Chết cười với cái Tết đầu của những nàng dâu, chàng rể mới

(PLO) -Mổ cá ở lưng không bỏ ruột, chặt đứt đầu gà thay vì cắt tiết tạo ra món gà luộc ngoài hành tinh, nấu xôi cũng hỏng có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ của không ít cô dâu thành phố trong lần về đón cái Tết đầu tiên ở nhà chồng. Còn các chàng rể thì cũng “hụt hơi” không kém khi lần đầu tiên ra mắt họ hàng bên vợ.
Hình minh họa
Hình minh họa

Mổ cá đằng lưng!

Chị L.H (Bắc Ninh) giờ đã là một bà mẹ 2 con đủ nếp đủ tẻ với hơn chục năm làm dâu nhà chồng vẫn giật mình nếu ai tủm tỉm cười mỗi lúc chị chuẩn bị mâm cỗ Tết. Số là, chị sinh ra và lớn lên ở giữa thành phố Bắc Ninh, chưa từng tự nhặt vài cọng rau khi còn ở nhà với bố mẹ đẻ.

Lớn lên, chị chỉ biết đi học và học thì rất giỏi, rồi đi làm cũng chỉ là đi làm chứ bản thân chưa bao giờ phải tự lo bữa cơm hay rửa vài cái bát. Rồi chị quen chồng qua 1 buổi liên hoan tổng kết cuối năm của cơ quan.

Ngày anh dẫn chị về ra mắt bố mẹ anh ở cách thành phố chừng 20km, chị vui lắm, cả nhà lẫn bố mẹ anh đều thích chị và cũng không bắt chị làm gì cả. Đám cưới diễn ra tốt đẹp trong sự hoan hỉ của cả 2 bên nội ngoại. 

Do cưới xong gần Tết, cơ quan cả 2 bên cho chúng tôi được nghỉ luôn, Tết ra mới đi làm. Mọi việc tồi tệ bắt đầu xảy ra. Tối ngày trước Tết ông Công ông Táo, hai vợ chồng tay xách nách mang đồ về nhà chồng ăn Tết. Sáng 23 tháng Chạp, hai vợ chồng mở mắt ra đã thấy gần 8h nhưng bố mẹ chồng không nói gì, còn chuẩn bị sẵn cho đĩa bánh tẻ để ăn sáng. 

Ăn xong, chồng và mẹ đi có chút việc, mẹ chồng dặn bà đã làm cơm cúng ông Công Ông Táo xong, chỉ còn con cá chép bố chồng mới mang về nên bảo chị làm con cá, rán chín để ông ở nhà thắp hương cho đúng với phong tục.

Chị ngần ngừ nhưng cũng không dám nói là mình không biết làm cá. Bằng trí tưởng tượng và cả sự hỗ trợ của google, chị quyết tâm sẽ tự làm theo hướng dẫn mổ cá trong video. Hì hục cả tiếng đồng hồ tôi cũng đã đánh xong phần vảy cá và mổ bụng rồi rửa sạch.

Chỉ có 1 điều tôi thấy hơi lạ là trong video họ bảo bỏ ruột cá đi mà chị thì không thấy phần ruột cá đâu cả. Kệ, không có ruột thì càng đỡ cực chứ sao, chị tự an ủi rồi cho cá vào rán chín theo lời dặn của mẹ chồng, đặt lên đĩa và bê lên gác để bố chồng đặt lên bàn thờ thắp hương. 

Đến trưa hạ lễ, cả nhà ngồi vào mâm và vì món cá do tôi làm nên mọi người đều thử đầu tiên. Bố chồng, chồng, em chồng rồi đến mẹ chồng cùng ố, á liên tục khi dùng món cá làm chị cũng mắt tròn mắt dẹt không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Té ra, chị mổ cá đằng lưng nên ruột vẫn nằm chình ình giữa con cá. Khi ấy, bố mẹ chồng, chồng chị và cả cậu em chồng nữa, ai lịch sự thì cười tủm tỉm còn cậu em chồng thì cười như nắc nẻ làm chị xấu hổ. Hiện chị đã buộc mình học thành nàng dâu đảm nhưng giờ mỗi lúc chuẩn bị cơm Tết, ngó thấy ai tự dưng cười tủm tỉm, chị vẫn giật mình...

Hình minh họa
Hình minh họa

Gây ấn tượng bởi màn trình diễn “phê rượu”

Đi chúc Tết, chẳng mấy ai lại đi... tay không, nhất là những cặp vợ chồng mới cưới. Dâu rể mới lần đầu kiến diện quan viên hai họ mà đi tay không, với dăm ba câu chúc sức khỏe, e là chưa đủ “trọng lượng”.

Phải có chút gì cho phải phép. Đành rằng xách quà đến đâu cũng nghe cái câu cũ rích: “Các cháu bày vẽ làm gì, tình cảm với nhau là quý rồi!”. nhưng nay đã thành cái lệ, biết làm sao khác được. Thế là công việc lên danh sách quà mừng họ hàng đôi bên khiến các tân dâu rể phải vò đầu bứt tai. 

Chị H.H (Kiến An – Hải Phòng) tâm sự: Vợ chồng chị cưới vào thời điểm “năm cùng, tháng tận” và không thể quên năm đầu tiên ra mắt họ hàng hai bên. Gia đình chị sống ở Hải Phòng, trong khi nhà chồng ở tận miền Trung, như thế có nghĩa là vào dịp Tết, chúng tôi sẽ có một hành trình vô cùng dài để đi chúc Tết được cả hai nhà, mà nhất là dâu, rể mới, cần thiết phải đi chào họ hàng, làng xóm.

Ôi chao, hai vợ chồng được mẹ đưa cho một danh sách dài họ hàng, cô bác cần đến chúc Tết, chào hỏi và ra mắt để tránh thiếu sót. Dâu, rể mới lần đầu “diện kiến” họ hàng mà đi tay không, chúc sức khỏe dăm ba câu thì xem chừng không được nên lại phải chuẩn bị quà mừng cho từng nhà và đến nhà nào cũng “đính kèm” thêm vài cháu nhỏ. 

Đó là chưa kể, các chàng rể mới đi chúc Tết đầu năm không lẽ không làm vài chén rượu cho đỡ bị mang tiếng “mời không được dông cả năm”. Đi hết lượt, khối chàng say mềm. Anh L.T (Hưng Yên) lấy vợ miền núi. Trong cái Tết đầu tiên ở  nhà vợ, mặc dù đã xin phép không uống được nhiều, mặt mũi đỏ tưng bừng nhưng theo các chú bên vợ:

“Rượu bất khả ép, ép bất khả từ, từ từ rồi uống”, hết người này đến người kia trong họ nhà em giới thiệu nên anh bất đắc dĩ uống cạn từng chén. Bữa cơm còn chưa xong, anh đã phải vội vàng chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo.

Anh ngủ li bì mất hơn 4 tiếng, cơ thể nôn nao, choáng váng và gây ấn tượng bằng màn trình diễn “phê rượu” trước mặt họ hàng nhà vợ trong lần đầu đón Tết khiến đến giờ anh vẫn không thể quên được.

Đọc thêm