Nỗi sợ hãi thường trực của phụ nữ Việt
Ngày thường, người vợ vốn đã giữ trọng trách “tay hòm chìa khóa”, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chồng con. Tết đến, công việc lại càng nhiều hơn. Trong khi các ông chồng bận rộn, đi từ bàn tiệc tất niên này đến buổi họp tổng kết khác, người phụ nữ một tay chuẩn bị quà Tết, quét dọn nhà cửa, sắm sửa áo quần mới cho gia đình, chuẩn bị thực phẩm cho mấy ngày nghỉ… Bởi thế thay vì được nghỉ ngơi theo đúng nghĩa của từ “nghỉ Tết”, các chị em phụ nữ phải gồng mình lên để thực hiện thiên chức làm “vợ hiền dâu đảm” trong những ngày “cả năm mới có 1 lần” thế này.
Nhiều năm trở lại đây, lịch nghỉ tết cứ kéo dài cả tuần, có năm lên đến 9 ngày khiến chị em sốt xình xịch. Nguyên nhân không phải hào hứng mà là... sợ Tết. Ngoài những vấn đề liên quan đến việc đảo lộn sinh hoạt hàng ngày như chuyện học tập của con cái, người giúp việc rậm rịch đòi về quê, đòi thưởng Tết, họ hàng hai bên nhắc nhở chuyện lễ Tết về ngày nào, thăm ai, lương thưởng cho Tết có đủ “ấm” không... thì một điều khiến phụ nữ sợ Tết, đó chính là việc phải lăn ra làm cỗ ngày Tết.
Đã vài cái Tết trôi qua kể từ ngày chị Hương (Hà Nội) phải về quê chồng đón Tết ở Vĩnh Phúc. Tuy đường xá không quá xa xôi nhưng năm đầu tiên chị mang thai nên chuyến đón Tết năm nào ở nhà chồng cũng trở thành nỗi ám ảnh với chị. Anh chồng chị vốn là con trưởng lại còn độc đinh của dòng họ, mỗi dịp lễ Tết đều phải có mặt để làm lễ, rồi cả dòng họ quây quần lại ở nhà thờ Tổ, cũng là ngôi nhà mà bố mẹ chồng đang sống. Năm đầu tiên về, mặc dù đã được chồng động viên tinh thần là chỉ về chơi thôi, không cần phải làm gì cả nhưng chị Hương phát hoảng khi vừa bước đến cổng nhà đã thấy mọi người đang tất bật dựng rạp, các bà các cô trong họ thì tay dao tay thớt băm chặt thái từ ngoài cổng đi vào.
Mặc dù chồng bảo đi xa về cứ nghỉ ngơi nhưng nghĩ phận dâu mới, ai lại ru rú ở phòng trong khi các cô, các dì đang tất bật với ngổn ngang cỗ bàn thế kia. Thế là thay vội bộ quần áo ở nhà cho thoải mái, chị nhiệt tình ra giúp họ hàng nhặt rau đến... gù cả lưng, đứng dậy còn phải nhờ người dìu vì tê hết cả chân tay.
Hơn chục mâm cỗ vừa tàn, một đống bát đĩa lại ngổn ngang, ai cũng bận việc nhà nên dành lại phần rửa bát cho dâu mới, Hương và cô chị dâu đành phải giải quyết nốt hơn chục mâm bát. Đến khi xong xuôi, người Hương ê ẩm hết cả, bèn lên giường làm một giấc đến sáng quên cả tắm rửa.
“Phát sợ vì làm cỗ và rửa bát” cũng là lời chia sẻ rất thật của cô dâu mới 9X tên Dung trước cái Tết đầu tiên sắp trải qua ở nhà chồng. Giọng không tránh khỏi lo lắng, Dung tâm sự: “Em cứ nghĩ đến Tết mà không dám về. Quê chồng em lễ nghi cầu kỳ lắm. Ăn cỗ thì nhiều. Dù bố chồng không phải con trưởng nhưng lại là nhà duy nhất ở quê nên lúc nào cũng tập trung đông mọi người đến ăn. Chỉ hy vọng mọi sự sẽ suôn sẻ”.
Có thể đi du lịch để nghỉ Tết đúng nghĩa!
Nhiều chị em công sở than thở lịch nghỉ Tết quá dài, bởi mang tiếng nghỉ nhưng các chị em chẳng hề được nghỉ, thậm chí còn mệt mỏi hơn cả ngày thường. Cả năm làm lụng vất vả, có chút thưởng Tết để tiết kiệm thì lại phải chi tiêu quá nhiều, đi lại hai bên nội ngoại tốn kém, lại thêm phải thực hiện “bổn phận” cỗ bàn khiến nhiều chị em chả thiết tha gì Tết.
Chị Loan (nhân viên một công ty ở TP HCM) đã có năm “mạnh dạn” tổ chức cho cả nhà một kì nghỉ Tết tại Hội An (Đà Nẵng). Thay vì về quê như mọi năm, chị bàn với chồng “trốn” Tết bằng cách cả nhà sẽ đi du lịch đúng vào dịp Tết nguyên đán để có một kì nghỉ Tết đúng nghĩa. Quyết định của gia đình chị Thu khiến nhiều người nửa thèm thuồng, nửa chép miệng cho rằng hơi “ích kỉ” khi chỉ biết nghĩ đến mình.
Chị lý giải, bản thân đã về nhà chồng ăn Tết nhiều năm, bổn phận làm dâu con vẫn thực hiện cả 365 ngày chứ không chờ đến Tết mới thể hiện, nên chị hoàn toàn có thể quyết định được việc nghỉ Tết ở đâu. Hai bên gia đình cũng hơi buồn khi các cháu không về thăm nhưng ngay sau Tết thì cả nhà lái xe về thăm nên hai bên ông bà nội ngoại không trách cứ mà lại thông cảm vì “bọn trẻ giờ nó sống khác mình thời xưa”.
Hay như bà chủ xinh đẹp của một quán cà phê đông khách nhất nhì Hà Nội thậm chí còn “thích” Tết, coi “về nhà chồng là đi du lịch”. Chị Linh kể, nhà chồng chị ở TP Thanh Hóa, ngay ở vườn hoa trung tâm, bán nhà rồi nên cứ tầm 27-28 tháng Chạp âm lịch là cả gia đình chị về quê, thuê khách sạn ở, thăm thú đủ danh lam thắng cảnh, thưởng thức hết đặc sản xứ Thanh, chờ đến giao thừa đi ngắm pháo hoa, mùng 1 mùng 2 đi chúc Tết họ hàng, du xuân luôn. Vì thế, đối với chị, về quê chồng lúc nào cũng “sướng hơn đi du lịch”.
Chị Linh vui vẻ cho biết: “Chúc Tết họ hàng xong vợ chồng mình lái xe đưa con ra bãi biển Sầm Sơn, cách TP Thanh Hóa một đoạn, cả nhà mở tiệc tưng bừng, chụp ảnh, hò hét thoải mái trên bờ biển giữa mùa đông. Cảm giác cực kỳ thích thú và là trải nghiệm khiến mình thấy yêu Tết vô cùng. Và hạnh phúc nhất với mình là mấy ngày đầu xuân năm mới, không ai lôi ông xã đi đâu được cả, anh không phải chạy đi lo công việc, hay "bận bịu" đi nhậu nhẹt với bạn bè. Chồng ở bên cạnh mình và con gái 20/24, trừ lúc cà phê thuốc lá khi vợ con chưa ngủ dậy”.
Những cái Tết trọn vẹn nghỉ ngơi, không đầu bù tóc rối lăn lê bò toài để dọn dẹp, nấu nướng, chỉ có bình yên và hạnh phúc bên những người thân yêu trong gia đình được chị em rất chờ mong. Muốn vậy, các ông chồng đừng quẳng tất cả mọi việc cho vợ con. Mọi thành viên trong gia đình cùng chung tay chuẩn bị nhà cửa đón Tết sẽ vui và ấm áp hơn rất nhiều so với cảnh một bà vợ chiến đấu với cả căn nhà to vật, chợ búa, bếp núc, sắm sửa đồ đạc cho con cái, ông bà, họ hàng… Đừng cố gắng đón một cái tết trong tâm thế mệt nhoài chị em ạ, và chúc mọi gia đình đón Tết đoàn viên!