Ly kỳ truyền thuyết về bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Cải ở Côn Đảo

0:00 / 0:00
0:00
PLVN- Hàng trăm năm qua, người dân Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn lưu truyền truyền thuyết về bà Phi Yến và hoàng tử Cải, gắn liền 2 di tích miếu Bà An Hải và miếu Cậu. Họ cho rằng đó chính là nguồn gốc của câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”. Truyền thuyết dân gian này dù tương phản với thực tế lịch sử nhưng điều thú vị là nó vẫn sống mãi theo thời gian.

Tín ngưỡng về “Bà”, “Cậu”

Hàng trăm năm qua, người dân Côn Đảo vẫn lưu truyền truyền thuyết về bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Hội An, tức hoàng tử Cải. Theo đó, vào khoảng cuối năm 1783, trong lần chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ra Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay) để tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Vì thất bại liên tục trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn nên Nguyễn Ánh có ý định nhờ giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, mang theo hoàng tử Cải làm con tin.

Bà Phi Yến, vợ chúa Nguyễn Ánh không đồng ý việc này nên có lời can rằng: “Việc đánh nhau với anh em nhà Nguyễn Huệ, ta có thể coi đó như việc trong nhà, chúa công nên dùng nghĩa binh trong xứ là hơn. Nếu đem sức mạnh của ngoại bang về để giải quyết vấn đề nội bộ, dù có thắng được Tây Sơn, thì cái thắng ấy cũng chẳng vẻ vang gì, thiếp e có lắm điều bất tiện về sau”.

Miếu Bà Phi Yến còn được gọi là An Sơn miếu, miếu Bà An Hải.

Miếu Bà Phi Yến còn được gọi là An Sơn miếu, miếu Bà An Hải.

Vì lời khuyên can này mà bà Phi Yến bị Nguyễn Ánh nghi ngờ thông đồng với giặc, muốn xử bà tội chết. Nhờ quan binh cầu xin cho bà mới được tha tội nhưng vẫn bị tống giam trong một hang đá ở một ngọn núi trên hòn đảo gần đảo Côn Sơn. Hòn đảo ấy sau này nhân dân gọi là đảo Hòn Bà.

Hoàng tử Hội An thấy mẹ bị hàm oan thì kêu khóc van xin được ở cùng mẹ. Chúa Nguyễn chẳng những không suy xét lại mà còn coi hoàng tử như cái gai trong mắt, ra lệnh ném con xuống biển. Thi thể hoàng tử trôi dạt vào bãi Đầm Trầu, dân làng Cỏ Ống vớt lên an táng trọng thể và lập miếu thờ. Ngày nay ngôi miếu này thường được gọi là miếu Cậu.

Bà Phi Yến trong thời gian bị giam trong hang đá, được con vượn bạch nuôi sống bằng trái rừng. Sau đó Côn Đảo bị quân Tây Sơn vây đánh, Nguyễn Ánh phải bỏ chạy đến đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Bà Phi Yến được vượn bạch cùng hắc hổ đưa ra khỏi hang, trở về làng Cỏ Ống. Bà nhờ dân làng dựng một gian nhà bên cạnh mộ hoàng tử để được gần gũi con trai.

Sau đó tại làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn miếu ngày nay) tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng, dân làng rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, tại làng An Hải, bà đã bị tên Biện Thi (một tên đồ tể) lén vào cấm phòng của bà giở trò sàm sỡ. Biện Thi chỉ vừa nắm được tay bà thì bà đã kịp tri hô cho dân làng để bắt tên sở khanh này lại. Cũng đêm hôm ấy, bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn toàn danh tiết.

Bàn thờ bà Phi Yến bên trong miếu.Bàn thờ bà Phi Yến bên trong miếu.

Cùng với truyền thuyết kể trên, người Côn Đảo cho rằng câu ca dao: “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay” chính là muốn nói tới câu chuyện đau lòng của hai mẹ con bà Phi Yến. Chữ “cải” ở đây chỉ tên của hoàng tử Cải, còn răm là tên tục của bà Phi Yến, tức Lê Thị Răm. Có lẽ vì lưu truyền dân gian nên truyền thuyết về bà Phi Yến và hoàng tử Cải hiện có nhiều dị bản khác nhau.

Ngày nay ở Côn Đảo vẫn còn những địa danh gắn liền với truyền thuyết trên. Người ta gọi hòn đảo nơi bà Phi Yến bị giam cầm là Hòn Bà, còn có tên là đảo Côn Sơn nhỏ. Nơi dân làng thờ phụng bà là miếu Bà Phi Yến, còn gọi là An Sơn miếu, miếu Bà An Hải. Công trình này đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh từ năm 2007.

Hàng năm, vào ngày 18 tháng 10 (Âm lịch), người dân Côn Đảo tổ chức Lễ giỗ Bà tại An Sơn miếu. Trong ngày này, người ta tổ chức lễ rước bài vị của hoàng tử Cải ở miếu Cậu về An Sơn miếu. Lễ giỗ với các nghi thức trang trọng, cầu mong những điều tốt lành, cùng các hoạt động văn hóa văn nghệ, đặc biệt là tiết mục sân khấu hóa tái hiện lại cuộc đời gian truân, tiết hạnh của bà Phi Yến.

Ngày nay người dân tôn kính gọi bà Phi Yến là “Bà”, và hoàng tử Cải là “Cậu”, hai ngôi miếu thờ hai người trở thành chốn linh thiêng của người dân Côn Đảo. Trong đó, miếu Bà Phi Yến là nơi chiêm bái thường xuyên của cư dân trên đảo, lễ hội vía Bà cũng là một trong những ngày trọng đại nhất của đảo. Theo thời gian, hai ngôi miếu này trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách ghé thăm khi đặt chân đến Côn Đảo.

Ngôi mộ được cho là của hoàng tử Cải.

Ngôi mộ được cho là của hoàng tử Cải.

Có phải là sự thật lịch sử?

Xoay quanh truyền thuyết về Bà và Cậu ở Côn Đảo cùng những di tích liên quan, nhiều ý kiến cho rằng, đây thực chất là tín ngưỡng thờ Bà - Cậu vốn rất phổ biến trong tín ngưỡng sông nước ở Nam Bộ, do những cư dân đầu tiên đến Côn Đảo là người miền Trung mang vào. Và truyền thuyết nói trên là sản phẩm hư cấu, trái ngược với sự thật lịch sử liên quan chúa Nguyễn và thành viên hoàng tộc.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, truyền thuyết về bà Phi Yến ở Côn Đảo bắt nguồn từ một vở cải lương trong dân gian và được người dân thờ phụng. Bản thân câu chuyện này hoàn toàn không có thật và được các sử gia chứng minh, làm rõ từ rất lâu.

Nhiều nghi vấn đã được đặt ra như chúa Nguyễn Ánh có đến Côn Đảo hay không? Có ý kiến cho rằng, vào năm 1783, Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc. Bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng tàn quân đã chạy đến một đảo có tên là Koh Rong chứ không phải là đảo Côn Lôn như nhiều tài liệu lịch sử ghi chép. Do đó chuyện vua Gia Long ném hoàng tử Cải xuống thuyền và thi thể trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống ở Côn Đảo là hoàn toàn không có thật.

PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam - chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc cho biết đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến cả. Tương tự trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn thì cho rằng, sách “Đại Nam thực lục” chép rằng năm 1783, Nguyễn Ánh đã phải chạy từ đảo Phú Quốc ra đảo Côn Lôn, tức Côn Đảo ngày nay. Sau đó quân Tây Sơn đến bao vây đảo, song mưa to gió lớn khiến thuyền Tây Sơn chìm đắm giúp Nguyễn Ánh vượt vòng vây chạy thoát.

Tuy nhiên, về truyền thuyết liên quan đến bà Phi Yến và hoàng tử Cải, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cũng đồng tình với quan điểm đây chỉ là một truyền thuyết dân gian thuần túy. Thực tế lịch sử cho thấy, sau khi thoát vòng vây quân Tây Sơn tại hòn đảo này, chúa mới gặp giám mục Bá Đa Lộc và sau đó mới bàn định việc cầu viện nước Pháp. Tiếp nữa, chúa Nguyễn hoàn toàn không có người vợ nào tên Răm và hoàng tử nào tên Cải.

Nhà nghiên cứu cho rằng, hai câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay” đã bị gán ghép với truyền thuyết dân gian trên. Mặc dù nhiều ý kiến chỉ ra rằng, những câu chuyện về bà thứ phi Lê Thị Răm và hoàng tử Cải là sản phẩm trí tưởng tượng, tuy vậy người dân Côn Đảo bao đời nay vẫn nhắc nhớ, lưu truyền qua các thế hệ. Trong tâm thức của người dân Côn Đảo, “Bà” và “Cậu” là những gì rất thiêng liêng.

Miếu Cậu nằm ở gần bãi Đầm Trầu.

Miếu Cậu nằm ở gần bãi Đầm Trầu.

Cùng với những địa danh như nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, mộ chị Võ Thị Sáu, Vân Sơn Tự, miếu Bà An Hải cùng miếu Cậu trở thành điểm đến không thể bỏ qua với bất cứ ai khi đến Côn Đảo. Trong đó, miếu Cậu dù quy mô khá nhỏ, cảnh quan giản dị nằm dưới hàng cây xanh mát nhưng quanh năm được chăm chút, khói hương. Người ta tin rằng, hoàng tử Cải mất khi vừa tròn 5 tuổi, hồn nhiên trong sáng và hiếu thảo nên rất linh thiêng.

Tương tự, người dân quan niệm rằng bà Phi Yến lúc sống là người đức hạnh, trung tiết, sau khi mất đã nhiều lần hiển linh, phù hộ độ trì dân làng. Nhiều năm qua, miếu Bà An Hải còn trở thành địa điểm cầu duyên nổi tiếng của nhiều du khách. Hàng năm, đặc biệt là trong ngày lễ vía Bà, nhiều khách thập phương đến hành lễ mong cầu được Bà ban phước lành duyên trọn cho đôi lứa. Gia Nguyễn

Đọc thêm