Đã thành thông lệ, bao giờ mức chi ngân sách cũng vượt chỉ tiêu Quốc hội đã ấn nút thông qua. Cũng giống như việc tinh giản đội ngũ cán bộ, càng bóp chặt càng phình to, “nơi nào giảm thì giảm chứ ở chỗ chúng tôi thì không”, ngân sách là thứ mà được “phân bổ”, nơi nào càng “tranh thủ” được nhiều thì sự “cống hiến” của những người “xin” ngân sách ở nơi đó càng lớn.
Đặc biệt, sự lãng phí trong sử dụng ngân sách thì chẳng có lĩnh vực nào sánh được. Mua sắm tài sản công là một cơ hội để phung phí, từ cái rất nhỏ như dụng cụ văn phòng đến cái rất lớn như các dự án “quả đấm thép” đều tạo ra những “lỗ hổng” thâm thủng khổng lồ cho cái túi ngân khố quốc gia. Ví dụ như việc mua sắm xe công cứ tưởng là siết chặt lắm nhưng chỉ một năm vừa qua thôi đã xuất hiện hàng chục ngàn xe công mới với hàng chục ngàn tỷ đổ vào đó.
Vừa rồi, một đại biểu Quốc hội đưa ra một minh chứng, cứ dịp hội nghị quốc tế nào đó lại sắm xe sang, dùng được vài ngày lại thanh lý với giá rẻ cho những “đối tượng” ưu tiên là cán bộ. Thu nhập cán bộ ở đấy mà ra chứ ở đâu, cái đó người ta gọi là “hút máu ngân sách” chứ không phải là “bú bầu sữa” ngân sách nữa!
Dư luận bất bình, phàn nàn về chuyện khuôn viên trường học, bệnh viện, công viên bị xâu xé, cho thuê hoặc “đất vàng”làm quán bia, nơi giữ xe.
Đó chỉ là chuyện rất nhỏ so với việc quản lý đất đai bị buông lỏng, không chỉ rất béo bở với giới kinh doanh địa ốc mà với cả những người có thẩm quyền quản lý. Một tỉnh miền núi như Hòa Bình mà cũng để “thất thoát” đến vài trăm tỷ trong lĩnh vực quản lý đất đai (báo cáo của Thanh tra Nhà nước).
Ngân sách bị biến thành bãi cỏ hoang hay đống sắt rỉ trong các dự án “nghìn tỷ” “đắp chiếu” đã là cái việc “vĩ mô” ai cũng biết nhưng “vi mô” như sắm thiết bị y tế đắt gấp cả chục lần rồi cũng “đắp chiếu”, lọ thuốc đặc trị 10 triệu, nâng giá thành 40 triệu vẫn là “đúng pháp luật” thì là một nỗi đau lòng cho một thái độ phi nhân tính.
Ngân sách bị thâm thủng vào các việc như sắm tài sản công gây nên mất thăng bằng cán cân cho các khoản an sinh xã hội. Sự ưu việt của chế độ thể hiện trong hai lĩnh vực giáo dục và y tế, ngân sách được đổ vào đấy nhưng tại sao người bệnh vẫn khốn đốn, giáo viên và học sinh vẫn kêu ca. Chỉ cần một lần Kiểm toán Nhà nước làm cho thật công tâm thì câu trả lời xác đáng sẽ có ngay.
Cử tri kỳ vọng là trước khi bấm nút, các đại biểu Quốc hội hãy làm sáng tỏ những sai trái, lãng phí trong sử dụng ngân sách, có địa chỉ cụ thể và xử lý các cá nhân gây ra thất thoát và cái thất thoát đó chảy vào túi ai. Đó mới thực sự là làm tròn chức năng giám sát của mình!