Tận thu từ nhu cầu của sinh viên
Là một trong những trường đại học lớn nằm trên địa bàn Hà Nội – Đại học Điện lực có số lượng sinh viên theo học hàng năm lên đến 15.000 sinh viên. Chính vì thế, nhu cầu trông giữ xe tại trường học này lúc nào cũng bức thiết. Để giải quyết nhu cầu đó, Trường Đại học Điện lực đã xây dựng các khu trông giữ xe trong khuôn viên trường. Trong đó có hai hạng mục nhà trông giữ xe nhiều tầng, mỗi tầng có sức chứa khoảng 300 - 400 xe máy. Tuy nhiên, do nhu cầu gửi xe quá lớn nên hai điểm trông giữ xe của trường luôn trong tình trạng quá tải, nhiều sinh viên phải để xe dọc các hành lang khuôn viên.
Theo khảo sát của phóng viên, vào giờ cao điểm buổi sáng ( từ 7h đến 9h) và buổi trưa (13h – 14h) là thời điểm sinh viên đến trường đông nhất. Số lượng sinh viên ra vào trường ước tính hàng nghìn người. Song song với đó, số lượng người gửi xe máy, xe đạp cũng lên đến hàng nghìn lượt. Có thời điểm, cổng trông giữ xe tại trường ùn tắc kéo dài do số lượng lớn sinh viên đến trường và rời trường cùng một lúc khiến cho điểm trông giữ xe bị ùn tắc cục bộ. Mặc dù cổng soát vé của Trường Đại học Điện lực được tối ưu bằng thẻ từ nhưng các nhân viên kiểm vé, thu tiền không xuể.
Nhu cầu lớn là vậy, tuy nhiên Trường Đại học Điện lực không tổ chức làm vé tháng cho sinh viên, chỉ thu phí theo lượt vé hàng ngày. Vì thế, đối với sinh viên Đại học Điện lực, việc đến trường học nhiều lần trong một ngày đồng nghĩa với việc phải rút hầu bao nhiều lần/ngày, cảm thấy xót xa khi mỗi ngày mất đi một khoản tiền không nhỏ.
Một sinh viên ngành Kỹ thuật điện, Đại học Điện lực cho biết: “Do thuê nhà ở xa nên em sử dụng xe máy làm phương tiện di chuyển đến trường. Tuy nhiên, do trường không có chủ trương làm vé tháng nên việc đi vé ngày rất tốn kém. Có những ngày, em học nhiều ca nên cứ phải ra vào trường nhiều lần, mỗi lần ra vào tuy chỉ mất 3000 đồng tiền vé nhưng cộng lại thì cũng mất 10-12 nghìn/ ngày. Trung bình mỗi tháng mất 200-300 nghìn đồng. Đó là một khoản tiền không nhỏ đối với sinh viên tỉnh lẻ như chúng em”.
Bức xúc trước vấn đề này, sinh viên N.T.L, ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Điện lực cho biết: “Hầu hết các sinh viên phải lên giảng đường nhiều buổi trong một ngày. Vì trường đào tạo theo hệ tín chỉ, các môn, các lớp cách biệt nhau đôi khi vài tiếng. Chính vì thế, bọn em phải ra vào trường nhiều lần và cũng từng ấy lần mất tiền vé xe. Em không hiểu tại sao trường lại không tổ chức làm vé tháng cho sinh viên để sinh viết bớt đi một khoản chi phí dành cho việc sinh hoạt. Hơn nữa, việc thu phí, trả tiền thừa tốn khá nhiều thời gian. Vào buổi tan trường, số lượng sinh viên ra vào khá đông nên hay xảy ra ùn tắc, có hôm lấy đợi đến lượt soát vé, trả tiền mất gần nửa tiếng đồng hồ mới ra được khỏi cổng”.
Tiền vào túi ai?
Trung mỗi ngày tại Trường Đại học Điện lực có khoảng 4000 đến 5000 lượt xe ra vào, giá vé 3000 đồng đối với xe máy và 2000 đồng đối với xe đạp. Thử làm một phép tính đơn giản: 4000 x 3000 đồng = 12 triệu đồng/ngày. Như vậy, trung bình mỗi tháng, trường Đại học Điện lực thu được khoảng 300 triệu đồng (đã trừ các ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật). Trung bình mỗi năm, thu được khoảng 3 tỷ 600 triệu đồng. Một nguồn thu vô cùng lớn đối với một cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, số tiền khủng này rất hiếm khi được công khai, minh bạch trong hoạt động tài chính của trường. Theo điều tra của phóng viên, mỗi tháng, đội ngũ trông giữ xe chỉ nộp về 35 triệu đồng/tháng, tức là khoảng 420 triệu đồng/năm. Như vậy, số tiền mà đội công nhân viên chức nộp về cho Trường Đại học Điện lực chưa bằng số lẻ so với số tiền thật sự từ việc trông giữ xe. Vậy, hàng tỷ đồng kia đi về đâu, ai là người nắm giữ và sử dụng?
Trao đổi với phóng viên, một nhân viên của Trường Đại học Điện lực tiết lộ rằng: “Nguồn thu từ trông giữ xe rất ít khi được công khai, minh bạch trong các cuộc họp. Khi có một số thắc mắc, truy hỏi thì mới biết rằng, tổ trông giữ xe có nộp vài triệu đồng/ tháng vào nhà trường. Thời gian gần đây, sau khi xảy ra vụ bê bối từ việc tuyển sinh thừa chỉ tiêu, thu khống tiền của hàng nghìn sinh viên, lãnh đạo trường mới công bố một chút về tài chính. Nhưng số tiền thu được từ trông giữ xe chỉ vài chục triệu đồng/ tháng thì có vẻ không đúng so với thực tế lắm!”.
Phân tích sự việc nêu trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trần Hậu Thìn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Quyết định số 69/2014/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND TP Hà Nội quy định rõ: Đối với các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ tài chính: số phí trông giữ xe thu được theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, sau khi được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Nhà nước; phần còn lại phải nộp ngân sách nhà nước và được hạch toán vào Mục lục ngân sách nhà nước theo loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng theo quy định.
Như vậy, nếu Trường Đại học Điện lực không làm đúng theo quy định này, không có chứng từ, hóa đơn chi tiết sử dụng nguồn tiền từ việc thu phí trông giữ xe thì rất có thể nguồn tài chính này đang được sử dụng sai mục đích, hoặc rơi vào túi một số cá nhân, lợi ích nhóm.
Trước đó, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng, đại học, thạc sỹ; liên kết đào tạo; quản lý thu, chi học phí tại Trường Đại học Điện lực. Ngày 16 /9/2016, Bộ Công Thương ban hành Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT chỉ ra hàng loạt sai phạm, hạn chế của Trường về công tác tuyển sinh, công tác liên kết đào tạo, công tác quản lý chất lượng đào tạo, công tác quản lý thu – chi học phí... Trước những sai phạm đó, Bộ Công Thương yêu cầu Đại học Điện lực khẩn trương tiến hành công tác rà soát, đối chiếu, thanh, quyết toán tài chính, thu hồi hơn 42 tỷ đồng chi sai quy định, không có chứng từ rõ ràng, trong đó: thu hồi về trường số tiền gần 25 tỷ đồng từ Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường; thu hồi về trường số tiền hơn 2,5 tỷ đồng từ Phòng Đào tạo do tổ chức đào tạo 644 học sinh học bổ sung kiến thức; thu hồi về trường số tiền hơn 3 tỷ của các lớp đã tốt nghiệp nhưng chưa nộp đủ học phí từ các đơn vị;…
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.