Nguy cơ tiềm ẩn khi Thái Lan hợp pháp hóa trồng và tiêu thụ cần sa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, người dân Thái Lan được phép trồng cây cần sa tại nhà, sau khi chính quyền nước này chính thức rút cây cần sa khỏi danh sách các chất ma túy bị cấm.
Các sản phẩm làm từ cần sa bày bán tại một hội chợ ở Bangkok
Các sản phẩm làm từ cần sa bày bán tại một hội chợ ở Bangkok

Như vậy, cây cần sa sẽ không còn bị coi là một chất ma túy bất hợp pháp, theo thông báo của Bộ Y tế công cộng Thái Lan.

Hợp pháp hóa sử dụng cần sa

Điều này có nghĩa là việc sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối, tiêu thụ và sở hữu cần sa cho mục đích y tế và sức khỏe sẽ được chính thức hợp pháp hóa ở Thái Lan.Ngoài ra, sau khi hợp pháp hóa cần sa, thực khách có thể thưởng thức các món ăn và đồ uống có chứa cần sa trong các nhà hàng Thái Lan và các cơ sở y tế trên khắp xứ Chùa vàng cũng có thể sử dụng cần sa như một phương pháp điều trị một cách tự do hơn.

Thái Lan, quốc gia có truyền thống sử dụng cần sa để giảm đau và chống mệt mỏi, đã hợp pháp hóa cần sa làm thuốc trong lĩnh vực y tế vào năm 2018. Chính phủ Thái Lan coi cần sa như một loại cây mang lại doanh thu và có kế hoạch tặng một triệu cây để khuyến khích nông dân trồng trọt. Có thể nói, Thái Lan là quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa trồng và tiêu thụ cần sa nhằm mục đích thúc đẩy ngành nông nghiệp và du lịch của nước này, nhưng việc hút cần sa vẫn hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, một người ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa trong nhiều năm qua, đã thông báo trên Facebook rằng Ủy ban kiểm soát ma túy Thái Lan (ONCB) “cuối cùng” đã đồng ý loại trừ tất cả các bộ phận của cây cần sa khỏi danh sách các loại ma túy bị cấm của chính phủ.

Người dân Thái Lan được phép trồng cần sa tại nhà.

Người dân Thái Lan được phép trồng cần sa tại nhà.

Theo đó, thay đổi này sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ ngày chính phủ Thái Lan đưa ra thông báo chính thức. Gọi đây là một “tin tốt”, ông Charnvirakul lưu ý rằng cần phải thiết lập “các quy tắc và khuôn khổ” cho việc trồng và sử dụng cần sa để đảm bảo rằng loại cây này sẽ được sử dụng “vì lợi ích của con người trong y học, nghiên cứu, giáo dục”.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nhận định, việc hợp pháp hóa cần sa không nhằm mục đích giải trí. Ông Prayuth đã giao Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul chủ trì một hội đồng thảo luận về chính sách cần sa quốc gia để đảm bảo việc sử dụng phù hợp mục đích y tế của chính phủ.Bộ trưởng Y tế Thái Lan cũng cho biết các quy tắc này sẽ là một phần của Đạo luật Cần sa và Cây gai dầu, trong đó sẽ nêu rõ những yêu cầu trong việc trồng cần sa tại nhà sau khi thông báo đến với các chính quyền địa phương.

Theo đó,những người vi phạm pháp luật sẽ phải đối mặt với án tù và tiền phạt.Cục Trấn áp ma túy (NSB) Thái Lan cho biết cảnh sát sẽ không bắt giữ người hút cần sa tại nhà vì mục đích y tế hay sức khỏe. Tuy nhiên, nếu họ hút cần sa tại các khu vực công cộng và gây rối, họ có thể bị buộc tội.

Giới chức Thái Lan đặt có mục tiêu ngăn chặn sự bùng nổ của việc sử dụng các mặt hàng tẩm cần sa để giải trí bằng cách hạn chế lượng cần sa có trong các sản phẩm được cung cấp. Theo đó, các cửa hàng không được phép sở hữu và bán các chất chiết xuất từ cần sacó chứa hơn 0,2% thành phần tetrahydrocannabinol (THC - chất gây tác động thần kinh của cần sa). Đạo luật cần sa và cây gai dầu của Thái Lan cấm bán cần sa cho phụ nữ mang thai và người dưới 20 tuổi.

Những người trồng cần sa (hoặc trồng ganja, một tên gọi khác của loại cây lá gai này) phải đăng ký trên một ứng dụng của Chính phủ Thái Lan có tên PlookGanja. Quan chức Bộ Y tế Thái Lan Paisan Dankhum cho biết, gần 100.000 người đã đăng ký ứng dụng này.

Nông dân lao động trong một trang trại trồng cần sa.

Nông dân lao động trong một trang trại trồng cần sa.

Những nguy cơ tiềm ẩn

Tuy nhiên, người dân Thái Lan hiện thể hiện sự quan ngại về hệ lụy khôn lường. Các tổ chức xã hội dân sự liên quan chất gây nghiện cho rằng mặc dù việc hợp pháp hóa cần sa là nhằm mục đích y tế và kinh tế, song những quy định thông thoáng hiện nay có thể tạo điều kiện để nhiều người trộn cần sa vào thực phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm mà những người không nghi ngờ có thể tiêu thụ. Hoạt chất tetrahydrocannabinol trong cần sa, được trộn trong thực phẩm có thể khiến người sử dụng bị say.

Các tổ chức xã hội dân sự về giao thông lên tiếng quan ngại về tình hình an toàn giao thông sẽ nghiêm trọng hơn do khả năng lái xe của người đi đường sẽ bị ảnh hưởng sau khi sử dụng cần sa. Nhiều ý kiến cho rằng luật giao thông đường bộ phải nhanh chóng điều chỉnh theo hướng hình phạt đối với những lái xe sử dụng cần sa nặng hơn mức phạt dành cho những người lái xe trong tình trạng có cồn.

Theo Bangkok Post, việc hợp pháp hóa cây cần sa cũng làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể làm tăng tình trạng nghiện cần sa. Ông Kiattiphum Wongrajit (Thư ký thường trực của Bộ Y tế công cộng Thái Lan) cho biết, Bộ đã ý thức được sử dụng cần sa không đúng cách có thể dẫn đến sự gia tăng người nghiện. Ông Kiattiphum thừa nhận một số người có thể sử dụng quá mức hoặc trộn cần sa với các chất gây nghiện khác. Do đó, Bộ Y tế sẽ lập một hệ thống giám sát những người có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần do dùng cần sa sai cách.

Đặc biệt, việc hợp thức hóa sử dụng cần sa sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thanh thiếu niên khi nhóm tuổi này có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng cần sa.Tổ chức bác sĩ nhi khoa và giới nghiên cứu y học tại các trường đại học ở Thái Lan bày tỏ quan ngại trước việc thanh thiếu niên Thái Lan dễ dàng tiếp cận cần sa do thiếu các quy định phù hợp liên quan quản lý việc trồng và sử dụng cần sa.

Thanh thiếu niên có thể sử dụng cần sa gây nghiện để giải trí hoặc sẽ lạm dụng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống có hoạt chất từ cần sa. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đối với sự phát triển trí não của nhóm tuổi này.Cũng đồng quan điểm này, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ lo lắng về những hệ lụy nguy hiểm liên quan phát triển thể chất, trí não của thanh thiếu niên khi sử dụng cần sa.

Những lo ngại này dường như đã thành sự thật, vào ngày 14/6 vừa qua, các bệnh viện thành phố đã tiếp nhận một thanh niên 17 tuổi và một thanh niên 25 tuổi vào điều trị chứng tim đập nhanh sau khi sử dụng cần sa. Cũng theo cơ quan này, một thanh niên 16 tuổi khác đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt do sử dụng cần sa quá liều.

Trước sự việc này, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Trinuch Thienthong bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng của cần sa tới sức khỏe học sinh, khẳng định Bộ Giáo dục Thái Lan dự kiến sẽ ban hành quy định cấm sử dụng cần sa tại tất cả các trường học trên toàn quốc.

Mới đây nhất, Thống đốc Bangkok - Chadchart Sittipunt đã ký lệnh yêu cầu các trường học trong thành phố thực hiện nghiêm túc 9 biện pháp ngăn chặn và giám sát việc sử dụng cần sa và cây gai dầu đối với học sinh. Những biện pháp này bao gồm cấm học sinh sử dụng cần sa, không bán thực phẩm, đồ ăn nhẹ hoặc đồ uống có thành phần là cần sa hoặc cây gai dầu tại trường học, và nâng cao hiểu biết về mối nguy hiểm từ cần sa và cây gai dầu cho học sinh ở tất cả các cấp.

Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt cho biết chính quyền thành phố sẽ cân nhắc các biện pháp bảo vệ học sinh tại 436 trường học ở Bangkok, bao gồm ý tưởng tuyên bố các trường học và quán ăn trước trường học là khu vực cấm cần sa, đồng thời cho dựng các biển báo ngay trước trường học.

Dù không thể đưa ra biện pháp đối với việc sử dụng cần sa ở người lớn sau khi cây cần sa không còn nằm trong danh sách các chất ma túy, chính quyền thành phố Bangkok cam kết sẽ giám sát chặt chẽ và ngăn chặn việc sử dụng cần sa ở học sinh tại tất cả trường học trong thành phố.

Đọc thêm