Chánh án Đỗ Quốc Đạt: “Cương vị thiêng liêng, thượng tôn pháp luật là trên hết”

(PLO) - Dù ở cương vị nào, thẩm phán Đỗ Quốc Đạt, Chánh án TAND huyện Bình Chánh, TPHCM cũng được đánh giá là người luôn chịu khó học hỏi, rèn luyện bản thân, truyền “lửa cảm hứng” làm việc cho đồng nghiệp để phụng sự công lý… Ông vừa được TAND Tối cao vinh danh là thẩm phán giỏi toàn ngành năm 2018 qua đợt lựa chọn nghiêm ngặt.
Chánh án Đỗ Quốc Đạt

“Đời cứ cố gắng rồi niềm vui nhỏ nhỏ sẽ tới” 

Chánh án Đỗ Quốc Đạt sinh năm 1973, là anh cả trong gia đình có đông anh chị em. Dù gia cảnh khó khăn, nhưng ông cố vượt lên với mong muốn một ngày nào đó sẽ góp phần nhỏ để mang lại sự công bằng cho xã hội. Do đó, sau khi tốt nghiệp khoa Luật của trường Đại học Tổng hợp, năm 1997, ông về làm thư ký cho TAND quận 7, TP HCM, chính nơi ông từng thực tập thời sinh viên. 

Với bản tính cần mẫn, làm việc trách nhiệm, sống hòa đồng, luôn đổi mới, sáng tạo nên ông được đồng nghiệp trong cơ quan hết sức quý trọng. Năm 2006, ông được cử đi học lớp thẩm phán và trở thành một trong ba người được bổ nhiệm thẩm phán đợt đầu tiên của khóa học này.

Cuộc đời từ đó như bước sang một trang mới, tuy nhiên, ông lại xem đó như một chặng đường dài hơn, gồ ghề hơn, khó khăn hơn. Và đây cũng là cơ hội để ông phải rèn luyện, nỗ lực, thích nghi hơn mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

“Tôi luôn mạnh dạn đưa ra ý kiến để phân tích, mổ xẻ vấn đề để pháp luật được thực thi tốt nhất. Những ý kiến đó dần được anh em trong cơ quan ghi nhận khiến tôi rất vui, từ đó khuyến khích tôi càng thêm tự học hỏi, cập nhật kiến thức để bổ sung những điểm còn yếu…”, ông Đạt chia sẻ.

Với sự nỗ lực không ngừng, ông giành được nhiều thành tích như: Chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, hai lần đạt danh hiệu thẩm phán giỏi (danh hiệu với rất nhiều tiêu chí khắt khe của ngành Tòa án - PV)… Không chỉ cho cá nhân, ông còn mang lại nhiều danh hiệu cao quý cho TAND quận 7. Đầu năm 2017, ông được phân công làm Chánh án tòa này. 

“Đời cứ cố gắng rồi niềm vui nhỏ nhỏ sẽ tới. Nghiệm lại sau 20 năm cần cù, tôi thấy có sự trùng hợp nào đó. Cụ thể, ngày thành lập quận 7 là 1/4/1997, đúng 20 năm sau, ngày 1/4/2017, tôi được làm  Chánh án quận 7, nơi tôi thực tập. Chưa hết, ngày 19/12/1998, tôi được chính thức vào ngạch thư ký thì ngày 19/12/2018, tôi về được điều về làm Chánh án TAND huyện Bình Chánh…”, vị Chánh án tâm sự.

Đau đáu với nghề thiêng liêng

Khi chúng tôi đặt vấn đề, liệu trong quá trình xét xử một các vụ án, ông có bị áp lực, cám dỗ nào đó hay không, vị chánh án trầm ngâm: “Thực sự thẩm phán, chánh án cũng đều là con người cả, ai cũng có gia đình, tình cảm, mối quan hệ… Tuy nhiên khi ngồi ở cương vị thiêng liêng là nhân danh nhà nước để xử án, mình luôn phải chuẩn mực, thượng tôn pháp luật phải là trên hết”.

Chẳng hạn trong các vụ án về dân sự, hình sự, lao động… ông Đạt cho rằng dù có những cám dỗ về tình cảm, vật chất, nhưng ông luôn quán triệt tất cả thư ký không được tiếp xúc với đương sự, người thân bị cáo… ngoài giờ làm việc, ngoài cơ quan, dù đó là lý do gì. Riêng với anh em thẩm phán, tuyệt đối không được tiếp xúc với đương sự, người thân bị cáo… trong suốt quá trình tiến hành vụ án (trừ khi tiếp dân). 

Ông Đỗ Quốc Đạt được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh án TAND quận 7 kể từ ngày 1/4/2017. Thời gian ông Đạt làm Chánh án quận 7, đơn vị này đã được nhận danh hiệu Đơn vị thi đua xuất sắc năm 2017 do TAND Tối cao tặng.

Đồng thời đơn vị cũng có 2/41 thẩm phán của toàn ngành Tòa án được vinh danh thẩm phán giỏi năm 2018 là ông Đạt và thẩm phán Mai Trần Cảnh. Cả hai được vinh danh vì có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành TAND.

Cuối năm 2018, ông được điều chuyển về làm Chánh án TAND huyện Bình Chánh, địa bàn có lượng án lớn, tính chất đa dạng và phức tạp hơn. 

“Thực tình mình cũng là con người, chứ đâu phải thần thánh đâu mà không suy nghĩ tới những lợi ích mà người ta hứa hẹn. Tuy nhiên, đó chỉ là cái nghĩ thoáng qua rồi mình sẽ điềm tĩnh hơn và từ chối ngay, bởi sẽ không ai cho không ai gì cả. Họ cho mình cái này thì chắc chắn họ sẽ đặt ra điều kiện này kia.

Nên khi đã nhận của họ thì mình sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ, cán cân công lý sẽ bị cong vênh, không còn dám nhân danh nhà nước được nữa. Mình phải biết quý trọng bản thân mình, quý trọng cái nghề của mình. Mình phải thấy sự thiêng liêng của cán cân công lý, phụng sự công bằng thì mới không bị vật chất, tinh thần chi phối, không bị sa ngã trước những cám dỗ, áp lực…”, ông Đạt bộc bạch.

Chia sẻ với các bạn trẻ muốn trở thành thẩm phán, vị Chánh án nhắn nhủ: “Thẩm phán là người được giao quyền hành lớn, nhân danh Nhà nước, họ có thể định đoạt về tài sản, sự tự do, thậm chí là tính mạng của ai đó… Nên nếu anh không chuẩn sẽ rất dễ dẫn đến lạm quyền. Nếu không chịu trau dồi về kiến thức, vốn sống, đặt cái tâm của mình vào hoàn cảnh của từng vụ án thì rất dễ hời hợt, lạnh lùng.

Sự hời hợt đó có thể đánh tan sự nghiệp của một người, một tập thể nào đó, thậm chí là lấy đi sự tự do, tính mạng, tiền tài của một ai đó. Chính vì thế, mình phải suy xét cho kỹ lưỡng từng li từng tí. Tòa án là nơi để cân đo đong đếm cán cân công lý, sự công bằng, chứ không thể vào đây để làm giàu như một số bạn nghĩ…”.

Với Chánh án Đỗ Quốc Đạt, mỗi vụ án đều có những suy tư, lắng đọng riêng trong quá trình làm nghề. Cứ thế, mỗi vụ án, ông đều đặt cái tâm của mình vào đó để xem hoàn cảnh phạm tội, tính nết của từng con người. Ông cũng xét đến từng hoàn cảnh của từng số phận nhằm hạn chế thiệt hại, oan sai và dung hòa được cho tất cả các bên, để làm sao bên được, bên mất đều hiểu và hài lòng, tâm phục khẩu phục…

Người lãnh đạo không được chia bè phái 

Nói về bí quyết chèo lái tập thể TAND quận 7, TP HCM (đơn vị công tác cũ) ngày càng lớn mạnh, ông Đỗ Quốc Đạt cho biết không có bí quyết gì, mà là do bản thân luôn cố gắng, phấn đấu hết mình. 

Lãnh đạo TAND TP HCM và huyện Bình Chánh chúc mừng ông Đạt về làm Chánh án TAND huyện Bình Chánh

Ông nhìn nhận: “Không phải mình làm lãnh đạo mà xem thường anh em vì họ như cô chú, anh, chị em trong gia đình. Người lãnh đạo không được thương người này ghét người kia, chia bè chia phái làm cho cơ quan mất đoàn kết.

Ai cũng có ưu - khuyết, tốt - xấu nên sẽ tìm mọi cách để phát huy cái tốt, cái ưu của người đó thì họ sẽ thấy gần gũi. Khi chúng ta thấy được điểm tốt của họ thì ắt họ sẽ dần khắc phục những điểm hạn chế”. 

Tuy nhiên ông cũng cho rằng, nói thế không phải là có dung túng cho sự yếu kém, buông thả, thiếu trách nhiệm; mà khi đã nhẹ nhàng nhắc nhở, khuyên bảo, tạo điều kiện hết sức mà cán bộ vẫn không khắc phục được thì đương nhiên phải xử lý nghiêm.

“Anh Đạt là người đa năng, lĩnh vực nào cũng xuất sắc, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống rất hay. Anh luôn khơi gợi, dẫn dắt, truyền lửa cho cả cơ quan làm việc hăng say vì công lý, lẽ phải. Anh đã tạo ra một tập thể đoàn kết, gắn bó, nghĩa tình với nhau. Anh thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong cuộc sống cũng như công việc.

Tính anh rất dễ gần, hòa đồng, không nề hà bất cứ việc gì từ chia sẻ kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống cho tới cả việc tự tay vào bếp cơ quan nấu những món ăn để cơ quan cùng ăn… Đặc biệt anh chưa bao giờ gây áp lực, ganh ghét bất cứ ai, mà chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo mọi người nên phát huy thế mạnh, hạn chế những thiếu sót…”, thẩm phán Trần Mai Cảnh, TAND quận 7 đánh giá về người lãnh đạo của mình.

Với thư ký Trần Thị Thanh, Chánh án Đạt là người lãnh đạo thuộc thế hệ mới, am hiểu rất nhiều và rất nhanh nhạy, biết truyền lửa và kinh nghiệm để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho anh em. Chị Thanh nhìn nhận ông Đạt biết vì cái chung, nắm bắt thực tế, là người lãnh đạo có tâm và có tầm.

Đó là những nhận xét, đánh giá chân tình của các anh chị em ở TAND quận 7, nơi ông đã gắn bó hơn 20 năm trời từ lúc còn là chàng sinh viên đi thực tập cho tới lúc lên chánh án.

“Thẩm phán là người được giao quyền hành lớn, nhân danh Nhà nước, họ có thể định đoạt về tài sản, sự tự do, thậm chí là tính mạng của ai đó… Nên nếu anh không chuẩn sẽ rất dễ dẫn đến lạm quyền. Nếu không chịu trau dồi về kiến thức, vốn sống, đặt cái tâm của mình vào hoàn cảnh của từng vụ án thì rất dễ hời hợt, lạnh lùng.

Sự hời hợt đó có thể đánh tan sự nghiệp của một người, một tập thể nào đó, thậm chí là lấy đi sự tự do, tính mạng, tiền tài của một ai đó. Chính vì thế, mình phải suy xét cho kỹ lưỡng từng li từng tí. Tòa án là nơi để cân đo đong đếm cán cân công lý, sự công bằng, chứ không thể vào đây để làm giàu như một số bạn nghĩ…”.

Đọc thêm