Bảo tháp chính nằm giữa chùa được cho là cất giữ xương vai của Phật tổ, xá lợi nhục thân và xá lợi tóc của Đức Phật. Kỳ lạ là xá lợi tóc Phật tổ có thể ngọ nguậy chuyển động theo mọi phương hướng.
Voi trắng cõng xương vai Phật tổ lên đỉnh núi
Cách thành phố Chiang Mai khoảng 15km, chùa Wat Phrathat Doi Suthep (thường gọi tắt là chùa Doi Thep) nằm trên đỉnh núi Doi Suthep, ở độ cao khoảng 1.050m so với mực nước biển, có tuổi thọ hơn 600 năm. Từ xưa, núi Doi Suthep đã được coi là chốn linh thiêng. Những cư dân ban đầu của Chiang Mai tin tưởng rằng, linh hồn của tổ tiên họ cư ngụ ở trên đỉnh núi. Khi người Xiêm truyền bá đạo Phật đến đây, đỉnh Doi Suthep trở thành trung tâm của vũ trụ và là trung tâm của Phật giáo ở Lanna.
Truyền thuyết khắc trên bia đá của Doi Suthep kể rằng, đại sư Sumana Thera ở vương quốc Sukhothai nằm mơ được phái đi Pang Cha tìm một thánh tích. Theo chỉ dẫn trong giấc mơ, tại Pang Cha, Sumana Thera đã tìm thấy một mảnh xương mà mọi người thời đó đều tin là xương vai của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Thánh tích này rất linh thiêng, có thể di chuyển, tách ra làm đôi, biến mất hay chuyển sang màu đỏ nhạt. Nhà sư vui mừng mang mảnh xương vai của Phật tổ dâng lên đức vua của Sukhothai. Điều lạ là, trước mặt vua, thánh tích chỉ là khúc xương không có phép lạ khiến vua của Sukhothai nghi hoặc, giao lại cho sư Sumana Thera giữ mảnh xương.
Tin thánh tích bị trả lại đồn ra ngoài nhưngvua thứ 6 vương triều Mangrai (của vương quốc Lanna) là Kuena (1355-1385) vẫn tin về sự nhiệm màu của mảnh xương nên vào năm 1368 đã phái người xin rước về thờ. Đại sư Sumana Thera xin phép vua của Sukhothai rồi đem mảnh xương về nơi ngày nay gọi là Lamphun ở miền Bắc Thái Lan.
Về đến đây, mảnh xương vai chứng minh sự linh thiêng bằng cách tự sinh thêm một mảnh xương mới có kích thước nhỏ hơn cái cũ. Xương nhỏ được thờ ở chùa Wat Suan Dork (ở Chiang Mai), còn xương lớn, được vua Kuena cho người đặt vào trong một hương án buộc trên lưng con voi trắng rồi thả cho nó tự đi.
Voi trắng thẳng hướng núi Doi Suthep mà đi. Hồi ấy,Doi Suthep mang tên là Doi Aoy Chang nghĩa là “núi con voi bằng đường”. Vua và bá quan im lặng theo sau chân voi. Con voi trắng leomột mạch lên đỉnh núi thìdừng lại, rống lên 3 tiếng rồi ngã gục xuống chết. Vua Kuena tin đó là một báo ứng, nêntruyền cho đào một hố sâu hình chữ nhật tại nơi con voi qua đờiđể chôn mảnh xương thánh tích trong cái hộp bằng đá.
Tin vào điềm lành, nhà vua đã cho xây trên núi một ngôi đền bằng vàng với bảo tháp (chedi) cao 24m, chia nhiều tầng bậc, biểu thị cho các cõi trời và quá trình tu hành đắc đạo. Bảo tháp của Doi Thep được xây dựng với hình thù một quả chuông, một kiểu kiến trúc tháp phổ biến ở Chiang Mai. Sau đó, các ngôi đền được xây dựng xung quanh bảo tháp vàng.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, đỉnh núi Doi Suthep được chọn xây chùa bởi một con voi không có xích chân mang theo thi thể vị thánh tăng Phật giáo buộc trên lưng bỗng dưng đi đến đây rồi dừng lại. Ngày nay, ngôi chùa vẫn được coi là thiêng liêng nhất. Sân chùa Phrathat Doi Suthep có rất nhiều tượng nhỏ. Theo tục lệ của người Thái, trước đây, sau khi thắp hương và đốt nến, khách hành hương thường mua những miếng giấy vàng nhỏ rồi dán vào từng vị trí trên tượng Phật
Tuy nhiên, những năm gần đây tục lệ này đã được thay thế bằng việc đính những đồng tiền xu Thái vào một tấm bảng đặt cạnh tượng Phật.
Trước đây, người ta phải tốn 5 giờ để chinh phục con đường hẹp và khúc khuỷu mới lên được chùa Doi Suthep. Năm 1934, sư Kruba Srivichai đã đứng ra vận động Phật tử khắp nơi góp công sức và tiền bạc để mở con đường dài 11 km. Với con đường này, từ trung tâm TP Chiang Mai, du khách có thể đi xe để lên chùa trong khoảng thời gian 30 phút. Tuy nhiên, đường lên chùa vẫn khá nguy hiểm, có nhiều đoạn cua gấp khuỷu tay và chỉ những tài xế quen đường mới đi được.
Doi Thep là ngôi chùa đầu tiên vua Mueangketklao của Chiang Mai mở rộng vào năm 1525. Sau đó, vị vua kế tiếp của Chiang Mai là TnaoSaikham đã cho phủ lên ngôi tháp những tấm lá đồng để bảo vệ ngôi tháp.
Sự thật về mảnh xương vai của Đức Phật
Theo người dân địa phương, ngoài mảnh xương vai của Đức Phật, bảo tháp chùa Phrathat Doi Suthep còn thờ xá lợi Phật. Người ta tin rằng khi đến chùa Doi Thep linh thiêng, nếu một người đảnh lễ Phrathat (từ này có nghĩa là xá lợi) từ bốn hướng chính, họ sẽ có được trí tuệ và từ bi. Để cầu phước đức, người ta sẽ cúng gạo, hoa, một cây nến và nhang, sau đó đi 3 vòng theo kim đồng hồ quanh ngôi tháp bằng chân trần trong khi cầu nguyện.
Người cầu nguyện ở phía Bắc ngôi tháp tin rằng họ sẽ được thông minh sáng chói như trăng rằm. Người cầu nguyện ở phía Nam mong muốn thành công trong đường đạo. Cầu nguyện ở hướng Đông giúp người cầu nguyện sanh về cõi trời. Còn cầu nguyện ở mặt Tây là việc phụng lễ cao quý nhất.
Người dân truyền tụng, bảo tháp của chùa Doi Suthep còn lưu giữ một sợi tóc của đức Phật. Theo truyền thuyết, Doi Suthep hàng ngàn năm trước có hai con quái vật sống ở đó. Hai con quái vật này thường ăn thịt người nên dân chúng vô cùng khiếp sợ. Khi Đức Phật đến vùng này, Ngài đã hóa độ hai quái vật, khiến chúng quy y Tam bảo. Đức Phật còn cho chúng một sợi tóc và sợi tóc đó hiện được thờ trong ngôi tháp.
Trong các câu chuyện về Đức Phật, truyền thuyết của Myanmar (Miến Điện) kể rằng Đức Phật đã tặng tóc một số đệ tử và xá lợi tóc này hiện vẫn được thờ tại nhiều ngôi chùa.
Đức Phật-Siddhārtha Gautama hay Thích Ca Mâu Ni (khoảng năm 563/480 - 483/400 trước Công nguyên) là một nhà triết gia, học giả, người sáng lập Phật giáo, sống ở vùng Đông Bắc Ấn Độ Cổ đại vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và 4 TCN.
Theo truyền thuyết, Thái tử Siddhārtha Gautama sinh ra ở Lumbini thuộc Nepal, là người thừa kế dòng dõi hoàng tộc Shakya Devanagari, cai trị tiểu quốc Shakya (Shakya Gaṇarājya), kinh đô là Kapilavastu, thuộc Ấn Độ và Nepal ngày nay. Siddhārtha Gautama lớn lên tại kinh đô Kapilvastu của tiểu quốc Shakya, ngày nay là Tilaurakot, Nepal hoặc Piprahwa, Ấn Độ. Ngài giác ngộ tại Bodh Gaya, thuyết pháp đầu tiên tại Sarnath và viên tịch tại Kushinagar (Ấn Độ).
Siddhārtha Gautama từ bỏ cuộc sống phú quý của một hoàng tử vào năm 29 tuổi để tìm đạo.Sau 6 năm cầu đạo, Ngài đạt được giác ngộ tâm linh, được gọi là Đức Phật (Bậc giác ngộ/Người thức tỉnh) và dành 45 năm cuối của cuộc đời mình cho việc truyền dạy giáo lý tại phía Đông tiểu lục địa Ấn Độ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho rằng có 28 Đức Phật ra đời để giáo hóa chúng sinh. 26 vị Phật đã xuất hiện dần trong hàng ngàn vạn kiếp trái đất; trong 4 vị Phật đầu tiên có Nhiên Đăng Cổ Phật (Dīpaṅkara). Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama) là vị Phật thứ 27, xuất hiện cách đây khoảng 2.600 năm. Vị Phật thứ 28 chưa xuất hiện là Phật Di Lặc (Metteyya).
Chùa Việt Nam và Trung Quốc thờ bộ tượng Tam thế Phật. Trong đó, Phật Nhiên Đăng đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích Ca là chư Phật thời hiện tại và Phật Di Lặc tượng trưng cho chư Phật thời tương lai.
Các ѕách của Phật giáo có ghi rõ: ѕau khi Phật Thích Ca Mâu Ni tạ thế, thi thể Ngài được hoả tang. Sau đó, người ta thu được trong tro cốt nhiều tinh thể cứng như thép, lóng lánh ᴠà tỏa ra những tia ѕáng muôn màu, giống như những ᴠiên ngọc quý, tất cả được 84.000 ᴠiên, đựng đầу trong 8 hộc ᴠà 4 đấu, gọi là хá lợi. Sau khi Đức Phật qua đời, xá lợi hỏa táng được chia cho 8 gia đình hoàng gia và các đệ tử. Sau này, xá lợi Phật tổ được lưu giữ trong hàng ngàn bảo tháp khắp nơi trên thế giới. Và như vậy, trên thực tế không có chuyện Phật tổ vẫn còn xương cốt để các Phật tử và đệ tử đi tìm.
Về xá lợi tóc của Phật tổ, có khá nhiều truyền thuyết. Trong các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ, Bodhgaya (Bồ đề đạo tràng) là nơi có nhiều người hành hương chiêm bái hơn cả.Thánh tích chính tại Bodhgaya là tháp Mahabodi. Ngôi tháp cao vút, uy nghiêm này đánh dấu một sự kiện trọng đại, nơi Bồ tát sau 49 ngày thiền định, đã gột rửa sạch tất cả những vô minh ái thủ và chứng đắc Phật quả. Theo sách sử, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã lưu lại nơi đây 7 tuần lễ. Mỗi tuần lễ Ngài an trú tại một nơi và những nơi này ngày nay đều được đánh dấu.
Theo sử truyện của Miến Điện, vào tuần lễ thứ bảy sau khi Đức Phật chứng ngộ, Trapusa và Bahalika là 2 anh em thương gia đến buôn bán ở Balkh (nay thuộc Afghanistan), trên đường quay về đã may mắn được gặp Phật Thích Ca Mâu Ni. Họ liền dâng cúng đồ ăn và được Phật thu nhận làm 2 cư sĩ đệ tử đầu tiên, đồng thời ban cho 8 xá lợi tóc. Khi trở về Myanmar, họ được vua Okkalapa giúp đỡ tìm ra đồi Singuttara, gần kinh thành Pokkharavati để xây bảo tháp thờ phụng 8 sợi tóc. Nơi này về sau chính là chùa Shwedagon còn gọi là Chùa Vàng.
Sách “Đại Đường Tây Vực ký”do Đại sư Huyền Trang (sư thầy Đường Tăng trong Tây du ký) biên khảo vào năm Trinh Quán thứ 19(tức năm 646) có những đoạn kể rất rõ ràng về 2 thương nhân Miến Điện này.
Đại sư Huyền Trang thuật lại:Có 2 người thương nhân Miến Điện bị đắm thuyền ở phía Nam Ấn Độ và họ đã cầu cứu những đấng thiêng liêng. Sau đó họ thấy một vùng ánh sáng chói lòa ở rất xa nên hướng theo ánh sáng ấy mà đi. Rồi họ may mắn gặp được Đức Phật. Sau khi cúng dường bánh làm bằng gạo cũng như mật ong, họ đã xin quy y với Ngài. Được Đức Phật chấp thuận, họ xin Ngài một vật kỷ niệm để họ mang về quê hương Miến Điện. Đức Phật liền đưa tay lên đầu vuốt xuống một nắm tóc trao cho hai thương nhân người Miến Điện. Họ vui mừng đem về quê hương để tôn thờ...
Kỳ bí xá lợi tóc của Đức Phật
Ngoài 8 sợi tóc của đức Phật được thương nhân Myanmar mang về thờ tại chùa Vàng Schwedagon gần thủ đô Rangon. Còn có 2 sợi tóc khác của Ngài được thờ tại ngôi chùa Kyaitiyo nằm trên hòn đá thiêng ở tiểu bang Mon, cách Rangon chừng 200 cây số về hướng Nam.
Tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng nằm giữa trung tâm thành phố, chùa Vàng Schwedagon là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar, hình thành từ 2.500 năm trước, được các triều đại phong kiến Myanmar tu bổ, mở rộng dần. Shwedagon trong tiếng Myanmar nghĩa là tháp bằng vàngkhông chỉ bởi màu sắc vàng rực của ngôi chùa mà còn do khối lượng vàng dùng để dát vào tháp, lên mái chùa, ước tính lên tới 90 tấn và nạm 89.994 viên ngọc quý do các đời vua và dân chúng Myanmar cúng dường.
Quần thể Chùa Vàng bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm, trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá có thờ tượng Phật bên trong. Tòa tháp vàng khổng lồ cao tới 99 m là một kiệt tác nghệ thuật. Thân tháp được phủ kín bằng 9.300 lá vàng. Quả cầu trên đỉnh tháp có đường kính 9 inch nạm 1.600 viên hồng ngọc, tổng trọng lượng 1.800 cara, trong đó viên to nhất 76 cara. Viên kim cương 76 cara này tỏa sáng rực rỡ suốt ngày đêm. Cứ 5 năm, tháp lại được bảo dưỡng một lần. Một điều kỳ diệu là qua 8 trận động đất và một đám cháy lớn vào năm 1931, Chùa Vàng Shwedagon vẫn vững như bàn thạch. Dường như lòng kính yêu Phật của hàng triệu phật tử đã giữ ngôi chùa trường tồn, vượt qua sự khốc liệt của thiên tai.
Trong chùa còn lưu giữ 4 vật thiêng liêng nhất của Phật giáo, đó là cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, lọc nước của Phật Câu Na Hàm, 1 mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Xá lợi tóc Phật này đã được vinh danh là bảo vật quốc gia của Myanmar.
Nhiều du khách đến đây thắc mắc tại sao Chùa Vàng nạm đầy ngọc, kim cương, dát vàng như thế mà trường tồn mấy ngàn năm không bị mất cắp bao giờ? Câu trả lời là bởi tất cả người dân đều sợ luật nhân quả nên không ai dám dỡ ngói, ăn cắp bảo vật ở chùa.
Kyaikhtiyo còn gọi là chùa Núi Vàng là một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất ở Myanmar. Chùa được xây dựng trên đỉnh một tảng đá khổng lồ ở dãy núi Pau-laung có độ cao 1.100 m so với mặt biển. Tên chùa Kyaikhtiyo theo chiết tự có nghĩa là “chùa được vị đạo sĩ mang trên đầu”. Ngôi chùa xứng đáng gọi là kiệt tác bởi vì sự hòa quyện không tưởng giữa thiên nhiên và những điều bí ẩn của thế giới Phật giáo.
Truyền thuyết kể lại rằng, có một đạo sĩ người Môn (một dân tộc thiểu số vùng Kimmunsakhan của Myanmar) sau khi xuống tóc tu hành đã toàn tâm đi tìm miền cực lạc. Đạo sĩ đến đảnh lễ Đức Phật và cầu xin Ngài cho xuất gia làm tỳ khưu. Sau nhiều năm hành thiền và kính tin Phật pháp, vị đạo sĩ đắc Thánh quả A-la-hán, gọi là Đại đức Gavanpati.
Một lần, Đại đức Gavanpati cung kính chuyển lời của nhà vua xứ Suvannabhumi khẩn cầu Đức Thế Tôn quang lâm đến đây thuyết pháp. Đức Phật đã nhận lời đến thuyết pháp và trước lúc trở về Ấn Độ, Ngài đã ban cho Đại đức Gavanpati 2 sợi xá lợi tóc cuộn tròn. Sau đó, vị Đại đức này được vua Trời Đế Thích giúp sức xây chùa Kyaikhtiyo để lưu giữ xá lợi quý báu của Đức Phật.
Do vị đạo sĩ muốn hai sợi tóc xá lợi của Đức Phật phải được cất giữ trong một hòn đá có hình giống đầu của mình nên vua Trời đã giúp dân xứ Suvannabhumi vận chuyển một hòn đá khổng lồ có hình đầu người từ biển về đặt trên một ngọn núi cao nhất trong vùng. Sau đó, Đại đức tạo một lỗ nhỏ trên hòn đá, đặt xá lợi tóc của Đức Phật vào và xây một ngọn tháp (Golden Rock Pagoda, dịch là Kim Thạch Tháp) bên trên xá lợi. Khi mọi việc hoàn thành, vua Trời Đế Thích trở về trời còn vị Đại đức ngồi bên tảng đá tụng kinh niệm Phật và bình thản ra đi.
Ngày nay, qua nhiều lần trùng tu, Kim Thạch Tháp tọa lạc trên đỉnh hòn đá thiêng trở thành một công trình Phật giáo huyền bí. Theo ước tính, tảng đá hình đầu người này nặng khoảng 500 tấn, nằm cheo leo trên vách đá. Toàn bộ khối đá khổng lồ cùng ngọn tháp thờ cao 7,3 m được dát vàng lóng lánh. Khu vực này chỉ dành riêng cho các nhà sư và nam giới, còn nữ giới chỉ được phép chiêm bái từ xa.
Có một điều kỳ diệu là hầu hết trọng lực của hòn đá dồn về phía vực thẳm, trong khi bề mặt tiếp xúc giữa nó với vách đá khoảng hơn 1 mét vuông, thế nhưng cả hòn đá khổng lồ lẫn Kim Thạch Tháp vẫn vững như bàn thạch qua hơn 2.000 năm trước những trận động đất khủng khiếp ở xứ sở này.
Dù là sự xếp đặt lạ lùng của tự nhiên nhưng người dân địa phương luôn tin rằng sở dĩ tảng đá vàng nằm chênh vênh trên sườn núi vẫn đứng vững hơn 2.000 năm là vì trong nó có xá lợi tóc của Đức Phật. Một người nào đó nếu trong đời có 3 lần đảnh lễ tại ngôi chùa này, thì mọi ước muốn trong cuộc đời sẽ được toại nguyện.
Xá lợi tóc của Đức Phật được cho rằng có khả năng chuyển động như một vật thể sống. Nhiều người đã chứng kiến, sau khi thuyết pháp và tụng kinh cầu nguyện, vị sư trưởng thấm một ít nước vào đầu ngón tay, chấm vào sợi tóc xá lợi dài gần gang tay đưa ra trước mặt mọi người. Lập tức sợi tóc ngọ nguậy chuyển động theo mọi phương hướng khiến mọi người tròn mắt ngạc nhiên.
(Còn nữa)