Chạnh lòng anh 40 tuổi “ở vậy” nuôi em gái khù khờ

Trên con đường liên xã qua địa phận thôn Thượng (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), có một căn nhà ven đường cỏ mọc um tùm xung quanh. Trong căn nhà ấy có cô gái thiểu năng trí tuệ và một câu chuyện cảm động về tình anh em...

Trên con đường liên xã qua địa phận thôn Thượng (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), có một căn nhà ven đường cỏ mọc um tùm xung quanh. Trong căn nhà ấy có cô gái thiểu năng trí tuệ và một câu chuyện cảm động về tình anh em...

Căn nhà của anh Đinh Xuân Vũ
Căn nhà của anh Đinh Xuân Vũ

Sống cùng bất hạnh

Căn nhà bị ngăn cách với con đường bên ngoài bởi một cống nước xung quanh đầy cỏ cây rậm rạp, khách tìm mãi mới thấy lối vào. Nếu không nhìn thấy có người trong nhà có lẽ ai cũng nghĩ đây là một căn nhà bị bỏ hoang.

Gian nhà dưới là nơi nấu ăn, lèo tèo một vài chiếc xoong chảo méo xẹo, vài chiếc bát đã xỉn màu. Ở gian nhà trên, tài sản “quý” nhất là chiếc tủ để ban thờ và hai chiếc giường bụi bám đầy như đã hàng thập kỷ không có người nằm.

Chủ nhân của căn nhà không vôi ve, không vữa chát ấy là anh Đinh Xuân Vũ (SN 1966). Còn cô gái suốt ngày ngồi một chỗ với vẻ mặt ngu ngơ đó là chị Đinh Thị Nguyệt (SN 1974), em ruột của anh Vũ. Họ chuyển về thôn Thượng đã hơn chục năm nay. Phải đến nhà vào giữa trưa hoặc buổi tối may ra mới gặp được anh Vũ, vào thời gian khác thì anh đều đi làm mướn.

Chị Nguyệt thì ở nhà cả ngày, không nói được, chỉ biết ngồi một chỗ, không dám đi đâu. Những việc đơn giản như rót nước, quét nhà, chị vẫn làm được nhưng phải có anh Vũ sai mới làm.

Quãng thời gian trước đó, anh Vũ và gia đình sống ở xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh), có thể nói cuộc sống của họ luôn gắn liền với hai từ “bất hạnh”. Là con cả trong gia đình có 4 anh chị em, anh Vũ phải cáng đáng mọi việc từ khi mới lớn. Em gái thứ hai của anh Vũ sinh năm 1969, được 3 tuổi thì không may qua đời do bạo bệnh.

Cha anh cũng mất do chiến tranh loạn lạc sau khi chị Nguyệt, con út, chào đời. Khi chị Nguyệt được hơn 1 tuổi, bắt đầu biết bi bô tập nói thì bị trúng gió, rồi lớn lên trong câm lặng, hoặc chỉ phát ra những tiếng ú ớ vô nghĩa. Nhà lúc ấy rất khó khăn nên không có tiền chạy chữa, chị Nguyệt đành "ôm bệnh" đến nay.

Bữa ăn của chị Đinh Thị Nguyệt
Bữa ăn của chị Đinh Thị Nguyệt

Sau những biến cố ấy, mọi khó khăn đè nặng lên đôi vai gầy của người mẹ, bà cố gắng lo cho Vũ và người con thứ ba ăn học để được bằng người. Cậu bé Vũ hồi đó cũng học giỏi có tiếng, nhưng vì gia cảnh khó khăn, thương mẹ vất vả nên đành bỏ ngang đi làm mướn đỡ đần mẹ nuôi các em. Cuộc sống cứ thế trôi đi, người mẹ già sức khỏe ngày một yếu.

Người em trai của anh Vũ lại thích sống cuộc đời lang bạt. Cậu ta làm nghề thợ hàn nhưng ít khi ở một chỗ, cứ nay đây, mai đó. Cuối cùng cậu dừng chân lấy vợ ở Lâm Đồng, tuy nhiên, cuộc sống cũng khó khăn nên chẳng giúp gì nhiều cho anh Vũ trong việc đỡ đần mẹ già và nuôi em dại.

Đầu những năm 2000, lúc này cuộc sống của 3 mẹ con thiếu thốn đủ bề, chi tiêu hàng ngày đều dựa vào sức làm thuê, làm mướn của anh Vũ cả. Thấy cuộc sống cơ cực, mẹ anh bán nhà rồi chuyển đến chỗ khác nhỏ hơn, ít tiền hơn, dư ra một ít vốn mà làm ăn. Nhà anh chuyển đến thôn Thượng từ đó. Nhưng số tiền bán nhà còn dư bao nhiêu thì đều dành để lo thuốc thang cho mẹ già và em gái cả. Phần nữa là trình độ học vấn thấp nên anh cũng không biết buôn bán gì. Vậy là số vốn dư ra cũng hết dần, hết mòn.

Dọn đến chỗ mới được 2 năm thì mẹ anh qua đời. Trước khi nhắm mắt, mẹ dặn anh phải chăm sóc người em gái khù khờ. Ngày còn mẹ già, tuy bà không làm được gì nhiều nhưng còn ở nhà nấu cơm, chăm em để anh yên tâm đi làm mướn khắp nơi. Khi bà mất đi, anh lại phải gánh cả việc thay mẹ chăm em. Thế nên hàng ngày anh chẳng dám đi làm mướn ở xa mà chọn chỗ gần để trưa đến về cơm nước cho em, xong xuôi lại đi làm đến tối mịt mới về.

Vất vả là vậy nhưng không bao giờ anh quên lời mẹ dặn trước khi mất, vẫn một lòng lo cho cuộc sống của cô em tật nguyền.

Cam chịu độc thân làm mướn nuôi em

Khách tìm vào nhà đúng bữa trưa của hai anh em, anh Vũ lấy tô cơm, rau luộc và cá kho, bưng đến cạnh giường cho chị Nguyệt để chị tự ăn, không quên dặn chị ăn từ từ kẻo nghẹn. “Vài năm trở lại đây nó (ý nói chị Nguyệt - PV) không mượn ai bón cho ăn nữa, nó quen ăn bốc rồi, dạy dùng thìa không được”, anh Vũ nói. Chuẩn bị đồ ăn cho em gái xong, anh ra một góc ngồi xuống ăn cho qua bữa.

Ăn xong, anh rít vội điếu thuốc rồi tranh thủ kể lại quãng đời khổ cực của mình như đã nói ở trên. Năm nay anh 46 tuổi, gương mặt xạm đi vì sương gió nhưng chưa một lần anh dám nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng. Hồi còn trai trẻ, cũng có vài mối đến đánh tiếng nhưng do mặc cảm về thân phận nghèo hèn, phần nữa vì gánh nặng gia đình, cơm áo nên anh bỏ qua chuyện vợ con.

Anh luôn nghĩ rằng, chỉ mình chịu khổ chứ đừng để cho người khác khổ vì mình. “Mình khổ cực làm mướn nuôi nhỏ em sống qua ngày thôi chứ nhà nghèo vầy nghĩ chi đến chuyện vợ con. Cũng có nhiều người thấy hoàn cảnh tui vậy thì thương, muốn hỏi vợ giúp nhưng chú nghĩ thử coi, nhà tui hoàn cảnh khó khăn thế, lấy người ta về cho người ta mang cực làm chi?. Tui không làm được”, anh Vũ tâm sự vẻ mặt buồn buồn.

Anh Đinh Xuân Vũ kể chuyện đời mình
Anh Đinh Xuân Vũ kể chuyện đời mình

Sống đến hôm nay, gần như anh dành trọn thời gian để làm những công việc người ta thuê mướn. Anh nhận làm bất cứ công việc đồng áng nào như phun thuốc sâu, cắt cỏ, cắt lúa, chặt mía, làm màu..., mỗi mùa một việc khác nhau. Anh làm miết nên quen việc, người mướn anh thấy anh chăm chỉ, chịu khó nên giới thiệu cho nhiều người khác nhau, nhờ vậy mà công việc anh cũng đều đều để có tiền nuôi em. Thế nhưng cũng có đợt làm chắt chiu cả năm nhưng một đợt ốm của cô em là tiền của anh lại trở về tay trắng. Anh lại phải đi chạy ăn từng bữa.

3 năm trước, một xe chở mía đi qua, do mía chất cao làm đường dây điện nhà anh Vũ bị đứt. Đang lúc khốn khó anh cũng chả buồn mắc lại điện, nghĩ cũng là một cách để tiết kiệm. Vậy nên, căn nhà chẳng có điện, mà đúng hơn là chẳng dùng đồ điện gì, cứ tối đến người ta chỉ thấy đèn dầu leo lét một lúc. Vì chị Nguyệt không nói được, anh Vũ lại đi làm suốt chỉ tối mới về, khi về lại ngủ sớm do mệt nên không mấy khi có tiếng người nói chuyện trong nhà. Chả thế mà sống ở cùng thôn nhưng có nhiều người không nhớ đến sự tồn tại của hai anh em họ.

Khi mới lên Diên Lâm sinh sống, anh Vũ đi chặt mía thuê, đường xa tít tắp. Sáng 2h30 anh đã phải dậy để nấu cơm cho em và dặn dò cẩn thận. Sau đó anh đạp xe gần 3 tiếng đến rẫy, làm quần quật đến tối lại đạp xe về. Anh chỉ sợ cô em gái khờ dại của mình ở nhà nhỡ có chuyện gì không may xảy ra. Vậy nên, lần nào đi anh cũng chốt cửa cẩn thận, đánh dấu ở ngoài, ở trong để xem em mình ở nhà có định trốn ra ngoài hay có kẻ gian đột nhập vào hay không. Sau vì thương em, nên công làm nơi xa cao hơn bình thường, anh cũng bỏ về làm mướn ở chỗ gần.

Anh tâm sự: “Tôi sống được ngày nào, còn sức ngày nào thì đi làm mướn nuôi em ngày đó. Nó đã thiệt thòi từ nhỏ đến giờ rồi, mình là anh lớn mình phải có trách nhiệm với em”.

Nói là vậy, nhưng đôi mắt của người đàn ông đầy trách nhiệm này vẫn mang một nét buồn xa xăm... Đang nói chuyện, bỗng có tiếng chị Nguyệt ho vì sặc cơm, anh Vũ vội chạy vào ân cần vuốt lưng cho em rồi bưng nước cho chị uống, nhặt những hạt cơm vương vãi trên quần áo người em...

Phạm Văn

Đọc thêm