Chia sẻ nỗi đau phía bờ biển Tiến Thủy

(PLVN) - Con tàu ấy ra đi như bao nhiêu lần khác, như bao nhiêu năm và bao nhiêu đời người dân nơi đây vẫn từng dựa vào biển mà kiếm sống, mà nuôi lớn những đứa con... 19 người đàn ông trên con tàu ấy cùng nhau ra khơi, 9 người trở về còn lại ra đi mãi mãi. Những người mẹ, người vợ, người con và người thân ở quê nhà gần 10 ngày nay nỗi đau vẫn nguyên vẹn!… 
Đoàn công tác trao quà động viên cho gia đình ngư dân Nguyễn Văn Hòa

Con chưa ra đời đã không biết mặt cha 

Chúng tôi cùng đoàn công tác do Thiếu tướng, nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân, Cục phó Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Bộ Công an dẫn đầu đại diện cho Hội đồng hương báo chí Nghệ An tại Hà Nội có mặt tại xã ven biển Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu để mong xoa dịu bớt nỗi đau, làm vơi bớt đi chút nào đó sự lãnh lẽo, hẫng hụt trong những ngôi nhà từ đây vắng bóng người chồng, người cha.  

Chị Ngô Thị Thương, vợ  ngư dân Nguyễn Ngọc Tân (hiện đang mất tích) dù sắp đến ngày sinh nở nhưng đau đớn, suy sụp trước di ảnh chồng. Kể từ ngày chồng chị, anh Nguyễn Ngọc Tân gặp nạn ngoài biển, nỗi đau dường như lắng lại và dồn nén trong lòng. Chị nhớ lại quãng thời gian mới hơn tuần lễ đây, khi 2 vợ chồng và con cái bên nhau, còn vui vẻ, sum vầy, vì chuyến đi biển lần này anh về là đón thành viên mới gia đình nào ngờ… ngày con gái ra đời sẽ không được biết mặt cha.

Tất cả bỗng chốc chỉ còn là quá khứ. Khoảng chiều ngày 28/6, có người chạy đến báo “tàu cá bị tàu hàng đâm, anh Tân và nhiều người mất tích rồi”! Tôi như người ngủ mơ, không tin. “Tôi làm răng mà tin được, không có lý do chi để anh phải chết cả, chắc có nhầm lẫn chi đó, nếu có chuyện gì, anh cũng bơi giỏi lắm, kiểu chi anh cùng bám được gì đó chờ người đến cứu. Nhưng đến khi nghe anh Dũng và anh Tuyến cùng đi trên tàu anh Tân trở về, lúc đó tôi mới dám tin là anh chết thật rồi”, chị Thương bật khóc kể lại.

Đoàn thắp hương và trao quà chia sẻ với gia đình ngư dân Nguyễn Ngọc Tân. Hiện chị Ngô Thị Thương, vợ anh tân đang có thai và sắp đến ngày sinh nở

Trong ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, vết nứt chằng chịt, không khí tang thương vẫn còn bao trùm, mùi khói nhang lẫn tiếng khóc đau đớn đến xót xa “một lúc mà mẹ mất đi cả con lẫn cháu ra ri thì làm răng mẹ sống được đây, con ơi, con về rồi nhưng cháu mẹ đang nằm ở mô ngoài biển khơi, sao thằng Phong không về hở trời”, bà Nguyễn Thị Dụ (80 tuổi) gọi tên con, tên cháu trong tuyệt vọng.

Tai nạn kinh hoàng trong vụ tàu hàng đâm tàu cá vừa qua khiến gia đình bà Dụ phải chịu nỗi đau quá lớn. Bà không chỉ mất con mà mất luôn đứa cháu trai 17 tuổi, Nguyễn Như Phong. Nỗi đau ấy quá lớn khiến chị Thái Thị Lý, vợ nạn nhân Nguyễn Như Hòa (nạn nhân duy nhất tìm được thi thể) ngồi như hóa đá.

Gia đình anh chị có truyền thống đi biển. Từ đời ông, đời cha đã ra khơi kiếm sống nhưng cũng chỉ đủ ăn. Vì thương cha mẹ, nên học xong lớp 9, Phong quyết định nghỉ học theo cha đi biển, để làm quen với sóng gió, để biết cái nghề nuôi sống gia đình mình suốt hàng chục năm qua và cũng để phụ giúp, san sẻ gánh nặng kinh tế gia đình vì sau Phong còn có 2 em gái sinh đôi. Chị Lý không ngờ có ngày mình lại đi đón chồng về không phải tại cửa biển lạch Quèn đông vui nhộn nhịp, không phải cùng với cá tôm và nhìn thấy nụ cười của chồng và con sau những ngày  dãi dầu sóng gió, mà chỉ còn là một thi hài lãnh lẽo.

“May mà vẫn còn tìm được xác anh đưa về. Còn cháu Phong đến giờ chưa biết ở mô, day dứt lắm, xót xa lắm, giữa biển khơi không thấy bờ như rứa, thì biết làm răng mà tìm được con đây”, chị Lý đau đớn gọi tên con, tên chồng. Chúng tôi, và những người trong đoàn đến thăm, ai cũng không kìm được lòng.

Các con ơi, về đi!

Tiến Thủy là một xã ven biển, có truyền thống đi biển đánh bắt xa bờ từ lâu đời. Cái nghề đi biển, bao nhiêu người sống nhờ biển, và cũng nhiều người đã chết ngoài biển. Nhưng chưa bao giờ một lúc lấy đi nhiều sinh mạng dân biển đến thế. “Giờ đây, tàu thuyền to hơn, các phương tiện cứu hộ cũng đầy đủ hơn, hơn nữa lại đang là mùa gió yên biển lặng vậy mà, nào ngờ…”, ông Hồ Minh Thắng, bố của thuyền trưởng Hồ Bá Lâm nấc nghẹn.

Trước đó, vào năm 2017, thuyền trưởng Hồ Bá Lâm và 14 người khác, chủ yếu là anh em, làng xóm cùng chung tay góp vốn và vay thêm ngân hàng để đóng được chiếc chiếc tàu lớn, tốn hơn 14 tỉ đồng. Ông Thắng đau đớn kể lại: Ngày 25/6, thằng Lâm cùng với 18 ngư dân khác ra khơi đánh cá, đến chiều 28/6 thì ở quê nhà, nhận được tin dữ báo về. Bây giờ tai họa đã rơi xuống, gia đình tôi không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận. Con tôi ra đi khi còn quá trẻ, bỏ lại vợ và 3 đưa con thơ. Dù biết cơ hội sống sót, trở về với người thân là chuyện không tưởng nhưng chỉ tôi chỉ mong được ra Hải Phòng nhận con, đón con về và nhìn con lần cuối không thì cả đời này day dứt lắm, đau xót lắm”, ông Thắng mắt đỏ hoe. 

Cũng như ông Thắng, những người bố, người mẹ của những thuyền viên đang mất tích trong vụ tàu cá NA95899 bị tàu hàng Pacific thuộc Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Quốc tế giờ đây dù đã tắt mọi hi vọng về việc con họ sống sót, nhưng với học mong ước duy nhất lúc này là tìm thấy được thi thể các con, đó con về dù là thi hài lạnh lẽo.

Tại các gia đình nạn nhân những ngày này, hầu như không ngớt người vào ra, họ là người thân, là hàng xóm thân cận nhưng khi tiếp xúc, trò chuyện với chúng tôi ai cũng đau đáu “tai nạn là điều không ai mong muốn, những giờ đây dân Tiến Thủy chúng tôi, chỉ mong là các cơ quan chức năng bằng mọi giá tìm được 9 người còn nằm dưới đáy biển”.

Thay mặt cho những người trong đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, trao món quà động viên cho từng gia đình, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái chia sẻ “món quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của những người con Nghệ An xã quê đến với các gia đình, mong muốn những người thân trong những đình đang có người mất tích sớm ổn định tâm lý, vượt qua được nỗi đau và tin tưởng vào sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm 9 thuyền viên đang mất tích. 

Đoàn đã trực tiếp đến thăm hỏi, chia sẻ gia đình ông Trần Đình Niệm tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn có vợ là bà Nguyễn Thị Hoa thiệt mạng trong lúc tiếp tế cho lực lượng cháy rừng tại nam Kim, Nam Đàn vừa qua

Ông Nguyễn Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu đã bày tỏ sự cảm kích trước hoạt động đầy ý nghĩa của đoàn đã về tận nơi chia sẻ nỗi đau mất mát của địa phương “Những đau đớn, mất mát của những gia đình có người mất tích trong vụ tai nạn kinh hoàng vừa qua không có gì đong đếm được nhưng việc làm của những người con xứ Nghệ xa quê đã góp phần xoa dịu bớt những nỗi đau cho người thân của những thuyền viên đang mất tích. 

Vào ngày 6/7, Thiếu tướng, nhà báo, nhà văn Nguyễn Hồng Thái – Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân, Cục phó Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Bộ Công an dẫn đầu đại diện cho Hội đồng hương báo chí Nghệ An tại Hà Nội đã về chia sẻ và trao quà cho 9 gia đình có người tử vong và mất tích trong vụ chìm tàu và gia đình có người thiệt mạng trong vụ cháy rừng tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn với số tiền 40 triệu đồng. Tham gia cùng đoàn, đại diện Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh cũng đã ủng hộ, chia sẻ với các gia đình với số tiền 50 triệu đồng.

Hiện công tác tìm kiếm 9 thuyền viên mất tích tại khu vực biển cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 34 hải lý về hướng Nam vẫn đang được các lực lượng chức năng tích cực tham gia. Ngoài tàu 926, 704 của hải đoàn 128, tàu TC-69 của Quân cảng Sài Gòn; tàu SAR-411,SAR-273 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 1; tàu Pacific 01 thuộc Cổ Công ty CP vận tải thương mại quốc tế còn có robot lặn của lực lượng Hải quân tàu Tân cảng 63 cùng tham gia thực hiện tìm kiếm.

Đọc thêm