Công phu đào tạo bác sĩ cho huyện nghèo
Có thể thấy, người dân ở các huyện nghèo, vùng xa rất thiệt thòi trong việc chăm sóc sức khỏe. Do hệ thống y tế công lập thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, quan trọng hơn cả là thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao. Cùng với đó, giao thông đi lại khó khăn, nhiều bệnh nhân đã bị tử vong khi chưa kịp đến cơ sở y tế khám, chữa đã bị tử vong.
Điều này cho thấy, việc đưa các bác sĩ trẻ về vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo là một chủ trương rất nhân văn và cần thiết hơn lúc nào hết. Vì thế, trong những năm qua, Bộ Y tế phê duyệt dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo).Trong hơn 3 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với Đại học Y Hà Nội tuyển chọn được 78 bác sĩ với 5 khóa đào tạo.
Nhưng để đào tạo được một bác sĩ có trình độ chuyên môn về với huyện nghèo là một việc đòi hỏi thời gian, tâm, sức. Các bác sĩ trẻ tốt nghiệp Đại học với tấm bằng khá, giỏi tình nguyện về vùng nghèo công tác phải được một đơn vị y tế tuyển dụng để đào tạo bài bản với tiêu chí khi hoàn thành khóa đào tạo phải độc lập xử lý các tình huống y khoa tại chính bệnh viện huyện nơi mình đang công tác.Khi được duyệt tham gia dự án, các bác sĩ được đào tạo thêm 2 năm, theo hình thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương.
Họ được dự các cuộc giao ban hàng ngày, trình bày lâm sàng bằng tiếng Anh, tự xử trí nhiều tình huống dưới sự giám sát của các chuyên gia. Sau khi hoàn thành khóa học, họ sẽ về vùng cao, huyện nghèo, hải đảo,... để làm việc với thời gian 2 năm đối với bác sĩ nữ và 3 năm đối với 5 bác sĩ nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, những bác sĩ này được tiếp nhận làm việc tại các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, BV Nhi Trung ương,...
“Chúng tôi đã khảo sát ở 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh thì họ mong muốn có thêm khoảng 598 bác sĩ. Chẳng hạn như huyện Xi Ma Cai (Lào Cai) hiện chỉ có 5-6 bác sĩ, trong khi đó tại huyện Hải Hậu của Nam Định có khoảng 140 bác sĩ, đó là một khoảng cách khá xa giữa miền núi và miền xuôi. Do đó cần có sự điều phối của Nhà nước để người dân ở vùng khó khăn vẫn tiếp cận được các dịch vụ y tế và cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi. Đó chính là mục tiêu của Dự án” - TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết.
Đem sức trẻ, kiến thức nghề về với đồng bào
Trong số 7 bác sĩ đầu tiên của dự án đã hoàn thành khóa học được đưa về công tác tại các huyện khó khăn. Bác sĩ trẻ Cao Thị Hồng Yến (ở Gia Lâm, Hà Nội) là cô gái xinh xắn, dáng người nhỏ nhắn, quyết định đăng ký tình nguyện về công tác tại Bệnh viện huyện Mường Khương, một địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác y tế của tỉnh Lào Cai.
Tốt nghiệp sau 6 năm dài miệt mài đèn sách trên giảng đường, bác sĩ trẻ Hồng Yến mang theo những kỳ vọng lớn lao của gia đình về một tương lai tươi sáng khi cô về công tác tại một bệnh viện đầu ngành nào đó ở Hà Nội. Thế nhưng, dù chưa từng có những chuyến đi xa nhà dài ngày, chưa từng một lần đặt chân tới huyện miền núi nghèo Mường Khương, Yến vẫn chọn cho mình một hướng đi hoàn toàn khác. “Tôi chưa thể lường hết những khó khăn mà tôi sẽ gặp phải trong 2 năm tới ở nơi xa nhà. Nhưng tôi vẫn vui, vẫn nguyện cống hiến hết sức mình bằng năng lực, kiến thức đã được đào tạo, rèn luyện suốt 8 năm y khoa”, cô bác sĩ trẻ Hà Nội chia sẻ.
Cùng với Yến, một trong 5 bác sỹ nam sẽ được bàn giao về huyện nghèo công tác trong đợt này là Phạm Văn Tuấn (SN 1990 ở Hải Dương). Với tấm bằng tốt nghiệp hạng giỏi của trường Đại học Y Hà Nội, Tuấn sẽ có nhiều lựa chọn cho công việc của mình nhưng anh quyết tâm tham gia dự án. Mặc dù biết thời gian tới sẽ gặp vô vàn khó khăn khi làm việc tại cơ sở còn nhiều thiếu thốn hay sự bất đồng ngôn ngữ, văn hóa… nhưng Tuấn vẫn đầy tự tin: “Mình cảm thấy hài lòng với quyết định về với bà con miền núi của bản thân. Bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ và kiến thức đã được học ở trường, ở viện chắc chắn mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ của dự án, sẽ đóng góp công tác khám chữa bệnh cho người dân ở vùng khó khăn”.
Các bác sĩ trẻ đều cho rằng với họ điều quan trọng nhất không phải là câu chuyện chỗ ăn, chỗ ngủ nơi núi rừng, cũng chẳng phải câu chuyện lương bổng, tính toán thiệt - hơn, chức tước, danh vị mà chính là tâm niệm phải làm việc bằng tất cả tấm lòng nhiệt huyết, khắc phục khó khăn trong điều kiện cho phép, sẵn sàng vì lợi ích của bệnh nhân.
Họ đều hiểu rằng trong chuyến đi này, họ sẽ phải đối mặt với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Nhưng họ tin, với ngọn lửa đam mê của chính trái tim mình cùng với sự yêu thương, chỉ bảo ân cần của những thế hệ đi trước và người dân nơi công tác sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thậm chí, sau chuyến công tác này nếu được bà con địa phương tin tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ, họ có thể sẵn sàng ở lại công tác lâu dài nơi vùng phên giậu của Tổ quốc.