Những vụ án như thế này đa phần đều bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội nhưng không được giải quyết triệt để và thấu đáo, dẫn đến những mâu thuẫn nhỏ trở thành lớn, rồi để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Bị bắt vì chi tiết thuận tay trái
Công an tỉnh Gia Lai đang tạm giữ hình sự đối tượng Lưu Tấn Thành (SN 1964, ngụ làng Ktu, xã Glar, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) để điều tra về hành vi giết người. Đối tượng này bị lực lượng công an bắt giữ sau gần 48 giờ dùng dao sát hại “đối thủ” trong làm ăn, buôn bán.
Theo điều tra ban đầu, khoảng 20h30 ngày 21/11, ông Trương Bá Sơn (SN 1971, chủ quán tạp hóa tại làng Dur, xã Glar) đang ngồi ở ghế sô pha trong phòng khách thì bị một đối tượng lẻn vào nhà dùng dao đâm trúng ngực rồi bỏ chạy. Nạn nhân đuổi theo đối tượng ra đến cổng thì gục ngã, tử vong.
Nhận được tin báo, lực lượng công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tra vụ việc. Quá trình khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện ở lề đường bê tông cách nhà nạn nhân khoảng 30m có một con dao bầu (dạng dao phóng lợn) dài 29cm, nghi là hung khí gây án.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân bị một vết đâm thấu ngực, đứt cung trước xương sườn số 3 trái, rách phổi, chết do mất máu cấp.
Trích xuất camera ở nhà nạn nhân, lực lượng công an phát hiện một đối tượng nghi vấn. Tuy nhiên, hình ảnh mờ, rất khó nhận dạng, chỉ xác định đối tượng dáng cao, gầy, mặc quần jeans, áo khoác, đội mũ trùm đầu. Các điều tra viên cũng gặp không ít khó khăn khi xác định mối quan hệ, mâu thuẫn của nạn nhân vì ông Sơn làm nghề buôn bán, có tiếp xúc, quen biết nhiều người trong làng.
Con dao bầu là hung khí Thành dùng để gây án. |
Qua điều tra, lực lượng công an phát hiện cách nhà ông Sơn chừng 500m cũng có một quán hàng do Lưu Tấn Thành (SN 1964) mở bán 2 năm nay. Hơn một ngày sau khi xảy ra vụ án, quán này đóng cửa, người dân xung quanh không biết chủ quán đi đâu.
Qua xác minh, các điều tra viên biết được người này hiện đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Khi làm việc với công an, Thành khai vào thời điểm ông Sơn bị sát hại, y uống rượu và ngủ ở nhà nên cũng không biết chuyện gì xảy ra. Sáng hôm sau, khi vào vườn cà phê để lấy củi thì bị choáng, ngất xỉu nên được người nhà (ở xã A Dơk, huyện Đắk Đoa) đưa đến bệnh viện điều trị.
Tuy nhiên, Thành ở một mình nên cơ quan điều tra khó xác định được lời khai. Nhận thấy nhiều dấu hiệu bất minh trong lời khai của Thành nên cơ quan công an tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ. Không bỏ qua bất cứ chi tiết nào, các điều tra viên phát hiện trong hình ảnh trích xuất từ camera, tay trái nghi phạm đang cầm vật gì đó ở phía sau, nhiều khả năng là người thuận tay trái.
Qua tiếp xúc, các điều tra viên quan sát thấy Thành cũng thuận tay trái. Kiểm tra số đồ đạc của y khi đến bệnh viện, phát hiện chiếc quần jeans có một lỗ thủng ở túi quần sau bên trái, cơ quan điều tra nhận định có thể do vết cắt của đầu nhọn con dao bầu. Ngoài ra, dáng người Thành giống với hình ảnh do camera ghi lại.
Chi tiết thuận tay trái tố cáo tội ác của Thành. |
Từ đây, các điều tra viên tập trung vào hướng điều tra này. Dù vậy, Thành vẫn ngoan cố không chịu thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trước những lập luận sắc bén của các điều tra viên, lời khai của Thành ngày càng bộc lộ nhiều mâu thuẫn. Biết không thể chối tội, vào 20h ngày 23/11, Thành đã cúi đầu khai nhận mình chính là hung thủ giết hại ông Sơn.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, vì mâu thuẫn trong làm ăn, buôn bán, vào khoảng 19h30 ngày 21/11, sau khi uống rượu ở nhà, Thành nảy sinh ý định tìm ông Sơn để trả thù. Đối tượng lấy một con dao bầu, trùm mũ che kín đầu, đeo khẩu trang đi bộ đến nhà ông Sơn. Sau khi đi lòng vòng quanh nhà để chờ cơ hội, đến khoảng 20h30 cùng ngày, thấy ông Sơn đang xem ti vi ở phòng khách, lưng quay ra cửa chính, Thành lẻn đến đâm một nhát chí mạng vào ngực nạn nhân rồi tẩu thoát.
Do mâu thuẫn nhỏ nhưng không được giải quyết triệt để
Theo Trung tá, TS. Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm học (Học viện Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an), trong cuộc sống, dường như ai cũng có những chuyện khúc mắc này, kia. Với người có hiểu biết, họ ứng xử khác. Nhưng rơi vào trường hợp những người kém hiểu biết, có thể họ sẽ lựa chọn cách thức ứng xử để lại hậu quả nặng nề. Với nhiều trường hợp, khi tâm lý trả thù lấn át lý trí, họ thường hành động theo bản năng chứ không tính toán đến hậu quả do việc họ làm.
Thời gian qua, xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống nhưng chỉ vì người trong cuộc thiếu kiềm chế, hành xử kiểu côn đồ… nên đã để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đánh đổi bằng cả mạng người.
Trung tá Lan cho rằng, đa phần các vụ án đều bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội nhưng không được giải quyết triệt để và thấu đáo, dẫn đến những mâu thuẫn nhỏ trở thành lớn. Bên cạnh đó, còn do những xử sự chưa đúng mực từ phía nạn nhân, đã làm nảy sinh ý định trả thù bằng mọi giá từ phía đối tượng nhằm giải tỏa bức xúc.
Ở góc độ nghiên cứu, Trung tá Lan cũng đã đề xuất nhiều giải pháp mang tính dài hạn như: đề cao công tác giáo dục, tuyên truyền về pháp luật, đào tạo kỹ năng sống… Bên cạnh đó là các giải pháp mạnh, kiên quyết, triệt để như xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.
“Các vụ án chưa thể chấm dứt khi trong cuộc sống, con người ta vẫn thiên về lợi ích vật chất, nghĩa là khi con người bị vật chất làm mờ mắt thì nguy cơ tiềm ẩn tội phạm xảy ra bất cứ lúc nào. Bản thân môi trường gia đình, môi trường xã hội là một trong những tác nhân ảnh hưởng rất lớn đến mỗi người. Vì thế, tất cả mọi biến động, hành xử, thay đổi khác thường của thành viên trong gia đình cần được giám sát chặt chẽ. Cần thiết phải có sự liên hệ với những người liên quan, thậm chí cơ quan chức năng, không nên bao che, giấu diếm. Tôi nghĩ đây cũng là giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thời điểm hiện nay”, Trung tá Lan cho biết.
Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn chung chung, chưa cụ thể. Công tác rà soát, phát hiện những mâu thuẫn trong các gia đình, thôn, khu dân cư chưa được chú trọng để hòa giải, xử lý, giải quyết triệt để nhằm khống chế mâu thuẫn phát sinh và gia tăng dẫn đến xung đột, giết người.
Thiết nghĩ, lực lượng chức năng và các đơn vị, cấp, ngành liên quan cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng giúp quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với những tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Lực lượng công an các xã, phường, thị trấn cần bám sát địa bàn, sâu sát với quần chúng nhân dân để thực hiện tốt công tác quản lý cư trú, kịp thời phát hiện, giải quyết mâu thuẫn để ngăn chặn những nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, sử dụng bạo lực, cố gắng không để xảy ra các vụ giết người xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ.