Mẹ ơi, con ghét mẹ!
Tôi là một người đãng trí, ngày nào cũng phải đi tìm chìa khóa xe khi tan sở, nhưng có những việc lại rất nhớ, gần như kiểu chụp ảnh lại từng chi tiết vậy. Một trong những khoảnh khắc tôi không bao giờ quên là lúc giở chiếc hộp trên đầu giường của bác Tr. - một người họ hàng gần với nhà tôi.
Tôi nhớ đó là buổi tối đầu tiên sau khi chôn cất bác, tôi và con gái bác, chị Ng. được giao nhiệm vụ dọn dẹp lại đồ rồi mang đi đốt. Tôi ngồi ở phía đầu giường, còn chị Ng. thì chỉ đứng ở ngoài nhìn vào. Chắc rằng chị ấy không sợ, vì ngay từ nhỏ đã rất cứng cỏi và bản lĩnh. Lũ con trai đừng bao giờ nghĩ có thể dọa chị ấy được.
Chị không sợ chuột, không sợ dơi, không sợ côn trùng hay thậm chí là cả ma nữa. Vậy nên tôi nghĩ có thể là chị không muốn vào phòng mẹ vì quá đau buồn. Việc mất mẹ với bất kì ai cũng là nỗi đau rất khó nói được bằng lời.
Vậy mà khi tôi động đến cái hộp nhỏ trên đầu giường bác, chị Ng. đã lao thẳng vào khiến tôi hoảng hốt tột độ. Chị ném cái hộp ấy rất mạnh xuống đất rồi dùng chân không mà đạp nó đến bẹp dúm. Vừa đạp chị vừa hét: “Mẹ ơi, con ghét mẹ!” “Dù mẹ có chết con cũng không bao giờ tha thứ cho mẹ! Không bao giờ!”…
Khi chị Ng. nức nở chạy đi rồi, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, vì bác Tr. là người tốt. Từ ngày tôi biết chuyện đến giờ, lúc nào cũng thấy bác hí hoáy cơm nước, lau nhà lau cửa, chăm sóc cả gia đình, nhất là chồng con. Vậy thì chị Ng. ghét mẹ vì điều gì mới được? Quá tò mò, tôi tìm cách mở cái hộp sắt bẹp dúm ấy. Nó đã bị gỉ lại méo mó nên để cậy được không hề dễ dàng. Loay hoay mãi nhưng đến khi thấy những thứ đồ trong đó, tôi biết cái hộp ấy thực sự đáng giá thế nào. Và tôi hiểu vì sao chị Ng. lại căm ghét cái hộp ấy đến thế…
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Có tất cả, trừ một tình yêu
Bác Tr. lấy chồng khi còn rất trẻ, rồi có con ngay sau đó. Nghe người lớn nói lại con gái đầu của bác rất xinh nhưng không may lại mất từ khi còn nhỏ, đâu như hơn 3 tuổi. Mẹ bảo ngày ấy chồng bác Tr. đổ lỗi cho vợ vì cái chết của con, thậm chí còn mang vợ về trao trả cho đằng ngoại. Vừa đau đớn vì mất con lại vừa uất ức vì bị chồng bỏ, bác Tr. phát điên rồi phải vào viện điều trị một thời gian dài.
Trong cái rủi có cái may, đợt bác nằm trong viện, một anh bác sĩ trẻ măng lại mê bác như điếu đổ, cứ nhất quyết đòi xin cưới. Cả nhà vun vào, thế là bác Tr. ly dị chồng cũ và tiếp tục đi bước nữa dưới sự ngạc nhiên của khá nhiều người.
Thế rồi, bác lại có con, một gái, một trai nữa, được chồng hết lòng yêu thương. Thế nhưng nhìn bác Tr., chưa bao giờ tôi thấy trên gương mặt biểu lộ sự vui vẻ. Những nụ cười ở ngoài miệng thì có, nhưng nụ cười thực sự nó nằm ở đâu đó sâu hơn nhiều, nơi mà những câu chuyện cười hời hợt không thể chộp lấy và đẩy lên khóe môi.
Quay lại với chuyện của chiếc hộp, trong hộp có vài tấm ảnh đen trắng đã được làm lại. Tôi nhớ chính xác là có 8 tấm ảnh của một bé gái, từ lúc trần như nhộng nằm lẫy trên tấm vải hoa đến khi tết được tóc sang hai bên. Cô bé xinh xắn nằm trong vòng tay bác Tr. và một người đàn ông, tôi đoán là chồng trước của bác, đứng cạnh. Dù cho chị Ng. không thích nhưng tôi đã lén giữ lại những bức ảnh đó vì chắc rằng chúng là thứ duy nhất trên đời này giữ được nụ cười thực sự của bác Tr. khi hạnh phúc.
Tôi thương bác Tr., nhưng tôi cũng thương cả chị Ng. nữa. Chị đã có tất cả những gì mà một đứa con có thể có từ mẹ, trừ một tình yêu trọn vẹn. Chị bảo không hiểu sao mẹ lại sinh ra những đứa con mới trong khi lúc nào cũng đau đáu về hình ảnh đứa con đã mất? Chị bảo làm sao mình có thể cạnh tranh tình yêu của mẹ với một ai đó không có thực nhưng lại rõ ràng đến chân tơ kẽ tóc? Chị nói sẽ không bao giờ tha thứ vì mẹ chưa bao giờ cố gắng để yêu những đứa con còn sống thay vì một đứa ở chốn thiên đường. Chẳng lẽ hai đứa con đang có thực này không thể làm mẹ nguôi ngoai?
… Nghe những câu hỏi đau đớn của chị, tôi cứ tự hỏi lòng mình mãi rằng: Liệu một đứa con này có thể thay thế cho một đứa con khác trong lòng người mẹ? Và ai sẽ trả lời cho tôi câu hỏi đó?