Lừa từ người tình đến anh em ruột
Nguyễn Thị Lê (SN 1958), trú xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu (Nghệ An) dù đã có chồng con ở quê nhưng thường đi thuê trọ khắp nơi để sống bằng nghề bất chính. Khoảng cuối năm 2009, Lê gặp Nguyễn Hoài Nam (SN 1950) trú thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) – người đàn ông từng một lần đổ vỡ trong hôn nhân. Hai người sau đó đã chung sống với nhau như vợ chồng tại một phòng trọ ở TP Vinh.
Quá trình sống chung biết Nam có tiền gửi tiết kiệm và muốn làm chế độ để hưởng lương hưu nên Lê nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người tình. Lê chủ động nói dối với Nam có anh trai tên Nguyễn Văn Dương, là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm được chế độ hưu trí, chi phí hết 100 triệu đồng. Tin lời nhân tình, Nam đã rút hết tiền trong sổ tiết kiệm đưa cho Lê 100 triệu đồng. Số tiền này Lê đã chi tiêu cá nhân hết.
Cũng với thủ đoạn trên, Lê tiếp tục lừa đảo người phụ nữ tên D. (trú xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu) rằng anh trai của mình có khả năng làm chế độ hưu trí với chi phí 230 triệu đồng. Tin tưởng, chị D. đã đưa cho Lê số tiền trên vào hai lần vào các năm 2011 và 2013. Tất cả số tiền có được, Nguyễn Thị Lê đều không làm chế độ như cam kết mà chi tiêu cá nhân.
Sau một thời gian sống chung Nguyễn Hoài Nam biết rõ việc làm mờ ám của người vợ hờ. Nam biết nhân tình không dùng tiền nhận của người khác để làm chế độ hay xin việc mà tiêu xài cá nhân, trong đó có việc lo chi phí sinh hoạt của hai vợ chồng. Từ chỗ là nạn nhân của Lê, Nam đã trở thành cánh tay đắc lực cho nhân tình trong việc lừa đảo để lấy tiền của người khác.
Cụ thể, vào năm 2013, Nam về nhà em trai ở xã xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên chơi. Tại đây, Lê và Nam có gặp ông Nguyễn Văn T. là bạn của Nam. Biết ông T. đang muốn tìm việc cho con gái nên nên Lê tiếp tục “soạn bổn cũ”, giới thiệu có anh làm ở Bộ Quốc Phòng sẽ xin vào làm kế toán tại đơn vị này, chi phí hết 500 triệu đồng.
Thời gian này, biết rõ Lê không xin được việc mà chỉ lấy tiền tiêu xài nhưng sợ ông T. không tin tưởng nên Nam vẫn đứng ra giới thiệu vợ mình có người làm to, hẹn trong vòng 6 tháng sẽ có quyết định đi làm. Ông T. tin tưởng nên đồng ý.
Ngày 19/8/2013, ông T. đã đưa cho Lê và Nam 100 triệu đồng. Sau đó 2 tháng, ông này tiếp tục đưa thêm 40 triệu đồng. Người đàn ông này còn 3 lần khác đưa tiền cho Lê và Nam với tổng số tiền là 310 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên, hai đối tượng đều dùng tiêu xài cá nhân.
Không những lừa đảo người xa lạ, bạn bè, cặp đôi này còn “rút” tiền ngay chính anh em ruột thịt của mình. Năm 2013, Lê và Nam lừa người anh trai của Nam là ông Nguyễn Hữu Th. (SN 1965), trú xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên rồi nhận 85 triệu đồng chạy chế độ mất sức.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 9/2013, biết con trai ông Th. đang có nhu cầu xin việc làm, Lê hứa sẽ xin vào lái xe ở Bộ Quốc phòng với chi phí 250 triệu đồng. Thời gian này, Nam nhận thức được Lê không sử dụng tiền nhận của những bị hại trước vào mục đích xin việc làm, chế độ thương binh, chế độ mất sức lao động nhưng người đàn ông này vẫn cam kết sẽ xin được việc làm cho con trai anh Th. Tin tưởng, vợ chồng anh Th. đã đưa cho Lê số tiền 250 triệu đồng. Số tiền có được, Lê đã chi tiêu sinh hoạt cho cuộc sống của hai vợ chồng hờ.
Chưa hết, vào năm 2012, trong những lần về quê chơi, Nam giới thiệu về gia thế của vợ mình khi có anh trai “làm lớn” nên có thể chạy chế độ mất sức lao động cho ai cần. Tin tưởng đó là người nhà nên chị Nguyễn Thị Thùy D. đã liên hệ để nhờ Lê làm chế độ cho mẹ của mình (tức là chị gái của Nam). Nam cho biết vì nể chỗ thân tình, anh chị em ruột trong nhà nên lấy giá hữu nghị là 37 triệu đồng. Nhưng sau đó, Nam nâng giá và thu thêm của chị gái 90 triệu đồng.
Cặp nhân tình già dắt nhau ra hầu tòa
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2010 đến 2015, bằng cách giới thiệu có anh trai là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và có người quen biết làm lãnh đạo ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) Nguyễn Thị Lê đã “nổ” có thể xin việc làm, chế độ thương binh, hưu trí, chất độc da cam, hưởng mất sức lao động...
Tin tưởng, 15 bị hại đã nộp tiền cho Lê với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, cuối năm 2012 đến đầu năm 2013 biết Lê nhận tiền nhưng không xin các chế độ như đã cam kết nhưng Nguyễn Hoài Nam đã tham gia cùng với lê chiếm đoạt của 8 người với tổng số tiền 660 triệu đồng.
Trong các bị hại, người mất ít tiền nhất cũng 30 triệu đồng, còn người mất nhiều nhất là hơn 300 triệu đồng. Đáng nói, rất nhiều bị hại trong vụ án là người thân hoặc bạn bè và quen biết với Nam. Nhiều bị hại sau khi bị các đối tượng lừa đảo nhưng vẫn không biết nên tích cực giới thiệu thêm bạn bè, người thân cho Lê và Nam.
Phiên tòa xét xử hai bị cáo Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Hoài Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra vào ngày 8/11 tại trụ sở TAND tỉnh Nghệ An. Hầu tòa với mái tóc đã điểm bạc, hai bị cáo đứng co trước bục khai báo. Tại tòa, hai bị cáo thừa nhận hành vi lừa đảo như cáo trạng truy tố. Nguyễn Thị Lê thừa nhận mình là người chủ mưu trong các vụ lừa đảo và cho rằng nhân tình không liên quan vì không biết hành vi lừa đảo. Do vậy, Lê xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Nam.
HĐXX nhận định hành vi lừa đảo của các bị cáo là vi phạm pháp luật. Trong vụ án này, việc bị cáo Nguyễn Thị Lê có nhân thân xấu là từng có 2 tiền án về tội Cưỡng đoạt tài sản và Trộm cắp tài sản. Hai bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần trở lên. Xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Nguyễn Thị Lê 15 năm tù và Nguyễn Hoài Nam 11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.