Chàng trai Việt vẽ bản đồ thế giới bằng… xe máy

(PLVN) - Với chiếc xe  Wayve mang biển số Việt Nam, Đăng Khoa đã đi đến tất cả châu lục, các khu vực, gồm châu Á, Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, Phi. Riêng Nam Cực, anh phải đi tàu ra do không thể đi bằng xe máy. Và sau 1111 ngày, “ người tính không bằng … vi rút tính”, sau nhiều vất vả, chàng trai 33 tuổi đã trở về Việt Nam…
Phượt thủ trở về Việt Nam sau 1111 ngày vòng quanh trái đất bằng xe máy.
Phượt thủ trở về Việt Nam sau 1111 ngày vòng quanh trái đất bằng xe máy.

Theo tổng kết của Đăng Khoa, anh đã đi qua chặng đường khoảng 80.000km (gần gấp hai lần chu vi Trái đất), qua 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, băng qua đường xích đạo 8 lần. Anh đi từ những nước phát triển ở Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, đến những nước nghèo hơn ở châu Phi, Trung Mỹ, Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương. 

Anh đến những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard sát Bắc Cực, xuống “nơi tận cùng thế giới” ở Patagonia rồi xuống cả châu Nam Cực. Anh đi từ những hoang mạc rộng lớn giữa lòng nước Úc, từ những ngôi làng hoang vắng không ai biết, đến những đại đô thị như New York, Paris, Seoul, Sydney, Berlin, Rome, Toronto, Chicago, Los Angeles, San Francisco...

Dành 1.111 ngày khám phá thế giới, trải qua nhiều khó khăn không chùn bước. Cuối cùng, Trần Đặng Đăng Khoa cũng trở về quê hương, có “kỳ nghỉ dưỡng đúng nghĩa” tại khu cách ly ở Hưng Yên và đã về nhà với mẹ, ở Gò Công- Tây Ninh,

“Hoàn thành giấc mơ lớn nhất cuộc đời”

Ba năm trước, Khoa khởi hành chuyến đi từ cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), bắt đầu thực hiện kế hoạch đi 50.000 km qua 35 nước trong 2 năm. Tuy nhiên, chặng đường vượt xa hơn dự tính khi Khoa đã cán mốc 80.000 km đường qua 62 quốc gia, đặt chân tới 7 châu lục. Phượt thủ 33 tuổi dự định đi xe máy về từ châu Phi về Ấn Độ, qua Myanmar, Thái Lan, Campuchia và có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài như lúc khởi hành.

Dịch Covid-19 diễn ra khi anh đang ở châu Phi. Phượt thủ 8X đưa ra quyết định khó khăn là dừng hành trình đi khắp thế giới, chuyển xe máy về bằng đường biển và anh ở lại Mozambique để đợi chuyến bay về Việt Nam. Trần Đặng Đăng Khoa từng chia sẻ anh có nuối tiếc khi không thể thực hiện dự định ban đầu là trở về Việt Nam bằng xe máy, dừng chân ở cửa khẩu Mộc Bài. 

Đăng Khoa bên "ngựa sắt" check-in bên tháp Affel của thủ đô Paris (Pháp).
 Đăng Khoa bên "ngựa sắt" check-in bên tháp Affel của thủ đô Paris (Pháp). 

Và điều Khoa hài lòng nhất trong chuyến đi 1.111 ngày là giữ được nguyên tắc “ba không” anh đưa ra. Suốt 3 năm, Khoa không bị tai nạn, va đụng hay ngã xe. Sức khỏe là yếu tố quan trọng giúp anh duy trì chuyến đi và phượt thủ cũng không đau ốm gì kể cả ốm vặt như cảm cúm. Cuối cùng, Khoa không dính bất kỳ giấy phạt chạy xe sai quy định nào, các giấy tờ đều đảm bảo đúng hạn.

Là người Việt duy nhất ở thời điểm hiện tại chạy xe máy vòng quanh thế giới, Khoa chia sẻ rằng anh tự hào khi hoàn thành hành trình vừa qua. Nói vậy giống như tự khen mình, nhưng chuyến đi 3 năm qua là giấc mơ của mình, giấc mơ lớn nhất cuộc đời và mình đã đạt được.

Theo Khoa, mỗi người có một lẽ sống riêng, không ai giống ai. Mình không suy nghĩ rập khuôn theo kiểu ở một độ tuổi nhất định là phải có được một vị trí trong xã hội, tài khoản tiết kiệm phải có từng này tiền. Cuộc đời mỗi người mỗi khác. Nhiều người ở độ tuổi 30 có thể đang êm xuôi trong sự nghiệp, thăng tiến trong công việc. Mình thì khác, mình lại có những chuyến đi để đời, đó là những tài sản lớn của mình, phượt thủ 8X nói. Anh coi  những trải nghiệm đó là cơ hội để anh mở ra nhiều cánh cửa tương lai phía trước.

Khi được hỏi về dự định trong 3 năm tới, Khoa cho biết anh sẽ tìm một công việc mới, có thể đi du học ở nước nào đó. Khoa gọi chiếc xe của mình là bé Memo, người bạn đồng hành của anh từ năm 2009. Ngoài ra, phượt thủ 8X cũng đang hoàn thiện cuốn nhật ký hành trình 3 năm để kịp thời gian xuất bản và ra mắt vào cuối năm nay. 

Sau hơn 1.000 ngày dài đằng đẵng, Đăng Khoa cũng khép lại hành trình theo đuổi đam mê xê dịch và chuẩn bị mở ra những cánh cửa mới với nhiều bất ngờ còn ở phía trước.

“Ai không bắt đầu sẽ không bao giờ về đích’’ là câu nói Trần Đặng Đăng Khoa thường chia sẻ mỗi khi ai đó hỏi anh vì sao có thể thực hiện được ước mơ khám phá thế giới bằng xe máy. Khoa không chần chừ, anh kiên định thực hiện đam mê của bản thân, vượt qua mọi hoài nghi, lời bàn tán rằng “để xem bao giờ nó về”, “đó là một quyết định điên rồ”. Và chính niềm tin mãnh liệt vào ước mơ của mình, Đăng Khoa đã có thể lên đường đi vòng quanh thế giới với một tâm thế tự do đầy bình thản.

Nghịch dại và bị phạt quỳ trúng tấm bản đồ thế giới

Ba mươi năm trước, ngày mình sinh ra đời là cuối năm 1986 ở một vùng quê miền Tây sông nước, gia đình cực kỳ nghèo, không có nhà phải ở nhờ nhà chùa và nhà ông bà suốt mấy năm đầu đời. Ngày xưa mình nghịch lắm, hay bị phạt quỳ gối úp mặt vào tường. Có một ngày ba mình mang đâu đó một tấm bản đồ thế giới về rồi dán vào cho đỡ trống trải, lại ngay chỗ tường hay úp mặt vào.

Rồi thì những lần quỳ gối sau có thêm việc để làm cho đỡ buồn chán là hay nhìn nhìn vào bản đồ rồi cố gắng nhớ tên và định hình nước nào nằm ở đâu lớn nhỏ thế nào mà không biết nước đó là cái chi chi đâu.

Phút nghỉ ngơi bên một cánh rừng mùa thu vàng ở Nga.
Phút nghỉ ngơi bên một cánh rừng mùa thu vàng ở Nga. 

Thời gian ấy thỉnh thoảng cũng được đi du lịch theo trường hay chỗ ba mẹ làm, lần nào đi vô khỏi cổng khu du lịch là cũng “tách đoàn” lủi đi riêng, đi từ đầu này tới đầu kia không chán, cái máu phiêu lưu đã bắt đầu thấm thấm từ đó rồi, và đã bắt đầu hình thành giấc mơ được đi khắp thế gian.

Sau bảy tám năm lang thang khắp nơi, mà mỗi chuyến đi là được thêm một bài học mới, một kinh nghiệm mới, một trải nghiệm mới, gặp những con người mới với biết bao điều thú vị và có vô vàn những thứ đáng để mình học hỏi.

Cũng sau những chuyến đi ấy, mình đã hiểu về cuộc sống nhiều hơn, nhìn những thứ hiện ra trước mắt bằng chính đôi mắt được ba mẹ ban cho! Nhìn những mảnh đời cơ cực và những số phận khác nhau, mình thấy trân quý cuộc đời này hơn và thấy mình thật may mắn hơn biết bao nhiêu người, nhất là những đứa trẻ sinh ra ở nơi còn khó khăn hơn mình rất nhiều.

Và sau chuyến đi xe máy từ đây đến Singapore mình mới thật sự thấy việc đi xa hơn là hoàn toàn khả thi, dù người Việt đi sẽ gặp rất nhiều khó khăn về giấy tờ xe quốc tế, về VISA mà còn VISA đi đường bộ nữa, về các vấn đề pháp lý khác. Và hơn hết là định kiến của xã hội khi muốn làm những gì lớn lao, dù nó chỉ là thỏa mãn giấc mơ và đam mê của bản thân mình. 

Có một việc mà nhiều bạn hay hiểu nhầm rằng mình là một travel blogger hay dân du lịch chuyên nghiệp, nhưng thật sự không phải! Suốt thời gian gần mười năm rồi mình đúng nghĩa là một nhân viên văn phòng,  chưa bao giờ nghỉ việc để đi du lịch quá một tháng cả… Và rồi, mình đã đi- suốt ba năm qua… 

Với những chia sẻ của Khoa, bất giác tôi nhớ đến cuốn sách “Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho. Santiago, một chàng trai chăn cừu tại Tây Ban Nha đã liên tiếp mơ về giấc mơ được một đứa trẻ dẫn đến kim tự tháp tìm kho báu. Đó là nơi câu chuyện bắt đầu và cũng là nơi nó kết thúc, gói trọn chuyến hành trình khó khăn “đem tất cả những gì mình có để đổi lấy một giấc mơ” của chàng chăn cừu trong 52 chương sách của “Nhà giả kim”. Ai cũng mơ đến một kho báu, nhưng ít ai dám tỉnh dậy và đi tìm nó… 

Trải nghiệm thảo nguyên xanh bao la đẹp như một giấc mơ...
Trải nghiệm thảo nguyên xanh bao la đẹp như một giấc mơ... 

Mọi dấu hiệu tốt lành của cuộc đời, vận mệnh của mình đã đưa đến ngày hôm nay và cuộc phiêu lưu này. Vì thế, hãy cứ tiếp tục theo dấu chim ưng trên sa mạc để đi tìm hạnh phúc, đi tìm kho tàng của đời mình và cố gắng học được ngôn ngữ của vũ trụ. Santiago vốn chỉ là một chàng trai chăn cừu ở Tây Ban Nha - sống một cuộc đời bình thường như bao người khác.

Nếu không bước tiếp, đối mặt với biết bao hiểm nguy để giải mã giấc mơ thì liệu cậu có thể tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp kì vĩ của Kim tự tháp? Liệu cậu có thể tìm được một tình yêu ngọt ngào như cổ tích với Fatima?

Tất cả những trải nghiệm trong chuyến phiêu du theo đuổi vận mệnh của mình đã giúp Santiago thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc. Đôi khi người ta phải đi cả một cuộc hành trình dài, với bao hiểm nguy vất vả, chỉ để hiểu rằng, hạnh phúc ở ngay dưới chân ta, ở nơi mà ta đã từng bước qua.

Với con mắt của một kẻ phiêu lưu đi tìm kho tàng, với niềm tin mãnh liệt vào những dấu hiệu tốt lành, với lòng dũng cảm, sự chân thành và quyết tâm theo đuổi vận mệnh, cuối cùng, cậu đã hiểu được ngôn ngữ của vũ trụ, học được cách trò chuyện với trái tim mình và đã tìm được nhiều hơn một kho báu…

Khi Khoa khởi hành vào ngày 1.6.2017, Khoa không biết mình có thể đi được những đâu nhưng chắc chắn, anh biết rõ mình có thể đi và đi rất xa. Trên hành trình của Khoa, qua những chia sẻ trên trang cá nhân, đôi khi người ta rong ruổi cả một thời gian dài, băng qua rất nhiều vùng đất xa xôi để rồi lặng đi trước một khung cảnh đẹp đẽ, để nhìn thấy thế giới tuyệt diệu và kì vĩ biết bao nhiêu. Như Khoa xúc động trước mùa thu của Luxembourg, như Santiago choáng ngợp trước sự kì vĩ của Kim tự tháp.

“Kho báu” của Đăng Khoa có lẽ không nằm ở đích đến mà ngày nào, trên mỗi chặng đường đi qua, Khoa đều làm nó đầy lên, nặng hơn bởi những trải nghiệm mới mẻ, những câu chuyện về những vùng đất, những con người mà anh đã gặp, đã đi qua để trân quý hơn cuộc sống mình đang có…

Đọc thêm