Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả vùng ĐBSCL

(PLVN) - Ngày 28 - 29/9, tại Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thi "Người nuôi tôm giỏi Vùng đồng bằng sông Cửu Long". Đây là Hội thi có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thủy sản trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, người nuôi tôm vùng ĐBSCL.

Hội thi "Người nuôi tôm giỏi Vùng đồng bằng sông Cửu Long" (ĐBSCL) có 50 thí sinh đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và trên 200 đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT); Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp, Hiệp hội và người nuôi tôm tại các địa phương.

Đồng thời, đây là sân chơi bổ ích để các thí sinh - những người nông dân đang trực tiếp nuôi tôm thể hiện sự am hiểu khoa học kỹ thuật, nắm bắt các quy định của pháp luật và các yêu cầu công nghệ, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm từ sản xuất thực tiễn, để qua đó, tiếp tục áp dụng đạt hiệu quả cao hơn nữa vào thực tế sản xuất tại hộ gia đình, đơn vị.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, phát biểu tại Hội thi.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi, phát biểu tại Hội thi.

Phát biểu tại Hội thi, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết: “Trong những năm gần đây, ngành thủy sản nói chung và ngành nuôi tôm nói riêng đã có những đổi mới mọi mặt từ nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu...

Trong đó, vai trò của khoa học công nghệ ngày một rõ nét, góp phần đắc lực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao.

Đồng thời, Hội thi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của nhà nước, các kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn trong nghề nuôi tôm; Tuyên dương, động viên, khuyến khích nông dân tích cực tìm hiểu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm tốt để phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hội thi còn góp phần tạo sân chơi thật bổ ích và ý nghĩa để nông dân các tỉnh Vùng ĐBSCL có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau và khuyến khích sự quan tâm của các ban ngành, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với ngành nuôi tôm Việt Nam”.

“Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu quan tâm hơn nữa đối với những vấn đề đặt ra đối với ngành nuôi tôm và thông qua Hội thi này để tôn vinh những người, những doanh nghiệp, những hộ gia đình, cá nhân, những người nông dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi tôm đạt năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng cao và bền vững, khẳng định được thương hiệu tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế” - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ.

Hội thi là để chia sẻ kinh nghiệm để phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững Vùng ĐBSCL.

Hội thi là để chia sẻ kinh nghiệm để phát triển nghề nuôi tôm hiệu quả, bền vững Vùng ĐBSCL.

Tại Hội thi, ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Những năm gần đây, nghề nuôi tôm của cả nước nói chung và của tỉnh Bạc Liêu nói riêng ngày một phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng nhưng đồng thời cũng đang nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khó lường, giá tôm bấp bênh, môi trường trong nuôi trồng thủy sản ngày càng bị suy thoái, dẫn đến bệnh thủy sản xảy ra và có chiều hướng gia tăng tại Vùng ĐBSCL,…”.

Theo Ban tổ chức, Hội thi này rất hay và rất bổ ích, tạo điều kiện cho nông dân được giao lưu, thảo luận cùng nhau, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đánh giá đúng những hạn chế, tồn tại để cùng giải quyết, đề ra giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của nghề nuôi tôm, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, phổ biến cách làm hay, triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm phát triển sản xuất ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân nuôi tôm Vùng ĐBSCL.

Hội thi với nhiều tiểu phẩm đặc sắc, hấp dẫn, hài hước…

Hội thi với nhiều tiểu phẩm đặc sắc, hấp dẫn, hài hước…

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thứ 3, bên trái) và ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu (thứ 5, bên trái) trao 02 giải Khuyến khích cho tập thể đội Trà Vinh, Bến Tre; giải Ba thuộc về đội Cà Mau; giải Nhì thuộc về đội Sóc Trăng và giải Nhất thuộc về đội Bạc Liêu.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thứ 3, bên trái) và ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu (thứ 5, bên trái) trao 02 giải Khuyến khích cho tập thể đội Trà Vinh, Bến Tre; giải Ba thuộc về đội Cà Mau; giải Nhì thuộc về đội Sóc Trăng và giải Nhất thuộc về đội Bạc Liêu.

Hội thi diễn ra với các phần thi: Thi kiến thức cá nhân, thi kiến thức đồng đội, thi chào hỏi. Mỗi đội đã lựa chọn những nông dân tiêu biểu, có nhiều kinh nghiệm sản xuất và đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nuôi tôm thành công, đạt năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Qua đó, các đội đã bám sát chủ đề của Hội thi, kết quả trả lời các phần thi tương đối tốt, đặc biệt với nhiều tiểu phẩm đặc sắc, hấp dẫn, hài hước…

Trải qua 3 vòng thi tranh tài gây cấn, Ban tổ chức Hội thi đã trao 2 giải Khuyến khích cho tập thể đội Trà Vinh, Bến Tre; giải ba thuộc về đội Cà Mau; giải Nhì thuộc về đội Sóc Trăng và giải Nhất thuộc về đội Bạc Liêu./.