Chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân “kinh tế”?

(PLO) - “Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ có một chương riêng quy định về nguyên tắc xử lý hình sự pháp nhân, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân; các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân…”. 
Đề xuất trên đây được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, đại diện Ban soạn thảo Bộ luật lý giải: “Quy định này đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm và những đòi hỏi của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…”.
Tại Hội thảo “Một số định hướng cơ bản của Dự án Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức vào ngày 24-25/3 vừa qua, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho hay, trước mắt, Dự thảo BLHS (sửa đổi) xác định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân áp dụng với các pháp nhân là tổ chức kinh tế có hành vi phạm tội và cũng chỉ áp dụng đối với 15 tội danh thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố. 
Tới đây, doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường
 sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Áp dụng “chế tài kép”
Hệ thống các chế tài xử lý hình sự đối với pháp nhân phạm tội bao gồm: hình phạt chính (phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn); hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền…) và các biện pháp tư pháp.
Ủng hộ đề xuất này, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho hay, trên thực tế, nhiều pháp nhân đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự. 
Trong một số trường hợp, Nhà nước có xem xét xử lý hình sự chỉ đối với một số cá nhân có liên quan. Việc xử lý này bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu hiệu quả, không đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa công dân - pháp nhân trước pháp luật, chưa đủ mức răn đe đối với pháp nhân, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả xử lý vi phạm pháp luật, đến việc giải quyết bồi thường…
Việc áp dụng thủ tục hình sự để xử lý vi phạm của pháp nhân là hợp lý nhằm xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của xã hội, của người bị thiệt hại.
Tuy nhiên, ông Độ cũng lưu ý, pháp nhân phải chịu TNHS thông qua hành vi phạm tội của thể nhân, khi thể nhân thực hiện hành vi nhân danh pháp nhân, thay mặt pháp nhân… Việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân không loại trừ TNHS của cá nhân đã thực hiện hành vi cấu thành tội phạm cụ thể…
Tức là, nếu người lãnh đạo, người đại diện của pháp nhân đã thực hiện một tội phạm vì lợi ích hay trong khuôn khổ của pháp nhân thì cả pháp nhân và người lãnh đạo, người đại diện đó phải chịu TNHS về cùng tội phạm đó.
Chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân “kinh tế”
Không đồng tình với quan điểm này, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn thì cho rằng, cá nhân có trách nhiệm trong pháp nhân đã bị truy cứu TNHS. Nay lại truy cứu TNHS đối với cả pháp nhân thì có nghĩa là truy cứu TNHS hai lần, mà lỗi thì không phải của pháp nhân mà thuộc về cá nhân trong pháp nhân. Mặt khác, phải cân nhắc xem phương án truy cứu TNHS đối với pháp nhân có khả thi không, có giải quyết được tình hình hay lại làm phức tạp hơn, có đúng nguyên tắc cá thể hóa hình phạt không?
Cùng băn khoăn này, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đặt câu hỏi, thủ tục tố tụng đối với pháp nhân sẽ như thế nào? Nếu truy cứu TNHS pháp nhân thì cũng chỉ có thể phạt tiền hoặc giải thể pháp nhân chứ không thể phạt tù được. Nó có khác gì so với xử phạt hành chính? Nên chăng chỉ đề cập đến “trách nhiệm bồi thường trong hình sự của pháp nhân” (chứ không phải là “truy cứu TNHS đối với pháp nhân”? 
Trung tướng Trần Văn Độ phân tích thêm, với điều kiện kinh tế - xã hội và tổ chức nhà nước ta thì hiện chỉ nên coi chủ thể TNHS là pháp nhân kinh tế (thương mại) để đảm bảo tính khả thi trong xử lý. Trong Luật cũng phải quy định cụ thể các loại tội mà pháp nhân chịu TNHS. 
Phạm vi của các tội này phải tương đồng với hoạt động của chủ thể là pháp nhân kinh tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tính phổ biến và nhu cầu phòng ngừa tội phạm, đơn cử như: các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm an toàn công cộng, xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Đọc thêm