Chỉ số PAPI 2020 có nhiều chuyển biến tích cực

(PLVN) - Bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI gốc cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia từng bước được cải thiện qua 10 năm từ 2011 đến 2020. Nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ trước (2011- 2016).

Sáng nay (14/4), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã công bố “Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam - PAPI 2020”, nhằm phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền trong cả nước.

Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2020.
Lễ công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam - PAPI 2020.

Hơn 14.700 người dân đã được phỏng vấn cho Báo cáo PAPI 2020. Đây là số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011.

Báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên tám chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử), cũng như điểm PAPI tổng hợp. 

Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú. Hơn 300 người di cư đã được khảo sát tại sáu tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, và Bình Dương).

Phát biểu khai mạc, bà Caitlin Wiesen - đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - cho rằng, Báo cáo được công bố đúng vào thời điểm Chính phủ bắt đầu một nhiệm kỳ mới, bởi vậy PAPI là thước đo quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động ở tám lĩnh vực quản trị và hành chính công.

Bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI gốc cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia từng bước được cải thiện qua 10 năm từ 2011 đến 2020. Nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ trước (2011- 2016).

Có tới 60 tỉnh, thành phố ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỉ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên dao động từ 0,1% đến 3,1% trong thời gian kể từ khi nghiên cứu PAPI bắt đầu theo dõi hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố năm 2011.

Những nỗ lực đó có thể đã và đang đóng góp cho sự thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, giữa hiệu quả quản trị công và hiệu quả ứng phó với dịch bệnh có mối tương quan với nhau. Hiệu quả huy động sự tham gia của người dân và nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong năm 2019 có thể tạo tác động tích cực tới khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19 ở Việt Nam.

Năm 2020 cũng là năm thứ năm liên tiếp hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tiếp tục được người dân ghi nhận có bước chuyển biến tích cực, nhờ đó niềm tin đối với chính quyền các cấp cũng tăng lên.

Nguồn: UNDP.
Nguồn: UNDP. 

Theo Chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, có tới 9 trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kiểm soát sáu loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức là các tỉnh miền Trung và phía Nam; 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền so với kết quả năm 2019.

Ngoài ra, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là 5 tỉnh dẫn đầu  ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức.

Tuy nhiên nhiều người vẫn phản ánh hiện trạng nhận hối lộ và trúng tuyển vào các vị trí trong chính quyền nhờ thân quen với người có chức, có quyền. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

Nguồn: UNDP.
 Nguồn: UNDP.

TS. Đặng Hoàng Giang (nhóm nghiên cứu PAPI) nhận định, chỉ số tổng hợp PAPI đóng vai trò như một “tấm gương” để từng địa phương “soi chiếu” chung về hiệu quả công tác điều hành và cung ứng dịch vụ công trong năm qua.

TS. Giang cũng cho rằng, không có tỉnh, thành phố nào có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở toàn bộ tám chỉ số nội dung PAPI năm 2020. Phần lớn các tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất tập trung ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các tỉnh trong nhóm thấp nhất tập trung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kết quả phân tích nhóm câu hỏi bầu cử giả định cho thấy nhiều cử tri có xu hướng bầu chọn nam ứng cử viên vào các vị trí dân bầu, nhất là vị trí trưởng thôn thôn/tổ trưởng tổ dân phố. Bà Cailtin Wiesen nhận định rằng đây là một vấn đề nan giải vì các chức danh trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố đóng vai trò lớn trong việc huy động sự tham gia của người dân và làm cầu nối giữa người dân với Nhà nước.

Theo Bảng tổng hợp Chỉ số PAPI 2020, Đồng Tháp thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số cao nhất, với 46.97 điểm – đứng thứ 2 cả nước (sau Quảng Ninh với 48.811 điểm), tăng 0.25 điểm so với năm 2019. Với kết quả này, Đồng Tháp tiếp tục duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Chỉ số PAPI của Đồng Tháp năm 2020
Chỉ số PAPI của Đồng Tháp năm 2020

Trong 08 chỉ số thành phần của PAPI 2020, Đồng Tháp có 06 chỉ số được xếp vào nhóm cao nhất gồm: Công khai, minh bạch trong việc ra các quyết định (5.91 điểm); Trách nhiệm giải trình với người dân (5.14 điểm); Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (8.12 điểm); Thủ tục hành chính công (7.78 điểm); Cung ứng dịch vụ công (7.49 điểm); Quản trị môi trường (5.2). Riêng chỉ số Quản trị môi trường, Đồng Tháp dẫn đầu cả nước.

Đọc thêm