúp các nhà máy điện gió giải tỏa công suất phát điện thương mại.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Quảng Trị, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đều chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết thêm, việc thu hút đầu tư các dự án điện gió là chủ trương đúng, vì mang lại lợi ích kinh tế lớn khi 1MW điện gió đóng góp vào nguồn thu địa phương từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Với các dự án đang vận hành thương mại, hứa hẹn mang về nguồn thu ngân sách địa phương khoảng 500 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, các dự án điện gió cũng ít tác động đến môi trường khi 1MW điện gió chỉ sử dụng 0,65ha đất, trong đó có 0,35ha đất vĩnh cửu, còn lại 0,3ha là tạm thời.
Thời gian qua, nhằm phục vụ việc triển khai các dự án điện gió, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 148ha rừng trồng. Bên cạnh đó, trong tổng số 1.800ha đất được tỉnh quy hoạch để dành cho đầu tư vào các dự án năng lượng thì có 439ha dành cho dự án điện gió. Đồng thời, trước khi triển khai thi công, mỗi dự án điện gió đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Song song với các công trình điện gió ở phía Tây, tỉnh Quảng Trị khởi động những dự án năng lượng có quy mô lớn ở trục phía Đông với các dự án điện khí và điện mặt trời. Tính đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có 3 dự án điện mặt trời với công suất 149,5 MWp đã hoàn thành phát điện thương mại.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng trồng cây xanh, chống sạt lở ở công trình điện gió. |
Đặc biệt, có 3 dự án điện khí với tổng công suất 6.340 MW đề xuất đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, trong đó dự án Nhà máy điện khí 340 MW của Gazprom đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch và chỉ định nhà đầu tư; Nhà máy Điện khí Hải Lăng 1 công suất 1.500 MW đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, công suất 4.500 MW. Đầu năm 2022, Tổ hợp nhà đầu tư gồm: Tổng công ty Năng lượng Hanwha (HEC), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (Kogas), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (Kospo) đến từ Hàn Quốc và Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T) đã khởi công hợp phần kỹ thuật của dự án.
Ông Võ Văn Hưng khẳng định, Quảng Trị hội tụ nhiều điều kiện tốt để trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung. Bằng việc kết nối hai vùng phát triển điện năng bao gồm điện gió ở phía Tây và nhiệt điện, điện khí, điện mặt trời ở phía Đông, tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá năng động, táo bạo, góp phần “thay áo mới” cho nền kinh tế của tỉnh giai đoạn tiếp theo với tính toán ngành năng lượng điện sẽ đóng góp từ 30%-40% ngân sách địa phương. Đây sẽ là nguồn thu rất có ý nghĩa cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai gần.