Cháu bé thiệt mạng vì nhặt tiền rải đường của đám ma

Từ chuyện cháu bé thiệt mạng nhiều người nghĩ nên bỏ tục lệ rắc tiền lẻ khi đưa đám ma.

Từ chuyện cháu bé thiệt mạng nhiều người nghĩ nên bỏ tục lệ rắc tiền lẻ khi đưa đám ma.

Hôm chủ nhật vừa rồi, thành viên Quangminhpro đã chia sẻ trên một diễn đàn ô tô xe máy thông tin về vụ tai nạn đau lòng ở Hà Nội được anh tận mắt chứng kiến. Sau khi xe tang đi qua và rải tiền 5000 đồng, cháu bé chừng 10 - 12 tuổi lao ra đường để nhặt. Không may, chiếc xe chở vật liệu xây dựng cuốn cháu vào gầm dẫn đến tử vong.

vvvv
Những hình ảnh rất phản cảm khi vứt tiền ở đám ma và sau đó bị nhiều người giẫm lên.


Việc trẻ con đua nhau ra nhặt tiền lẻ của đám ma bất chấp nguy hiểm cũng không phải là hiếm. Thành viên Peto của diễn đàn ôtôfun chia sẻ: "Hôm nọ tôi cũng suýt dính một vụ đoạn Phủ Lý - Đồng Văn (Hà Nam). Lúc ấy tôi đang mát tay ga tự nhiên thấy ba nhóc tầm 8 - 9 tuổi trèo qua dải phân cách lao sang phần đường bên này tranh nhau nhặt tiền rơi. Chắc có đám ma nào vừa đi trước rải tiền ra. Sợ quá!..".
 

Không nên rải bằng tiền thật

PGS.TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển) nhận xét: "Từ khi tôi nhận thức được thì đã có phong tục rải tiền khi đưa người chết về nơi an nghỉ cuối cùng, hay rắc tiền khi qua cầu vào ngày cưới. Người ta quan niệm làm như vậy thì sẽ may mắn và thuận buồm xuôi gió. Trong đời sống con người vẫn chấp nhận cái vô lý để có thể sống tốt đẹp hơn. Người ta làm việc đó để thấy yên tâm và thanh thản.

Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay người ta thường rải tiền thật trong những ngày hiếu hỉ. Có thể đó chỉ là những đồng tiền lẻ nhưng chúng ta nên thay bằng tiền âm phủ. Dân ta vẫn thường quan niệm rằng, người âm thì tiêu tiền âm. Hơn thế, những đồng tiền thật tuy có mệnh giá nhỏ nhưng cũng không nên ném đi ở đường như vậy.

Chúng có thể gây ra những hậu quả không lường được trước như trường hợp tai nạn đáng thương của cháu trai kể trên. Chúng ta nên tôn trọng đồng tiền quốc gia, vận động mọi người không nên vứt bỏ tiền".

Chuyện rải tiền lẻ khi đưa linh cữu ra nơi an nghỉ hay rải tiền qua cầu phà, ngã tư trong ngày cưới đang được người dân thực hiện như một biện pháp trấn an về mặt tâm lý.

Theo quan niệm, ném tiền khi qua cầu trong ngày cưới nhằm "đút lót" hà bá để họ cho qua sông êm đẹp. Còn ném tiền rải ra đường trong đám ma là để dẫn vong hồn người vừa chết theo đó quay về nhà.

Nhiều người đưa trẻ con đi chơi cũng rải tiền lẻ để tránh bị ma bắt vía. Họ quan niệm rằng, nếu không rải tiền thì con cái của họ sẽ bị ma quấy và sinh ra nhiều thứ bệnh tật, ốm đau. Thấy người tai nạn, nhiều người cũng vứt tiền lẻ.

Sau khi thành viên Quangminhpro chia sẻ câu chuyện tai nạn đau lòng được chứng kiến vụ tai nạn của cháu bé, hàng trăm thành viên khác đã chia buồn với gia đình. Đồng thời, họ cho rằng nên bỏ hành động vứt tiền trong dịp hiếu hỉ.

Đặc biệt, các cư dân mạng cực lực phản đối việc rải tiền thật. Thành viên Peta _us chia sẻ: "Tôi thấy là tập tục rồi thì cũng nên duy trì nhưng chỉ dừng lại ở việc rải vàng mã, muối, gạo và mật độ ít thôi là đủ. Sau này mới có kiểu rải tiền (mệnh giá nhỏ) ngày trước không có việc đó. Các cụ ăn còn không đủ thì làm sao có để rải tiền. Điều ấy chứng tỏ tập tục đã bị biến tướng ít nhiều.

Thành viên Chinhatm cũng cho rằng "Ngày xưa các cụ chỉ rải tiền âm phủ hoặc vàng mã mỗi khi qua sông, qua đò, để cho các loại thủy quái trấn giữ khúc sông ấy không bám theo quấy nhiễu người chết thôi. Gần đây, khi kinh tế phát triển, nhiều người không hiểu biết phong tục, cứ nghĩ thế nào thì làm thế rồi bắt chước nhau.

Việc rải tiền thật xuống đường hay rắc vàng mã suốt dọc đường là hệ quả của việc ấy". Một cư dân mạng khác rất bức xúc  "Đối với tiền âm phủ tôi thấy đây là hành vi xả rác ra đường cực kỳ phản cảm. Còn với tiền thật, đây là hành vi báng bổ đối với đồng tiền của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cần phải có biện pháp tuyên truyền giáo dục để dẹp bỏ hủ tục này".

Theo Người đưa tin

Đọc thêm