Ông Nguyễn Trọng An |
Thưa ông, lại một lần nữa câu chuyện trẻ em bị xâm hại tính mạng, sức khỏe làm nóng dư luận xã hội. Có vẻ như vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em đang thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo?
- Đúng là như vậy. Chúng ta chưa hết đau lòng về cái chết của 5 đứa trẻ do sập hầm cát ở Đắk Lắk thì bây giờ lại càng đau đớn hơn khi nghe tin bé trai Đỗ Doãn Lộc 8 tuổi bị chính cha đẻ của mình dùng điếu cày đánh đập đến chấn thương sọ não, hôn mê sâu, tiên lượng nguy cơ tử vong đến 99%. Cá nhân tôi lại càng thấy buồn hơn khi biết rằng, bé Lộc từ nhỏ đã khao khát được sống trong vòng tay cha mẹ, nên dù sống quen và ổn định với gia đình người bác ở Hà Nội nhưng khi gặp lại bố, bé đã theo bố về nhà ở Bắc Ninh luôn. Đứa trẻ thèm tình cảm cha mẹ như vậy mà lại không may gặp phải người cha vũ phu, phi nhân tính, không đếm xỉa đến tình cha con, thật là thương cảm.
Qua vụ việc này và một số vụ xâm hại tính mạng, sức khỏe trẻ em khác nữa trong thời gian gần đây, tôi thấy đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nhẫn tâm của một bộ phận người lớn nói chung và các bậc cha mẹ nói riêng đối với trẻ em, đối với chính con em mình.
Với tư cách là chuyên gia đã từng làm việc lâu năm trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em, qua vụ việc này ông thấy có vấn đề gì cần lưu tâm?
- Theo thông tin từ chính những người họ hàng đang chăm sóc bé Lộc ở Bệnh viện Việt Đức thì từ ngày rời nhà bác về ở với bố, bé thường xuyên bị bố đáng mắng khi cáu giận, nhưng họ không thể can thiệp do mỗi lần đánh con, người bố đều khóa trái cổng không cho ai vào nhà. Tôi thấy đây không phải là lý do để người lớn có thể vin vào đó để bỏ qua sự an nguy tính mạng của một đứa trẻ.
Tôi tự hỏi, bé Lộc không chỉ bị đánh một lần mà trong cả thời gian dài, vậy chẳng lẽ họ hàng, láng giềng rồi chính quyền không có động thái gì quan tâm, can thiệp hay sao? Phải chăng họ e ngại chỉ vì một lý do duy nhất là “mỗi lần đánh con, người bố đều khóa trái cổng không cho ai vào nhà”.
Từ câu chuyện này, có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất là câu chuyện tình người, sự quan tâm lẫn nhau giữa con người với con người trong xã hội. Rất nhiều vụ bạo hành trẻ em đã và đang diễn ra trong sự thờ ơ, vô cảm dẫn đến vô trách nhiệm của người lớn. Mặt khác, mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng đã được gây dựng từ lâu nay trên khắp toàn quốc, nhưng có vẻ như tính hiệu quả của mạng lưới vẫn rất đáng lưu tâm.
Vấn đề thứ hai là chúng ta cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục cho các cặp vợ chồng kiến thức, kỹ năng làm bố, làm mẹ, tình thương yêu đối với con trẻ. Nếu hai vấn đề trên được giải quyết triệt để thì bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật, đây sẽ chính là điều kiện tiên quyết để cứu những đứa trẻ thoát khỏi bạo hành, sự đe dọa tính mạng.
Bộ luật Hình sự Việt Nam vừa tổng kết thực tiễn 12 năm thi hành và tới đây sẽ có những nội dung tiếp tục được sửa đổi, bổ sung. Nhiều quan điểm cho rằng cần thiết phải có mức án cao nhất cho các hành vi xâm hại trẻ em như hiếp dâm, giết hại… Ông có tán đồng quan điểm này không?
- Các vụ việc bạo hành trẻ em phần lớn xảy ra trong gia đình và đây cũng chính là bạo lực gia đình. Sau khi có Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì những hành vi bạo lực với trẻ em không phải đợi đến mức thương tích như quy định của pháp luật hình sự mới truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Tuy nhiên, khung hình phạt cũng chưa phải là cao và đủ tính răn đe đối với một số vụ việc cụ thể, nghiêm trọng.
Theo quan điểm cá nhân tôi, vụ bé Đỗ Doãn Lộc bị đánh đập hoàn toàn nằm trong tầm xử lý của luật pháp và nhất thiết phải xử thật nghiêm minh, có tính răn đe cao. Còn sau này khi sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự thì việc có nên đẩy hình phạt tội phạm đối với trẻ em lên mức án cao nhất hay không, lúc đó các chuyên gia sẽ cân nhắc, quyết định. Nhưng, dù gì thì điều tiên quyết là pháp luật phải thật nghiêm minh và mang tính răn đe cao, có thế mới mong trẻ em được bảo vệ an toàn trong chính ngôi nhà của mình.
Xin cảm ơn ông!