Theo đó, từ ngày 4 - 9/5/2017, Bộ TN&MT đã triển khai Chương trình quan trắc để đánh giá lại hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Kết quả từ các chương trình quan trắc nêu trên cho thấy, chất lượng môi trường biển bao gồm nước biển và trầm tích biển tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh và khu vực bãi tắm, thể thao dưới nước. Các thông số gây ô nhiễm trong thời gian xảy ra sự cố là tổng phenol và sắt đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 10-MT:2015/BTNMT và thấp hơn rất nhiều so với kết quả quan trắc năm 2016.
Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn khuyến cáo ngư dân không đánh bắt hải sản vùng đáy ở 20 hải lý trở vào ở 4 tỉnh miền Trung bị sự cố môi trường do Formosa xả thải.
Trong thời điểm này, Bộ Y tế vẫn giữ nguyên khuyến cáo người dân không sử dụng các loại hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý cho đến khi có kết quả giám sát cuối cùng về chất lượng hải sản vùng đáy tại 4 tỉnh miền Trung.
Mặt khác, Tổng cục Thủy sản vẫn chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với cơ quan chuyên môn của 4 tỉnh nói trên tuần tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác, hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giúp phục hồi tái tạo các hệ sinh thái, nguồn lợi ven bờ sau sự cố.
Để tiếp tục theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ, Bộ TN&MT đề nghị UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ để giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.