Chia sẻ trái phép hình ảnh trẻ em: Cần xử lý nghiêm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tên tuổi, hình ảnh, thông tin đời tư của các em nhỏ trong vụ việc ở Tịnh thất Bồng Lai được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Đây là hành vi xâm phạm quyền trẻ em, cần phải bị xử lý nghiêm.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lan tràn thông tin trái phép trên mạng

Những ngày vừa qua, hàng ngàn tài khoản trên mạng xã hội đã chia sẻ sự việc liên quan đến tổ chức Tịnh thất Bồng Lai, trong đó, hình ảnh các em nhỏ được đăng tải nhiều, lộ rõ mặt mũi, công khai tên tuổi. Xuất phát từ tin “Công an khám xét Tịnh thất Bồng Lai”, đồng thời có “kết quả xét nghiệm ADN”, cộng đồng mạng đã tung ra những đồn đoán xoay quanh sự việc này.

Một văn bản được lan truyền trên mạng, được gán cho xuất xứ từ kết luận xét nghiệm ADN của cơ quan điều tra, cho thấy mối quan hệ rắc rối của những nhân vật sống trong tịnh thất này. Có những người còn vẽ “sơ đồ phả hệ” cho thấy, người đứng đầu tịnh thất đã có mối quan hệ trái luân thường đạo lý ra sao, sinh ra những đứa trẻ “vừa là con vừa là cháu như thế nào”. Cùng với thông tin rõ ràng về tên tuổi, năm sinh, những hình ảnh chụp rõ ràng mặt mũi của các cháu nhỏ được mệnh danh “chú tiểu” tại Tịnh thất Bồng Lai cũng lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Nhiều kênh Youtube được dịp câu view, cắt ghép hình ảnh các em nhỏ để làm các clip phát trên kênh. Trong các clip này không chỉ khai thác thông tin sâu về đời tư các em mà còn bịa ra những câu chuyện rợn người, lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng về cha mẹ những đứa trẻ.

Trước những hành vi này, nhiều người lo lắng các em nhỏ bị ảnh hưởng tâm lý trong hiện tại và cả tương lai. Không ít cá nhân đã đứng ra kêu gọi ngưng chia sẻ, phát tán hình ảnh các em và báo cáo đến hệ thống các mạng xã hội để gỡ bỏ những hình ảnh nói trên.

Cấp thiết cần có biện pháp bảo vệ trẻ

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, việc các em nhỏ bị lộ thông tin, hình ảnh như trên sẽ để lại những hậu quả, di chứng về lâu về dài cho các em.

“Trong các em nhỏ bị chia sẻ thông tin, hình ảnh có những em còn sơ sinh, có em đã có nhận thức, đến tuổi đi học, giao tiếp với bạn bè. Thời điểm hiện tại, một khi trở thành đối tượng bị cả cộng đồng mạng săm soi, chia sẻ, bàn tán, các em nếu lỡ đọc phải sẽ thấy tổn thương về tâm lý. Không chỉ thế, sau này các em đến trường sẽ bị xa lánh, bàn tán, bị xấu hổ.

Chưa kể đến mạng xã hội đã lan truyền thông tin thì những thông tin ấy còn mãi. Bây giờ nếu các em chưa trực tiếp đọc được thì sau này các em cũng sẽ biết, sẽ thấy khi đến tuổi có thể dùng smartphone, mạng xã hội.

Các em sẽ nghĩ như thế nào, sẽ sốc, chấn thương tâm lý ra sao khi thấy hình ảnh, tên tuổi của mình gắn với những thông tin tiêu cực như thế, chúng ta có thể hình dung được. Những điều này rất dễ đẩy các em vào những nỗi đau về tinh thần, mặc cảm với cuộc đời, từ đó đi đến suy nghĩ, nhận thức sai lệch, thậm chí làm thay đổi cả tương lai của các em”, chuyên gia Lê Thị Minh Nga trăn trở.

Từ đó cho thấy, việc nhanh chóng gỡ bỏ thông tin các em nhỏ trong vụ Tịnh thất Bồng Lai là hết sức cấp thiết. Hiện, thông tin bao gồm các hình ảnh, clip về các em, các thông tin đồn đoán, sơ đồ phả hệ đang lan tràn đầy, để gỡ bỏ triệt để không phải là việc dễ dàng, nhưng nhất định phải làm để bảo vệ các em khỏi những tác động tiêu cực, theo bà Nga.

Về vấn đề này, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH đã đề nghị cần có biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Theo đó, Cục Trẻ em đã có công văn gửi Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT đề nghị kiểm tra, xử lý các tài khoản, fanpage chia sẻ hình ảnh trẻ em trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai”.

Cục Trẻ em đề nghị Cục An toàn thông tin có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của Luật Trẻ em và các nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Cục Trẻ em cũng đã gửi kèm theo một số trang Facebook có dấu hiệu vi phạm quyền trẻ em khi công khai thông tin, hình ảnh của trẻ em tại “Tịnh thất Bồng Lai”. Nhiều cơ quan quản lý khác cũng đã đưa ra phát ngôn về sự việc nhằm góp tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc ngăn chặn các hành vi phát tán trái phép thông tin các em nhỏ.

Việt Nam đã tham gia Công ước về quyền trẻ em từ rất sớm và vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được đặc biệt nhấn mạnh trong Công ước để các quốc gia thành viên chuyển hóa vào nội luật. Luật Trẻ em cùng Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có đầy đủ các quy định về việc bảo vệ quyền trẻ em trong đó có bảo vệ quyền nhân thân về hình ảnh và tên tuổi của trẻ em.

Do đó, việc chia sẻ hình ảnh trẻ em, kiếm tiền từ thông tin giật gân về trẻ em là vi phạm pháp luật cũng như vi phạm nghiêm trọng về đạo đức. Những hành vi nói trên cần được xử lý nghiêm để làm gương và răn đe, quan trọng nhất là giúp bảo vệ các em nhỏ khỏi những hành vi trái pháp luật đã, đang và có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

Đọc thêm