Chấp nhận sự thật dù phũ phàng

(PLO) - Người cha hát nuôi hai đứa con bị teo não lấy đi nước mắt của bao người. Truyền thông đã làm nên sức mạnh đồng cảm ghê gớm và căn nhà 3 cha con ở đã biến thành một địa chỉ từ thiện nóng với rất nhiều tấm lòng hảo tâm hướng về đây.
Chấp nhận sự thật dù phũ phàng

Song, sự thật là anh không bị vợ bỏ và người vợ đó cũng không bỏ con, anh đã thổi phồng sự thật lên chút ít và cũng có sự lợi dụng tật nguyền của những đứa con để “kiếm cơm”. Biết được sự thật này, công chúng không phẫn nộ, không cho là mình bị lừa dối, tuy nhiên, sự thương cảm đã giảm sút đi rất nhiều. Cái đáng để tôn trọng ở người cha bất hạnh này là anh biết chấp nhận sự thật, xin lỗi vợ mình và mọi người, thừa nhận chuyện mình đưa con “dầm sương, dãi nắng” để “kiếm cơm”. Quan trọng nhất, những khoản tiền và tấm lòng từ thiện đến với cha con anh không nhầm địa chỉ.

Ở một diễn biến khác, cũng rất nóng khi một doanh nhân trong hội nghị Thủ tướng găp gỡ doanh nghiệp nêu chuyện nhắn tin cho Bí thư thành phố không được trả lời, chầu chực không được tiếp. Phát biểu tại một hội nghị quan trọng, đông người tham dự nên sức lan truyền là rất lớn, tác động mạnh đến dư luận. Người bị nhắc đến đã lên tiếng phủ nhận việc này, nói mình không hề nhận được tin nhắn hoặc có người xin gặp. Như vậy, sự thật chưa được làm sáng tỏ hoặc đúng hơn, sự thật không được chấp nhận. Dù sao, mọi người vẫn tin ông doanh nhân kia nói ra một sự thật chứ không phải là bịa chuyện. Dư luận đứng về phía sự thật đó bởi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “quan xa, bản nha gần” vẫn thường diễn ra trong quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền, cơ quan chức năng địa phương.

Người nghệ sỹ già bị xúc phạm đã chấp nhận sự thật cay đắng đáng xấu hổ của mình và cuối cùng ông cũng chấp nhận lời xin lỗi từ người đẹp đáng tuổi con cháu ông. Chấp nhận lời xin lỗi đồng nghĩa với việc bỏ qua chuyện bị xúc phạm nhưng còn đọng mãi trong câu chuyện này là cái nền văn hóa, cái phông ứng xử đã định hình tạo ra những phát ngôn tùy tiện, trịch thượng, xúc phạm,... trong giới giải trí chứ không phải sự bột phát, nhất thời, nhẹ dạ của chỉ riêng một người. Đó mới là cái đáng lo: Vô văn hóa trong một môi trường văn hóa!

Chấp nhận sự thật quả là khó khăn với một số người. Cho dù sự thật đã bị phơi bày với những chứng cứ rành rành thì họ vẫn tìm mọi cách để bao biện. Khi buộc phải xin lỗi thì họ cũng cố tình né tránh sự thật đó, xin lỗi chỉ là động thái để thoát khỏi búa rìu dư luận mà thôi. Sự xin lỗi ấy không làm người ta yên lòng, bởi những hành vi mà họ vừa xin lỗi ấy có thể tái diễn bất kỳ lúc nào.

Đọc thêm