(PLO) - Có vẻ như đã qua cái thời cha mẹ gả con gái là mất con, những cô con dâu thời hiện đại đã chia một cái tết công bằng hơn cho cả hai.
Thỏa thuận trước cưới
Văn Thành là trai Bắc còn Thanh Tâm lại là gái miền Tây. Cả hai đều vào Sài Gòn lập nghiệp, quen nhau rồi yêu nhau. Tuy nhiên điều kiện cưới của Thanh Tâm với Văn Thành là phải đồng ý một năm ăn tết nhà nội, một năm ăn tết nhà ngoại.
Thanh Tâm bảo: “Em con một, cha mẹ cả năm chỉ trông con về tết, giờ lấy chồng xong bố mẹ vĩnh viễn lủi thủi đón giao thừa một mình thì tội quá. Chả nhẽ bố mẹ nuôi bao năm ăn học xong gả chồng là mất con. Điều kiện của em đơn giản thế mà không chịu thì em ở giá, khỏi lấy chồng”. Chiều lòng người yêu trẻ, đẹp nên Văn Thành cũng đồng ý điều kiện này.
Thế là cứ tết nhà nội, tết nhà ngoại diễn ra 4 năm nay. Nhờ thống nhất từ đầu nên vợ chồng Thanh Tâm không gặp cảnh “đại chiến” trước tết như nhiều vợ chồng trẻ khác. Nghe bạn bè kể mà cô phát hoảng khi biết có những đôi cãi nhau xong vợ xách túi về nhà mẹ đẻ ăn tết còn chồng cũng đi thẳng về nhà nội ăn tết, thậm chí có những đôi viết cả đơn ly hôn chỉ vì chuyện không thỏa thuận nổi chuyện ăn tết nhà nào.
Tuy nhiên trong câu chuyện “chia tết” này thì gánh nặng lại dành cho chồng cô. Thực sự khi gật đầu Văn Thành không lường trước sự phản đối của họ nhà anh. Năm thứ hai, anh về miền Tây ăn tết mà rát cả tai nghe cha mẹ, anh chị trách móc vì tội quá chiều vợ. Thậm chí ông anh họ còn cạnh khóe anh “bám váy vợ”, “vợ ho một cái là són ra quần”. Cái tết đó chẳng lấy gì làm vui vẻ nhưng vì lời hứa Văn Thành vẫn phải cố gắng. Nghĩ đi nghĩ lại thì cha mẹ nào cũng là cha mẹ, nếu cứ nghĩ cha mẹ vợ là cha mẹ mình thì mọi chuyện cũng chẳng có gì là nặng nề.
Lấy chồng xa nên chẳng thể vẹn toàn
Cả Mai Linh và Hùng Anh đều xuất thân từ vùng quê xa xôi và lập nghiệp ở thủ đô. Người ở vùng núi Hà Tĩnh, người cũng tận vùng sâu Yên Bái. Hai quê cách nhau tới gần 600km lại ngược đường nên phải thay đổi mấy tuyến xe mới về tới nhà nên chuyện đi lại mấy ngày tết của vợ chồng Linh quá vất. Xe khách thì nhồi nhét nên chỉ cần về tết một quê cũng đủ ác mộng.
Khi Linh có bầu và con nhỏ nên việc chạy hai quê trong tết là quá khổ. Thường thì vợ chồng cô sẽ về tết nhà ngoại tầm 27, 29 tết lại bắt xe về nhà nội ăn tết cho kịp 30 và đón giao thừa nhà nội. Có năm ôm cô con gái nhỏ chưa đầy năm nhồi nhét trên mấy chuyến ô tô đi quần quật cả ngày đến mức con bé phát sốt mà hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Thương con 10, tủi phận lấy chồng xa cũng 7-8 phần, nước mắt Linh cứ thế tuôn không kìm được.
Không thể tái diễn mãi cảnh này, cô bàn với chồng hay mỗi năm ăn tết một quê chứ thế này thì khổ quá. Chồng cô tuy là con út nhưng là trai miền trung nổi tiếng gia trưởng nên đã nổi khùng với vợ. Dù cô có nhẹ nhàng phân tích tới thể hiện thái độ ra mặt thì Hùng Anh vẫn nói không. Nhà anh có tới 3 anh em trai nhưng anh bảo cô làm dâu thì phải về nhà chồng ăn tết, cả năm có mấy ngày tết, cấm bàn cãi. Trong cơn uất ức, Linh bảo: “Con em không thể ăn tết như đi đầy thế này được. Anh là con út còn có 2 anh trai ở gần bố mẹ, nhà em neo người có mình em. Anh không thể bỏ bố mẹ anh thì em cũng không thể bỏ bố mẹ em”.
Cuộc tranh luận từ nảy lửa chuyển sang thành chiến tranh lạnh tới cả tuần. Cuối cùng vì thương con Hùng Anh cũng “xuống nước” đồng ý một năm ăn tết nhà nội và một năm nhà ngoại.
Kết
Thấy cảnh chồng ăn tết ở nhà ngoại mà cứ buồn buồn, Linh chẳng thấy vui vẻ gì. Ngay cả Thanh Tâm cũng nhận thấy thái độ không thoải mái của Văn Thành khi nghe những lời không hay của nhà nội lúc về nhà vợ ăn tết nhưng cô nghĩ đó là chuyện bình thường. Đã qua rồi cái thời con gái theo chồng là phải “bỏ” bố mẹ đẻ. Con nào chẳng là con, cha mẹ đều mang nặng đẻ đau, tốn bao công nuôi cho ăn học thành người. Còn thực tâm Linh cũng mong hai quê gần hơn một chút thì mọi thứ vẹn toàn chứ đâu phải lựa chọn thế này. Cô cũng muốn vẹn toàn cả đôi bên nhưng hoàn cảnh xa xôi chẳng thể làm được.