Chiến lược dài hơi nhìn từ “Thành phố Thông minh” Bình Dương

(PLVN) - Một trong những dấu ấn chuyển mình là vào năm 2016, Bình Dương hình thành đề án thành phố thông minh nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng, đón làn sóng công nghiệp 4.0. 
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - "trái tim" của Thành phố thông minh Bình Dương.
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương - "trái tim" của Thành phố thông minh Bình Dương.

Thành phố tiêu biểu của thế giới

Năm 2015, đứng trước xu thế 4.0, bùng nổ về khoa học công nghệ với nhiều thách thức và cơ hội mới. Qua tham khảo mô hình thành phố công nghiệp Eindhoven của Hà Lan, với sự sáng tạo, chọn lọc phù hợp, Bình Dương đã hợp tác triển khai đề án Thành phố thông minh như một chương trình đột phá hướng đến dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, đô thị xanh sạch đáng sống, tạo tiền đề vươn đến kinh tế tri thức, kinh tế số. 

Điển hình trong năm 2019, theo số liệu Tổng Cục thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đã vươn lên đứng thứ nhất Việt Nam, giảm chênh lệch giàu nghèo. Bình Dương và các vùng trong tỉnh đã lần lượt được gia nhập các tổ chức uy tín thế giới như Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới ICF, Hiệp hội đô thị khoa học công nghệ  thế giới WTA, Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới WTCA... Liên tiếp hai năm 2018 và 2019, vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. 

Vùng Thông minh Bình Dương.
Vùng Thông minh Bình Dương. 

Sau gần 4 năm triển khai quyết liệt, từ xây dựng chiến lược, tỉnh đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong khoa học công nghệ  như tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA…, các viện trường trong nước và quốc tế danh tiếng như Đại học Quốc gia Singapore NUS, Viện nghiên cứu công nghiệp công nghệ Đài Loan ITRI, Đại học Quốc gia Chungnam Hàn Quốc, đại học Portland State Mỹ, Đại học Quốc gia TP HCM, Viện cơ học và tin học ứng dụng - Viện hàn lâm khoa học công nghệ  Việt Nam… từ đó hình thành các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo qui mô. 

Bình Dương cũng đã đăng cai tổ chức các sự kiện tầm toàn cầu về hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ , đổi mới sáng tạo như Diễn đàn đổi mới sáng tạo toàn cầu với Hiệp hội đô thị khoa học công nghệ  thế giới WTA và UNESCO, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Horasis… thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, các trường đại học, chính trị gia, thị trưởng các tỉnh thành trên khắp các châu lục đến tham gia, mang lại lợi ích thiết thực vô cùng to lớn với các cơ hội hợp tác đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, đưa thương hiệu khu vực lên tầm quốc tế. 

Chủ động trong đại dịch

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ngờ đình trệ bởi đại dịch COVID-19, thế giới được dự báo sẽ gặp khủng hoảng bởi đầu tư sụt giảm, chuỗi sản xuất đổ gãy. Tuy nhiên, nền khoa học công nghệ 4.0 vẫn sẽ tiếp tục tiến lên vũ bão bất chấp dịch bệnh. Đề án Thành phố thông minh vẫn đặc biệt đượcBình Dương đầu tư phát triển, giữ vững mục tiêu lớn đã đặt ra, triển khai có trọng điểm, chiều sâu. 

Về chiến lược, tỉnh vẫn phát huy sức mạnh công nghiệptrọng tâm, đặc biệt là thúc đẩy công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, đồng thời tập trung hơn nữa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ chất lượng cao như thương mại qui mô lớn, thương mại điện tử, giáo dục đào tạo, đô thị, v.v. 

Về qui hoạch, tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng di dời công nghiệp lên phía Bắc, phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, đồng thời cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía Nam, trong đó Thành phố mới với qui hoạch hiện đại đồng bộ là trung tâm của tỉnh. 

Một góc trung tâm thành phố Thủ Dầu Một.
Một góc trung tâm thành phố Thủ Dầu Một.  

Tin tưởng vào sức mạnh toàn cộng đồng để vượt qua những khó khăn sau dịch COVID-19, Bình Dương sẽ tiếp tục tạo đà phát triển, bứt phá kinh tế xã hội, nâng cao sức cạnh tranh tầm quốc tế, mở ra thời kì mới, vươn đến nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đón kỷ nguyên 4.0 hướng tới thành phố thông minh.

Với lộ trình tạo dựng lại thương hiệu trên trường quốc tế, Bình Dương nỗ lực thực hiện các dự án đột phá, thu hút mạnh mẽ nguồn lực để đóng góp vào sự phát triển vượt bậc trong thời kì mới của tỉnh.

Kế hoạch hành động “Binh Duong Navigator 2021”

Bằng nỗ lực triển khai quyết liệt, vừa qua tỉnh Bình Dương đã thực hiện kế hoạch hành động tổng thể “Binh Duong Navigator 2021”, dựa trên mô hình “Ba Nhà”. Đây là mô hình tạo cơ chế hợp tác linh hoạt giữa Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường để các bên cùng nhau chia sẻ kiến thức, khát vọng, nguồn lực, cùng kiến tạo nên một tầm nhìn chung và triển khai các chương trình hành động đổi mới cho toàn khu vực.

Theo đó, nội dung kế hoạch gồm 46 hành động thuộc 14 chương trình. Bám sát định hướng chung của đề án, các hành động này có thể thay đổi cho phù hợp từng thời điểm, chia làm 4 lĩnh vực gồm: “con người”, “công nghệ”, “doanh nghiệp” và “các yếu tố nền tảng”. 

Con người: Mục tiêu dài hạn của tỉnh là phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo, phát triển và giữ chân nhân tài khoa học kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế. Với máy móc thiết bị có sẵn, sử dụng chung giữa viện trường và doanh nghiệp để tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên thực hành, khởi nghiệp, cũng như các doanh nghiệp có điều kiện để phát triển các ý tưởng.

Công nghệ: Là yếu tố quan trọng, chính quyền tỉnh sẽ hỗ trợ tập hợp các viện trường, các công ty không chỉ trong nước mà cả các tập đoàn đa quốc gia cùng chung tay xây dựng, triển khai các dự án hướng đến mục đích tăng cường và thu hút các hoạt động nghiên cứu và phát triển. 

Doanh nghiệp: Bình Dương có lợi thế rất lớn với chất lượng và số lượng các công ty sản xuất, tập trung thành các khu công nghiệp quy mô. Củng cố các doanh nghiệp hiện hữu, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, và thúc đẩy khởi nghiệp là mục tiêu chính của các chương trình hành động trong lĩnh vực này.. 

Các yếu tố nền tảng: Đặc biệt, chú trọng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông chiến lược trong và liên tỉnh, kết nối giao thông vào cửa ngõ sân bay Long Thành, các trung tâm đầu mối cảng, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, băng thông rộng, năng lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu sản xuất tiên tiến.

Đọc thêm