(PLVN) - Tình trạng chiếm dụng ghế đá công cộng để bán hàng từng được báo chí phản ánh trước đây tưởng chừng đã được dẹp yên. Tuy nhiên, sau sự vào cuộc của lực lượng chức năng, "mọi thứ lại đâu vẫn hoàn đó", thậm chí có dấu hiệu ngang nhiên hơn.
Tuyến đường Thanh Niên xen giữa hồ Trúc Bạch và hồ Tây mệnh danh là con đường đẹp nhất Hà Nội bởi nhiều người lựa chọn để đi dạo, hóng mát và ngắm cảnh hồ. Nhưng con đường này còn được nhắc đến như một điểm "đen" khi chủ các quán cóc vỉa hè phân chia địa bàn cũng như ngang nhiên chiếm dụng ghế đá ép người nghỉ chân muốn ngồi phải "mua".
Năm 2017, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ tại Hà Nội thực hiện quyết liệt những tưởng vấn nạn này được dẹp bỏ nhưng sau hai năm người bán hàng lại ngang nhiên "xí chỗ", dù cách thức bớt lộ liễu hơn. Chủ các quán cóc ngầm phân chia với nhau địa bàn của từng quán, thường mỗi người sẽ "ngự trị" 2 - 3 chiếc ghế đá.
Khác với trước kia xe máy, xe đạp được tận dụng chắn ngang các ghế đá không cho ai ngồi, chỉ dắt ra nhường chỗ cho khách "thuê ghế". Hiện nay, người bán hàng "ý nhị" hơn bằng cách xếp hai chiếc ghế nhựa bên dưới chân ghế.
|
Các quán trà đá xuất hiện san sát ven hồ |
|
Một chiếc ghế công cộng được người bán bày sẵn đồ kinh doanh để nhận chỗ |
|
Ghế đá bị chiếm dụng đặt chiếu, khách muốn ngồi phải thuê chiếu và mua nước |
|
Hai chiếc ghế nhựa được chủ quán đặt sẵn để đánh dấu "chủ quyền". |
|
Thấy sự xuất hiện của lực lượng chức năng, chủ quán cóc vội vã thu dọn ghế |
|
Đồ nghề kinh doanh vẫn sắp xếp trên bãi cỏ, người bán vẫn ngang nhiên bán hàng |
|
Để có một chỗ ngồi hóng mát, khách dù muốn hay không phải bỏ 5.000 - 50.000 đồng, tùy loại đồ uống sẽ có giá khác nhau |
Những chiếc ghế được đặt với mục đích vì cộng đồng đang là "miếng bánh ngon" cho chủ các quán cóc thu lợi bất chính. Nếu như không có sự vào cuộc kiên quyết của lực lượng chức năng thì những chiếc ghế vẫn tiếp tục bị chiếm hữu và sử dụng sai mục đích. Có lẽ không lâu nữa ngoài đặc sản "bún mắng", "cháo chửi" Hà Nội còn có thêm thương hiệu "trà đá đuổi" do chính những người bán hàng tại ven hồ Tây tạo ra.