Chiến tranh đã kết thúc, quá khứ cũng đã khép nhưng nỗi đau mà thảm họa da cam để lại cho hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm thì vẫn dai dẳng, âm ỉ, không biết đến bao giờ nỗi đau này mới dứt?
|
Vợ chồng ông Vũ Văn Hằng chăm sóc những người con bại liệt. |
Nỗi đau thời hậu chiến
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Phòng có trên 17.0000 người tham gia hoạt động kháng chiến. Chiến tranh không còn nhưng hàng nghìn người đã ảnh hưởng cho những thế hệ sau sinh ra bị phơi nhiễm và nhiễm chất độc hóa học. Đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng có 216/223 xã, phường có nạn nhân phải chịu “thảm họa” do chiến tranh để lại, 31 gia đình có 2 con trở lên là nạn nhân chất độc da cam…
Ông Nguyễn Văn Quý – một trong 3 nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đầu tiên phát đơn kiện 37 Cty hóa chất Mỹ sau khi dự phiên tranh tụng tại tòa án lưu động phúc thẩm số 2 – LB Hoa Kỳ trở về đã không còn nữa. Ông ra đi và không được chứng kiến phán xét của phiên tòa lương tâm, nhưng nỗi đau còn ở lại. Vợ ông - bà Vũ Thị Loan - vẫn đang phải đối mặt với thực tại khắc nghiệt khi người con trai Nguyễn Quang Trung (SN 1988) đã bị teo hai chân, ngoẹo đầu, thiểu năng trí tuệ và cô con gái là Nguyễn Thị Nga, (SN1989) thì bị ngớ ngẩn, câm.., hoàn cảnh gia đình bà trở nên đau thương vô cùng!
|
Anh Nguyễn Mạnh Hùng dự thi môn Ném đẩy tại Asean Paragame 2003. |
Thứ chất độc vô hình kia cũng truyền sang những đứa con vô tội của ông Vũ Xuân Hằng (SN 1949) thôn Bắc Phong, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, gây cho gia đình ông những thiệt thòi, đau đớn không gì bù đắp được. Sau hơn 8 năm ăn lán, ngủ rừng, chiến đấu ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, ra quân, lập gia đình, ông sinh được 6 người con (4 trai, 2 gái) nhưng tất cả đều bị bại liệt. “Bom đạn không cướp nổi mạng sống của tôi. Những vết thương ngang dọc trên cơ thể tôi rồi cũng lành theo năm tháng. Thế nhưng còn những đứa trẻ đáng thương kia thì sao, chúng đâu có tội tình gì ?”- ông Hằng nói trong tuyệt vọng...
Không chịu được hình ảnh 2 trong 3 đứa con trai sinh ra đều bị tâm thần, đứa còn lại bị câm, teo tứ chi phải lê lết; ông Nguyễn Văn Mỹ (SN 1952) trú tại thôn Thủy Tú, xã Thủy Đường, Thủy Nguyên cũng trở thành... kẻ điên loạn vì sau bao nhiêu ngày đêm suy nghĩ cùng quẫn, bế tắc với số phận, ông bỏ nhà đi biền biệt. Bỏ lại sự đau thương cho cô em gái lỡ thì 50 tuổi cáng đáng, chịu đựng... Chỉ riêng 3 hoàn cảnh trên trong số hàng nghìn gia đình đang phải chịu đựng nỗi đau da cam, nỗi đau thời hậu chiến mà trong chúng ta ai cũng thấy xót xa, nỗi đau xuyên nhiều thế hệ...
Tắt niềm tin là mất tất cả!
Trong vòng xoáy ác nghiệt của hậu chiến tranh, không ít người đã kiên cường vượt qua nỗi đau tật nguyền để sống với một tinh thần “lành lặn”, khát khao vươn lên. Bất chấp những đau thương, thiệt thòi khắc nghiệt của chiến tranh để lại, họ vẫn kiên cường vượt lên số phận của mình để sống, để cống hiến, sống có ích..
|
Romeo và Juliet là một trong những bản nhạc mà anh Hùng yêu thích |
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1980, phường Lãm Hà, quận Kiến An) đã không có được cơ thể thể bình thường như người khác nhưng anh có một nghị lực sống cứng cỏi. Cha, mẹ anh cùng nhập ngũ từ năm 1965, đồng cam cộng khổ ở những nơi bom đạn ác liệt trong chiến trường Quảng Trị, Quảng Ngãi, Tây Ninh, họ đã may mắn để trở về nhưng đều bị nhiễm chất độc hóa học…Năm Hùng 16 tuổi, bố anh đã qua đời do một cơn bạo bệnh. Người anh trai của anh cũng chịu nhiều thiệt thòi, sinh ra đã bị mù, cùng với bệnh tật dày vò nên cũng qua đời sớm; người anh thứ hai thì bị câm, cuộc sống tật nguyền đã để những nỗi đau không thể kể hết…
Về phần mình, Hùng cũng không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhưng anh đã không đầu hàng số phận. Anh quyết tâm theo học Cao đẳng âm nhạc để giảm bớt đi được phần nào nỗi đau hiện tại mà anh đang gánh chịu. Âm nhạc giúp cho con người có niềm lạc quan, tin yêu vào lẽ sống. Trong quá trình học, anh từng “nếm trải” đủ thứ nghề trên đời như buôn bán, làm thuê đến biểu diễn đàn ở đám cưới, phòng trà... để đỡ đần người mẹ tần tảo một phần kinh tế.
Ngoài ra, anh cũng theo học Khóa trị liệu bấm huyệt, hiện, anh là chủ một cơ sở bấm huyệt, châm cứu. Cơ sở này đã tạo công ăn việc làm cho 8 người bạn cùng cảnh ngộ. Không chỉ dừng ở những hoạt động như vậy, anh còn là giảng viên tin học từ xa của Mái ấm Thiên Ân - mái ấm của các em khiếm thị cơ nhỡ, hiếu học cho độ tuổi từ 10 đến 16 tuổi, sống ở các vùng sâu vùng xa - tại TP. Hồ Chí Minh....
Chúng tôi đến nhà Hùng trong một ngày đầu thu, nhìn chiếc tủ kính của anh vô số bằng khen, cúp, huy chương từ các cuộc thi như Asean Paragame, thi tìm hiểu Pháp luật mới thấy nghị lực phi thường của con người này. Hùng đã chia sẻ với chúng tôi “Âm nhạc hàn gắn tâm hồn mình và hơn hết khi những ngón tay lướt trên bàn phím Piano, mình tự hào là chính mình. Trừ Đà Lạt và Cà Mau là 2 TP mình chưa có duyên được đến. Còn lại, nơi đâu cũng có dấu chân của mình. Để sống có ích hơn, mình liên lạc với Hội người khuyết tật của nhiều TP để giúp những người rơi vào hoàn cảnh tương tự, giúp họ có những kiến thức thông thường và quan trọng nhất có một niềm tin để sống. Ai cũng vậy thôi, tắt niềm tin là mất tất cả”…
Anh Phạm Thế Minh (SN 1975) ở xóm Nam Bình, xã An Hưng, huyện An Dương cũng chịu nhiều thiệt thòi do chiến tranh để lại. Bố anh bị nhiễm chất độc hóa học trong cuộc kháng chiến, hậu quả để lại cho anh là hai bàn chân bị teo từ khi sinh ra. Cuộc sống nghiệt ngã đã liên tiếp rơi vào gia đình anh, bố anh mất sớm sau một thời gian dài đổ bệnh. Mẹ anh đến nay sức khỏe cũng lay lắt vì bệnh tật…
Vượt qua những nỗi đau cùng sự giúp đỡ từ bạn bè, Minh tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ. Một thời gian sau, Minh đã mạnh dạn vay vốn mở Trung tâm ngoại ngữ - tin học hướng dẫn cho người cùng cảnh ngộ và người lao động ở khu công nghiệp Nomura. Năm 2009 và 2010, Minh đã tham gia cùng đoàn Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Việt Nam làm nhân chứng tại tòa án lương tâm nhân dân Thế giới tại Pari, Pháp và sang vận động dư luận tại 7 Bang nước Mỹ đấu tranh đòi công lý.
Thay lời kết
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi gặp mặt 4 nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong đoàn sang Mỹ để dự phiên tòa tranh tụng miệng vào ngày 5/6/2007 tại Hà Nội đã căn dặn: “Cần làm sao không những nói được trước tòa án, mà cả nói được với nhân dân Mỹ để họ lên án một trong những tội ác dã man nhất, vô nhân đạo nhất mà Quân đội Mỹ từng thực hiện với nhân dân ta... Không có lý gì mà Chính phủ Mỹ bồi thường cho người Mỹ là nạn nhân chất độc da cam mà không bồi thường cho nhân dân ta... Mỹ nhất định phải có trách nhiệm”. Đó là ý chí, niềm tin của nhân dân Việt Nam.
Lương tâm và Công lý sẽ chiến thắng!
Phương Thanh