Năm 2020 giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người
Năm 2020 là một năm lao đao vì dịch Covid-19, tình hình việc làm của cả thế giới rơi vào khủng hoảng với mức tổn thất khoảng 81 triệu việc làm, hàng triệu người lao động bị yêu cầu cắt giảm thời giờ làm việc hoặc thậm chí là không làm giờ nào, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5,2% - 5,7%.
Nhưng, ở Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2021 ngày 11/1 thì tuy chịu sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực lớn, ước cả năm 2020 giải quyết việc làm khoảng 1,348 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019.
Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, thị trường lao động có sự chuyển biến tích cực; lực lượng lao động cả nước năm 2020 tuy giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song vẫn có xu hướng tăng trong cả giai đoạn.
Cũng liên quan mật thiết đến vấn đề việc làm, năm 2020, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Các nút thắt về phân luồng học sinh từ trung học cơ sở được tháo gỡ, làm thay đổi căn bản nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.
Kết quả, năm 2020 cả nước tuyển sinh khoảng 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, đạt mục tiêu đề ra.
Theo Bộ LĐTBXH, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên khoảng 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên khoảng 24,5% năm 2020.
Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.
Không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo
Báo cáo cũng cho thấy, các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp được đẩy mạnh thực hiện; chính sách BHXH, BHYT trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội.
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh, chỉ trong 2 năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần giai đoạn 10 năm trước đây và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Hệ thống BHXH đã thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhất là thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất.
|
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH hỏi thăm sức khoẻ người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công miền Trung tháng 7/2020 |
Trong giai đoạn 2016 – 2020, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được xây dựng và thực hiện tương đối toàn diện, đời sống người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên 1.624.000 đồng năm 2020.
Đến nay 99,7% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết dứt điểm, không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.
Thành tích giảm nghèo được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, đưa Việt Nam thành “một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới”.
An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống; đến nay có trên 3,1 triệu người, chiếm trên 3% dân số được hưởng trợ cấp thường xuyên…