Chi bộn tiền… mua sự lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên quá lo lắng dẫn tới việc ngày nào cũng mua COVID-19 để xét nghiệm, cũng như mua thuốc điều trị tràn lan không theo chỉ định của bác sĩ. Do quá lo lắng, có người sáng, trưa, chiều, tối đều… test?!
Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân khi mua các sản phẩm test trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được Bộ cấp phép.
Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân khi mua các sản phẩm test trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng, đã được Bộ cấp phép.

Tâm lý đám đông “mua là được”

Liên tục nhiều ngày thấy số ca mắc tại Hà Nội tăng vọt cùng với tin tức bạn bè, người thân báo mắc COVID-19 khiến gia đình chị Linh Lê (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định có lên phương án dự phòng cho sức khỏe của cả nhà. Việc đầu tiên, chị chi 3 triệu đồng mua 50 que kit test nhanh với giá 60 nghìn/que.

Ngoài ra, chị Lê còn mua các loại thuốc và vitamin cho trẻ em và người lớn trong nhà. Số thuốc, thực phẩm chức năng hơn 20 loại với tổng số tiền trên 8 triệu đồng. Các loại chị chuẩn bị gồm xịt keo ong kháng khuẩn, kẽm, nước súc miệng, cồn, thuốc ho, thuốc nhỏ mắt, thuốc hạ sốt, bổ phế…

Chưa hết, chị mua 6 máy đo SpO2 cho 3 gia đình nội ngoại. Đồng thời chị còn mua máy tạo oxy cho 3 gia đình với 2 máy to, giá 9,5 triệu đồng/máy, và 1 máy nhỏ giá 4,5 triệu đồng. Tổng số tiền cho 3 thiết bị này hết 23,5 triệu đồng. Như vậy số tiền gia đình chị Lê chi ra để dự phòng thuốc và các thiết bị lên tới gần 40 triệu đồng.

Tương tự, dù gia đình chưa có người mắc COVID-19 nhưng chị Hồng Hải (Hà Nội) vẫn lo lắng khi nhìn số ca mắc của cả nước tăng từng ngày. Qua người quen thường bán hàng “xách tay” từ Nga về Việt Nam quảng cáo có thuốc phòng và chữa khỏi COVID-19, chị mua 3 hộp thuốc dự phòng (giá 550.000 đồng/hộp) và 2 hộp điều trị (3,5 triệu đồng/hộp).

Ngoài ra, chị còn chi hơn 2 triệu đồng mua kit test nhanh và số tiền không ít cho việc mua các loại C sủi, thuốc bổ tăng sức đề kháng… Bởi theo chị, giờ không ít bạn bè, đồng nghiệp của chị đều đã mắc Covid. Nhiều người không gọi được y tế phường, phải tự dựa vào bản thân để điều trị vì vậy tôi mua các thuốc, vật dụng để phòng.

Chị Ngọc Linh, một người bán online ở quận Hà Đông cho biết, các ngày qua thường xuyên nghe khách than thở chuyện tốn kém vì chi cho kit xét nghiệm. Có nhà 9 thành viên, một tuần test hai lần, phải chi tới 1,5 triệu đồng tiền que thử. Gần một tuần nay chị bán sản phẩm que test nhanh mẫu gộp, với giá 89.000 đồng một hộp 50 que. Các gia đình chỉ cần mua một bộ kit test và dùng thêm que này, tính ra mất chưa tới 100.000 đồng mỗi lần.

Theo Linh, cách dùng que lấy dịch mẫu gộp là bài toán kinh tế đang được nhiều cơ quan đoàn thể áp dụng, ngay cả cơ quan của cô. Khi bán cho khách, Linh gửi kèm video hướng dẫn thực hiện của bác sĩ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Chị Mai Anh ( Đống Đa - Hà Nội), nhà có con nhỏ nên ngày nào đi làm về vợ chồng chị cũng test. Do test liên tục nên chị bị đau mũi, vài hôm nay phải đổi từ ngoáy mũi sang lấy nước bọt. Mấy bữa nay trở lạnh, hai vợ chồng chị bị ho, mẹ chị không yên tâm còn bắt đi làm xét nghiệm PCR, mặc dù chị được mọi người khuyến cáo là nếu không có triệu chứng đặc biệt thì không nhất thiết phải test quá nhiều.

Chị cho biết, giá mỗi que test nhanh kháng nguyên COVID-19 dao động từ 80.000 đồng đến 95.000 đồng. Gần một tháng qua, chị đã chi khoảng chục triệu tiền mua bộ test nhanh. Khi hỏi chị mua test thì có để ý đến nhãn mác, ngày sản xuất và đã được Bộ Y tế cấp phép chưa? Chị thú thật là cũng không để ý, chỉ biết mua để test.

Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu, bộ kit test RapidFor xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ được bán với giá 85.000 đồng/bộ, bộ kit test Humasis COVID-19 Ag Home Test do Hàn Quốc sản xuất có giá 110.000 đồng/bộ. Tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity, 1 hộp kit test nhanh Humasis COVID-19 Ag Home Test (5 kit) được chào bán 525.000 đồng/hộp (tương ứng 105.000 đồng/bộ), 1 bộ kit test Biocredit COVID-19 Ag xuất xứ Hàn Quốc có giá 68.000 đồng/bộ (bán lẻ), nếu mua cả hộp được giảm giá xuống 65.000 đồng/bộ…

Lý giải giá bán kit test có sự chênh lệch, đại diện các cửa hàng kinh doanh thuốc có chung ý kiến, mức giá khác nhau giữa các cửa hàng phụ thuộc khá nhiều vào chi phí thuê mặt bằng kinh doanh. Ngoài ra cũng tùy thuộc vào số lượng hàng nhập. Cửa hàng nào nhập với số lượng lớn thì mức giá sẽ thấp hơn cửa hàng mua số lượng ít.

Bộ test nhanh COVID-19, không chỉ được bán tại các cửa hàng thuốc mà còn được đăng bán nhiều trên mạng xã hội, facebook, với nhiều chủng loại và giá khác nhau, cũng gây nhiều khó khăn cho người dân khi quyết định mua và sử dụng.

Người dân thực hành tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh.

Người dân thực hành tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể và đã đưa ra khuyến cáo người dân khi mua các sản phẩm test trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng. Mua sản phẩm thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành cũng như giấy phép nhập khẩu theo đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định; có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, vì lo lắng quá mức và tâm lý mua là được nên nhiều người cũng không kịp kiểm tra, xác minh. Từ đó cũng vô hình tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng trà trộn vào…

Sợ “hậu Covid”, nhưng lại tích cực mua “thuốc không chính thức”

Bác sỹ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Sanh Pôn Hà Nội) chia sẻ: Mọi người rất sợ hậu COVID-19, nhưng lại rất tích cực mua “thuốc không chính thức” vế uống, thậm chí uống một loạt thuốc để phòng. Đó là những thuốc xách tay Arbidol, Areplivir… “Từ tháng 4 năm 2021 đến nay, tôi phải tư vấn cho quá nhiều trường hợp mua và uống những thứ thuốc này. Nhiều người hỏi tôi cho có, rồi lại hỏi các bác sĩ khác, hỏi xong thì nghe theo bạn bè và người bán “thuốc giả” mách chứ không nghe tôi hay lời khuyên của bất cứ ai có chuyên môn”.

Арбидол là chữ tiếng Nga. Viết chữ Nga thì tôi tin chắc sẽ có rất nhiều người biết, nhưng khi viết tiếng Latin là Arbidol thì không mấy người biết, nhưng sự thực nó có nhiều trên các kệ thuốc ở Việt Nam với giá rẻ thôi. Nhưng có người đã phải mua 6 triệu một vỉ 10 viên.

Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn mua rất nhiều kể từ tháng Tư năm 2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát dữ dội. Sau đó đến các vùng nông thôn. Nông dân mua cực nhiều, họ mua tích trữ cho gia đình, cho cả vài thế hệ anh em cha chú, thỉnh thoảng bỏ ra uống như thần dược phòng bệnh COVID-19.

Ngày này, Bộ Y tế Nga chính thức loại Arbidol ra khỏi danh sách các thuốc điều trị COVID-19, ngay cả trường hợp Covid nhẹ điều trị tại nhà cũng không được khuyến cáo dùng thuốc này.

Chúng ta đã từng chống thuốc ung thư giả! Và vụ án VNPharma với thuốc ung thư giả, vẫn chưa khép lại, nhưng hôm nay lại có rất nhiều người uống “thuốc giả” điều trị COVID-19. Theo quy định của châu Âu và Mỹ về nhóm thuốc giả hàng đầu này là, thuốc chính hãng, nhưng bị ăn cắp bán lậu ra ngoài, hoặc bị xuất vào những quốc gia nhưng chưa được cấp phép, hoặc bằng cách dán nhãn sai để phù hợp cấp phép. Arbidol xách tay từ Nga cũng vậy. Tôi cho rằng thuốc có thể được sản xuất đúng từ hãng OTCPharm của Nga, nhưng ở Việt Nam không cấp phép, nên nó là thuốc lậu”.

Lực lượng QLTT kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế.

Lực lượng QLTT kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế.

COVID-19 như “đám cháy rừng”

Đám cháy chỉ tự dập khi đa số cây đã bén lửa, các biện pháp dùng nước dập thay thậm chí cả cơn mưa lớn, không thể nào đủ sức khống chế. Bác sỹ Phúc dự đoán, trong tháng Ba và tháng Tư biến thể Omicron sẽ thống trị, nếu xét nghiệm đầy đủ số ca nhiễm cả nước có thể lên tới 250.000 mỗi ngày, đỉnh dịch kéo dài khoảng 45 ngày, đến tháng Năm mới lắng dần xuống.Trong bối cảnh ấy, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiết hụt nghiêm trọng kit test xét nghiệm COVID-19, cả PCR lẫn test nhanh kháng nguyên.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phân tích: “Người dân không nên tích trữ que test nhanh. Vì không phải người nào cũng test, chỉ người có nguy cơ và triệu chứng mới thực hiện xét nghiệm tại nhà này. Ngoài ra, tích trữ gây thiếu hụt ảo khiến người cần thì không thể mua được, người không cần lại tích trong nhà”.

“Chiều tối hôm qua tôi đi 10 cửa hàng thuốc hỏi mua test nhanh, thì có tới 7 cửa hàng không còn, nếu có thì giá đều tăng hơn so với mặt bằng. Chúng ta đang sử dụng test nhanh rất lãng phí. Có những bệnh nhân theo dõi tại nhà, ngày test đến 3 lần sáng trưa chiều tối, hôm nào cũng test để xem vạch T nhạt hơn chưa và khi nào thì âm tính. Một người dương tính thì cả nhà đều test liên tục. Có triệu chứng test, không triệu chứng cũng test, thậm chí có gia đình chẳng ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì sợ hãi COVID-19”.

Với biến thể Omicron, nếu chúng ta cứ tiếp tục test tràn lan như hiện nay, không những rơi vào tình trạng khủng hoảng khan hiếm kit test, mà còn khủng hoảng trầm trọng tới nguồn nhân lực lao động. Bệnh viện sẽ không đủ người làm việc vì dương tính. Trường học sẽ thiếu giáo viên, các cơ quan công sở thiếu nhân viên, nhà máy sản xuất thiếu công nhân; nếu như quy định phải test để bóc tách ca dương tính cách li. Bệnh viện điều trị và cách li bệnh nhân COVID-19 sẽ quá tải.

Biến thể Omicron với sức lây nhiễm gấp 500% biến thể Delta, theo tôi, chẳng quốc gia nào đủ sức mạnh ngăn cản nổi nó. Nhưng biến thể Omicron cũng là cơ hội để các nước thoát khỏi đại dịch COVID-19. Bởi lẽ hầu hết ca nhiễm không có triệu chứng, hoặc triệu chứng thoáng qua, bệnh nhẹ không cần phải can thiệp y tế. Bệnh nhân chỉ cần theo dõi tại nhà, dùng thuốc hạ sốt khi có sốt cao trên 38,5 độ C trong những ngày đầu, hầu hết đều ổn định sau vài ngày. Công việc chẩn đoán và điều trị giao cho bác sĩ lâm sàng.

Nếu chúng ta cứ mắc kẹt trong cái bẫy mang tên “đại dịch COVID-19”, khi mà biến thể Omicron đang bắt đầu tấn công ồ ạt, thì chúng ta sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit test xét nghiệm, khủng hoảng nguồn nhân lực lao động, khủng hoảng về hệ thống y tế với nguy cơ đổ vỡ. Nên thay đổi quan niệm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng, bác sỹ Trần Văn Phúc khuyến cáo.

Đọc thêm