Bình gốm được cấu tạo từ chất liệu đất sét mịn, được phát hiện trong tình trạng nguyên vẹn, hoàn hảo là tiêu bản duy nhất, độc bản ở các khu vực khảo cổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; với nguồn gốc rõ ràng, tiêu bản còn nguyên vẹn, hoàn hảo với giá trị thẩm mỹ cao.
Bình gốm có vòi Nhơn Thành không chỉ là một di vật tiêu biểu quý hiếm của nền văn hóa Óc Eo mà còn là một sản phẩm vật chất quan trọng, minh chứng cho giai đoạn lịch sử phát triển rực rỡ.
Còn tượng Phật Nhơn Thành (có niên đại thế kỷ IV – thế kỷ VI) cũng được phát hiện tại khu vực trên vào năm 2016, ở độ sâu khoảng 0,6m so với mặt đất. Tượng được chế tác hoàn thiện với dáng sống động, bố cục cân đối, vững chắc trên khối bệ hai tầng.
Hiện vật là minh chứng phản ánh diện mạo của đời sống văn hóa, xã hội của cư dân Óc Eo trong thời kỳ này. Với kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao, cho thấy trình độ tiếp thu các luồng nghệ thuật mới và sự thăng hoa trong nghệ thuật điêu khắc của nghệ nhân Óc Eo nói riêng và lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam nói chung, trong giai đoạn văn hóa Óc Eo phát triển, vào khoảng thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI.
Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết: “Công bố Bảo vật Quốc gia không chỉ nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về giá trị của các di sản văn hóa mà còn mang giá trị đặc biệt về tư tưởng nhân văn, nghệ thuật thẩm mỹ tiêu biểu cho sự phát triển của một giai đoạn lịch sử”.