Chàng trai xứ Nghệ và hành trình đưa sách…về quê

  Nghe có vẻ kỳ cục và hơi bất thường, nhưng có một người lại hì hục, cần mẫn làm cái việc “chẳng giống ai” ấy suốt mười mấy năm nay. Và chúng ta sẽ nể phục và trân trọng anh hơn khi hiểu được ý nghĩa công việc mà anh đã và đang làm.  

Nghe có vẻ kỳ cục và hơi bất thường, nhưng có một người lại hì hục, cần mẫn làm cái việc “chẳng giống ai” ấy suốt mười mấy năm nay. Và chúng ta sẽ nể phục và trân trọng anh hơn khi hiểu được ý nghĩa công việc mà anh đã và đang làm. 

Nguyễn Quang Thạch và Tủ sách dòng họ
Ước mong hướng thiện…
Ngay từ lúc còn rất nhỏ, cậu bé Nguyễn Quang Thạch (quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã nghe ông bà, cha mẹ kể về những truyền thống nhân văn, nhân đạo đầy tốt đẹp của dân tộc, dòng họ. Lớn lên một chút anh cũng tận mắt chứng kiến cảnh bà nội, mẹ chia cơm cho hàng xóm, những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, trẻ em lang thang; ông nội thì bao nhiêu năm dạy học miễn phí cho học trò nghèo trong làng…
Tất cả những hành động, việc làm đó đã gieo vào lòng anh những tình cảm, dấu ấn rất sâu sắc, đậm nét. Để rồi khi lớn lên, trái tim anh cũng dễ dàng thổn thức trước những tấm chân tình, cũng như “động lòng trắc ẩn” với những hoàn cảnh éo le, đáng thương.
Chính vì vậy, việc anh mời trẻ em đánh giày, bán báo, những người ăn xin cùng ăn với mình là hình ảnh rất đỗi quen thuộc với những người dân sống quanh khu vực nơi anh thuê trọ và theo học bốn năm trời.
Những việc làm đó, đối với bản thân Thạch là chuyện rất bình thường, bởi anh luôn nghĩ thế và làm thế, sống trong một gia đình có truyền thống như thế. Nhưng với không ít người, nó là những hành động “khác người”.
Bằng chứng là, vào năm học đại học thứ hai, Thạch gặp một phụ nữ quê Thanh Chương, Nghệ An bị tâm thần đi lang thang. Thấy chị trong hoàn cảnh đáng thương như vậy, Thạch đã hô hào và vận động các bạn sinh viên cùng trường và trong khu vực ký túc xá tìm cách đưa chị về quê.
Tuy nhiên, trong hàng  ngàn sinh viên, anh chỉ nhận được sự ủng hộ của hai sinh viên nghèo cùng trường. Lúc này, chính bản thân anh lại cảm thấy “sốc” trước thái độ đầy vô cảm của giới trẻ hiện tại. Trong khi đó, những gì mà anh đọc trong sách lại vô cùng nhân văn. Theo anh: “Người ta “vô cảm” là do người ta thiếu tầm văn hóa và ít đọc sách. Chứ nếu người ta có tri thức, họ sẽ hành xử với nhau tử tế hơn; nhìn nhận cuộc sống một cách nhân văn hơn…”.
Và khát vọng: Nông dân thoát nghèo
Nguyễn Quang Thạch
Với suy nghĩ như vậy, Thạch đã bỏ rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về thực trạng đọc sách, sử dụng sách ở người dân ở một số vùng, đặc biệt là ở nông thôn nước ta. Và anh không khỏi buồn và thất vọng nhận trước thực tế thiếu sách trầm trọng ở những vùng quê (đa số các thư viện đều trống sách, thậm chí không hoạt động; nhiều người dân thậm chí chưa từng đọc một cuốn sách nào…). “Nếu họ đọc được 1000 quyển sách, cuộc sống của họ sẽ thay đổi…” – anh nghĩ, rồi nung nấu trong đầu một dự định giúp họ thoát nghèo.  
Mặc dù ấp ủ khát vọng đó từ năm 1997, nhưng phải đến đầu năm 2007 Thạch mới xây dựng được tủ sách đầu tiên cho ba dòng họ. Trước tiên, thông qua kênh người quen, bạn bè, anh nhờ giới thiệu cho một dòng họ nào đó, khảo sát xem dòng họ đó có bao nhiêu hộ, có quỹ khuyến học không, có sẵn sàng góp tiền mua tủ sách không?
Sau khi hỏi về mấy tiêu chí đó, anh bắt đầu tìm hiểu xem họ có thích đọc sách không, có ý chí phấn đấu vươn lên hay không? Nếu cảm thấy “được” rồi anh mới cung cấp sách, bằng cách quyên góp sách cũ hoặc tự bỏ tiền túi ra mua sách mới. 1, 2, 3 tủ sách ra đời, hiệu quả khai thác tủ sách ngày càng nâng cao hơn, người nọ giới thiệu cho người kia, dòng họ này thông báo cho dòng họ kia, những phản hồi tích cực đến với Thạch nhiều hơn. Rồi các dòng họ chủ động gọi điện cho Thạch nhờ hỗ trợ xây dựng tủ sách… 
 Để kêu gọi các dòng họ thành lập tủ sách, giới thiệu tác dụng của mô hình này, Nguyễn Quang Thạch đã thực hiện chuyến xuyên Việt trong dịp Tết Canh Dần (2010) qua 19 tỉnh, thành phố với mong muốn nông thôn sẽ thoát nghèo… nhờ sách./.

Sau một thời gian nghiên cứu, xây dựng tủ sách dòng họ, Thạch nhận thấy rằng: Tủ sách dòng họ nên để dòng họ tự quản lý mới là giải pháp bền vững để khuyến học và khả năng tự nhân rộng sẽ rất cao.

Ngoài ra, ngoài huy động từ cộng đồng, anh cũng khuyến khích các dòng họ tự xây dựng tủ sách và đóng góp tiền mua sách, vì mình kêu gọi thì khó chứ chỉ cần trưởng họ hô một tiếng, mọi người hưởng ứng ngay.

“Chỉ cần khoảng 5 triệu đồng, một dòng họ đã có trên 300 đầu sách… Rẻ vô cùng, nhưng giá trị mang lại cho những người nông dân là rất lớn. Tại sao lại không làm?” – Thạch lý giải cho việc làm, mà nhiều người cho là “vác tù và hàng tổng” của mình. 

Không dừng lại ở đó, với mong muốn đưa sách vào các trường học ở nông thôn, Nguyễn Quang Thạch tiếp tục đưa ra sáng kiến xây dựng tủ sách phụ huynh. Một trong những tiêu chí mà anh xét tới là mang pháp luật đến với người dân, bởi thực tế người dân ở các vùng nông thôn đều rất “đói” kiến thức về luật pháp, trong khi đó nó liên quan tới những quyền lợi sát sườn của họ.
Mặt khác, mặc dù, tủ sách pháp luật đã được xây dựng ở hầu hết các xã, phường, thị trấn nhưng nó lại không đến được với người dân. Nghĩ là làm, hiện Thạch đã triển khai thành công việc đưa tủ sách phụ huynh ở một trường phổ thông cơ sở của Thái Bình, tiếp theo anh sẽ nhân rộng ở một số trường học trên địa bàn Thủ đô và tiến tới nhân rộng trong cả nước.
Để khởi động Mô hình tủ sách phụ huynh ở trường THCS An Dục huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình anh chỉ cần đóng góp 500,000đ và mỗi phụ huynh đóng góp 50.000 VND. Chỉ sau 4 tháng, các phụ huynh trường An Dục đã tự xây dựng 8 tủ sách khác với trên 1.000 đầu sách.
“Nếu có một tiêu chí, ví dụ trường học nào muốn được công nhận là trường học thân thiện thì mỗi phòng học đều phải có tủ sách với khoảng 200 đầu sách, thì sẽ rất tuyệt vời và tiến trình “sách hóa nông thôn” hay chính sách xã hội hóa thư viện của nhà nước sẽ được hiện thực rất nhanh…” – Thạch hồ hởi khẳng định.
Kết ngắn
Để pháp luật và các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với đông đảo bà con vùng công giáo ở nông thôn, Thạch đang có chủ trương vận động đưa sách pháp luật đến các đối tượng này. Hành trình “sách hóa nông thôn” của anh còn rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng với bản tính nhân văn và bản lĩnh, nghị lực của bản thân, Thạch luôn tin tưởng vào sự thành công. Bởi phía sau anh là rất đông người ủng hộ, cổ vũ; hàng vạn con người đang chờ đón sự hỗ trợ, giúp đỡ của anh…/.
Đoan Trang

Đọc thêm