Chia sẻ để nhân đôi hạnh phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cuộc sống gia đình muốn hạnh phúc luôn cần có sự sẻ chia. Thấu hiểu, vị tha và bao dung cho nhau là tiền đề nhân đôi hạnh phúc gia đình.
Cha mẹ cần chia sẻ thấu hiểu con cái hơn là việc quản lý con dựa trên “uy quyền người lớn”.
Cha mẹ cần chia sẻ thấu hiểu con cái hơn là việc quản lý con dựa trên “uy quyền người lớn”.

Chia sẻ là tiền đề của hạnh phúc

Ông bà xưa có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Câu tục ngữ có ý dạy rằng, việc xây dựng và gìn giữ một gia đình cần có sự chung tay góp sức của người chồng và người vợ. Chính sự yêu thương, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau bằng những hành động thiết thực là yếu tố quan trọng góp phần làm cho cuộc sống hôn nhân được thăng hoa.

Tròn 10 năm về chung một nhà, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Phong và chị Lê Thị Huyền (Bình Thuận), luôn chọn 2 chữ “vị tha” để hóa giải tất cả mâu thuẫn trong gia đình. Chị Huyền cho biết: “Cuộc sống hôn nhân không tránh khỏi những lúc bất đồng ý kiến, khi đó mỗi người cần phải bớt lời, sau đó ngồi lại phân tích hoặc nhắn tin điều đúng sai để hiểu nhau hơn. Vợ chồng tôi cũng thường xuyên tạo những sự bất ngờ nho nhỏ cho nhau. Có thể đơn giản như nấu một món ngon mà chồng/vợ yêu thích, tặng quà…”.

Anh Phong, chị Huyền là cán bộ công chức, nhưng có tấm lòng rộng lượng với những người thiếu may mắn trong xã hội, khi thành lập nhóm “Mái nhà đồng cảm sẻ chia”. Hiện nhóm đang giúp đỡ hàng tháng cho 30 người già có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tân Xuân. Đặc biệt trong những chuyến đi này, anh chị luôn cho 2 con theo cùng để dạy các bé cách ứng xử, san sẻ yêu thương với mọi người.

Chia sẻ là bức thông điệp yêu thương bày tỏ nỗi niềm để người thân hiểu rõ, hiểu sâu, hiểu kỹ những vấn đề vướng mắc, những trăn trở, băn khoăn, những gì cần giúp đỡ, hợp tác, giải tỏa, giải quyết tháo gỡ bức xúc trì trệ, ách tắc. Chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ khó khăn, thiếu thốn, những hẫng hụt về tình cảm, về vật chất cũng trở nên cần thiết với các thành viên trong gia đình.

Theo một nghiên cứu tâm lý, điều các cặp đôi rất dễ bỏ sót trong cuộc sống hôn nhân khái niệm “chia sẻ ý nghĩ chung”. Hôn nhân thành công không chỉ là việc nuôi lớn các con, trang trải chi tiêu sinh hoạt và đảm bảo những công việc khác. Đó còn là nỗ lực xây dựng một mối quan hệ ý nghĩa cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, có những cách thức gắn kết khác nhau thể hiện nỗ lực xây đắp tổ ấm, bằng việc chia sẻ, đầu tư thời gian để xích lại gần hơn, tạo nên những kết nối mật thiết và bền chặt giữa hai vợ chồng.

Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn, tiếng nói. Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn.

Có nhiều cặp vợ chồng đến bên nhau với những ấn tượng tốt đẹp thuở ban đầu nhưng rồi lại ngỡ ngàng nhận ra tình yêu năm nào đã không còn đủ lớn để duy trì hạnh phúc hiện tại. Họ dễ so sánh, khó chịu về nhau cho dù là những khuyết điểm nhỏ nhặt. Họ dần hiếm dành thời gian thân mật, lãng mạn cho nhau, đặc biệt khi các con ra đời. Dường như lúc này, mỗi người trong hai nửa hôn nhân sẽ dần giảm đi sự tập trung vun đắp gia đình bé nhỏ của họ. Thay vào đó, công việc hay dự án cá nhân dần khiến cho những dự định cho một tương lai chung của hai người trở nên… bị bỏ ngỏ.

Vợ chồng chia sẻ cùng nhau giảm thiểu vấn nạn bạo hành.

Vợ chồng chia sẻ cùng nhau giảm thiểu vấn nạn bạo hành.

Xây dựng hạnh phúc bền vững

Sự chia sẻ thấu hiểu giữa vợ chồng còn giảm các mâu thuẫn gia đình, vấn nạn bạo hành phụ nữ. Theo các báo cáo của các tổ chức trong và ngoài nước, 58% phụ nữ Việt Nam là nạn nhân của bạo lực gia đình, 3,6% phụ nữ tin rằng đàn ông là chủ gia đình. Một tỷ lệ lớn cho rằng chồng có quyền đánh để dạy vợ. Với tính gia trưởng, nam giới tự cho mình có quyền “dạy vợ”, đòi hỏi vợ con phục vụ, thực hiện những yêu cầu của mình. Người phụ nữ với vị thế lệ thuộc, phải phục tùng, làm theo. Nếu trái ý hoặc chậm trễ họ có thể bị người chồng đối xử thô bạo, xúc phạm nhân phẩm.

Bà Lê Thị Thanh Nhã – chuyên gia nghiên cứu về văn hóa gia đình, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm: “Phụ nữ Việt Nam giờ đây không chỉ bó hẹp trong gia đình nữa mà họ còn tham gia các hoạt động xã hội, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng. Vì thế cần thay đổi định kiến về giới để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới chia sẻ, thấu hiểu và cùng làm việc nhà. Ở một số nước phát triển, bên cạnh việc tôn vinh người phụ nữ, truyền thông còn cổ súy rất nhiều cho vai trò của người đàn ông trong gia đình. Những chương trình vào bếp cùng người nổi tiếng, những diễn đàn đưa người cha về với trái tim gia đình rất được yêu thích, ủng hộ. Cho dù bữa ăn hôm nay có hơi mặn, ngọt, chua, cay thì hãy khoan chê trách sự vụng về của chồng, thay vào đó là một lời động viên và thái độ vui vẻ đón nhận vì những thay đổi tích cực của một nửa yêu thương”.

Sự cởi mở trong giao tiếp gia đình chính là nhịp cầu nối những yêu thương và xây dựng nên tòa lâu đài hạnh phúc. Nếu không có sự sẻ chia, trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến những khép kín tâm tư, đóng cửa tâm hồn, tạo ra sự cách biệt vợ chồng, cách biệt giữa các thế hệ ở chung một mái nhà. Đó thực sự là những bế tắc, bức bách trong cuộc sống gia đình và là mầm mống cho những hiểu lầm, mâu thuẫn xung khắc, hiện tượng này cha ông ta đã có câu thành ngữ rất chí lý: “Đồng sàng dị mộng”. Người trong một nhà nằm chung một giường nhưng tâm tư, ý nghĩ, tình cảm lại rẽ về hai phía, lại xa cách một cách khủng khiếp. Cái hố sâu ngăn cách tình cảm ấy không dễ gì san lấp, xóa nhòa được. Chỉ có sự sẻ chia mới thoát ra khỏi cảnh “đồng sàng dị mộng”.

Sự chia sẻ của gia đình còn là thấu hiểu, chia sẻ cùng con cái. Mới đây, việc người vợ của một nghệ sĩ công khai hình ảnh riêng tư của con trai lên mạng xã hội đã gây ra những tranh luận trái chiều. Nhiều người cho rằng, người mẹ này đã không khéo léo trong cách dạy con, chưa chia sẻ với câu chuyện của con.

Trong quá trình giáo dục, giữa cha mẹ và con cái thường không tìm được tiếng nói chung. Những cuộc tranh cãi xảy ra sẽ đẩy hai bên về các phía đối lập. Và kết thúc của mọi cuộc tranh cãi luôn là sự thất bại bởi dù ai có thắng thì cũng sẽ làm người kia tổn thương. Trẻ con luôn luôn muốn được thỏa mãn cảm xúc của chúng nhưng cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng nếu đi quá giới hạn sẽ nhận kết quả không như ý. Tuy nhiên, để trẻ hiểu được giới hạn thì cha mẹ cần áp dụng nhiều biện pháp và phải hết sức khéo léo để vẫn tạo cảm xúc tốt cho trẻ nhưng cũng không để trẻ đi quá giới hạn. Muốn vậy, cha mẹ hãy nỗ lực tạo ra một bầu không khí hòa đồng, yêu thương, nơi chỉ có những cử chỉ và ngôn từ đẹp, chứ không phải là một không gian căng thẳng, đầy rẫy những tiếng la hét. Đó không phải là sự nhu nhược mà đó là sự kiềm chế một cách có khoa học nhằm đạt được mục đích tích cực trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Giáo dục con cái chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Trong thời đại phát triển của xã hội như ngày nay, trẻ con bị ảnh hưởng bởi những tác động từ môi trường bên ngoài rất nhiều. Những tác động đó dù tích cực hay tiêu cực cũng hình thành nên tính cách trẻ. Trẻ con như tờ giấy trắng và cha mẹ là người thầy đầu tiên. Hãy viết lên tờ giấy đó những điều tốt đẹp bằng chính những lời nói và hành động của mình. Cha mẹ hãy đối xử với con công bằng, thấu hiểu và chia sẻ cùng con như những người bạn chứ không phải bằng sự “uy quyền” của người lớn.

Để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, bố mẹ hãy kiên nhẫn và chủ động đến tâm sự về những chuyện vui buồn hay bất cứ chuyện gì làm thay đổi tâm trạng của con. Bố mẹ cũng nên chia sẻ với con về những niềm vui mỗi ngày hay ngay cả khi công việc gặp khó khăn. Hãy tạo thói quen chia sẻ cùng con như hai người bạn nói chuyện với nhau chứ không nên tạo áp lực bắt con phải kể chuyện của con cho bố mẹ nghe, như vậy sẽ tạo cho con cảm thấy rất phiền.

Không cố gắng ép con kể chuyện khi con chưa muốn thay vào đó hãy nói với con rằng: Hãy chia sẻ với bố mẹ khi con đã sẵn sàng nhé, nếu cần sự trợ giúp từ bố mẹ thì hãy cứ chia sẻ với bố mẹ.

Chia sẻ là tiền đề cho hạnh phúc gia đình, là cơ sở để xây dựng xã hội tốt đẹp.

Đọc thêm