Chìm cả cơ nghiệp, suýt bỏ mạng trên biển vẫn quyết ra khơi

(PLO) - Trở về sau vụ đắm tàu cá QNg 98604 trên biển Trường Sa, những ngư dân “ăn sóng nói gió” với nụ cười trên môi khẳng định: “Của mất, người còn! Còn người là còn tất cả. Sau chuyến này, chúng tôi vẫn tiếp tục ra khơi, không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn là vươn khơi bám biển, giữ vùng lãnh thổ thiêng liêng của đất nước mình nữa đó”. 
Đại diện Vùng 4 Hải quân chúc mừng 11 ngư dân an toàn trở về.
Ngỡ nằm lại dưới đáy đại dương khi tàu QNg 98604 gặp nạn, chỉ có chiếc ghe thúng duy nhất, thuyền trưởng Đỗ Văn Thu (40 tuổi) trấn an anh trai mình là Đỗ Văn Tùng (43 tuổi), cháu ruột Đỗ Thanh Phong (24 tuổi) cùng các thành viên khác: “Chúng ta muốn sống thì thay phiên nhau vừa bơi vừa chèo chiếc ghe thúng, chứ 11 người trên “mình nó” (ý nói chiếc ghe thúng) thì chết cả đám đó!”. Và cứ thế, suốt 40 giờ “dầm mình”, họ kiên cường chống chọi cái đói khát, sự mỏi mệt... Sau đó, họ được chiếc tàu cá đồng hương cứu.
Mấy ngày trôi qua kể từ ngày vui chào đón 11 ngư dân thôn Lâm Trúc 2 trở về, nhà anh Đỗ Văn Thu (40 tuổi, thuyền trưởng chiếc tàu gặp nạn) và nhà các ngư dân ở thôn vẫn tấp nập như mở hội. Từ trẻ đến già, gái đến trai nơi xã ven biển này đều reo hò không ngớt, những âm thanh vui mừng chào đón người cha, chồng, con của các gia đình trở về bình an sau những ngày lênh đênh trên sóng biển mưu sinh. Ẩn trong nụ cười hạnh phúc là mặn mòi nước mắt.
Chị Tuyết, vợ anh Thu cho biết: “Sau vụ tai nạn trên biển, biết tin mọi người còn sống, cả nhà tôi mừng lắm. Chỗ anh Thu gặp nạn vẫn có sóng điện thoại, anh gọi về kêu cứu: “Con thuyền không bị phá nước, mà bị nước tràn vào thuyền do sóng to, gió quá lớn. Thuyền chìm, anh cùng mọi người đang chơi vơi trên chiếc thúng này. Em điện thoại gọi cứu hộ cứu nạn mau đi, anh đói lả rồi”. Trời đất như sụp đổ dưới chân, tôi liền báo tin cho cơ quan chức năng, báo tin dữ cho mọi người biết. Nay anh và mọi người được cứu vớt, được cứu sống rồi nè!".
Nỗi lo lắng của gia đình khi ngư dân chưa trở về. 
Chiếc thuyền do anh Thu làm thuyền trưởng rời bến đi đánh bắt cá xa bờ vào ngày 7/6/2015 (tức 21/5 âm lịch) được trang bị đầy đủ phương tiện, hứa hẹn ngày về thuyền đầy ắp cá tôm. Trong những ngày đánh bắt được tổng cộng hơn 20 tấn cá, để cho được kha khá “đầy tổn”, 11 thuyền viên trên tàu nán lại bắt thì xảy ra tai hoạ đáng tiếc. 
“Tôi giờ vừa mừng vừa lo, mừng là vì chồng và mọi người qua khỏi kiếp nạn, lo muốn chết đi được bởi tất cả vốn liếng, cơ nghiệp đã bị nhấn chìm xuống đáy đại dương. Vợ chồng tôi vay vốn ngân hàng Sacobank (chi nhánh Tam Quan, Hoài Nhơn) cộng với vay mượn người quen dồn vào đóng chung con thuyền này với anh Thanh ở Quảng Ngãi. Giờ thuyền đắm, may mà còn người…”, chị Tuyết rơm rớm nước mắt nói. 
Thuyền trưởng Thu kể lại, hôm đó khoảng 20h ngày 9/7, 11 ngư dân trên tàu cá QNg 98604 TS, trong lúc hành nghề lưới vây gần khu vực đảo Đá Lớn (Trường Sa) thì bất ngờ bị sóng lớn đánh chìm tàu. “Anh em lúc ấy khá bình tĩnh nhủ nhau “bình tĩnh để xử lý tình huống”. Khi nước ập vào tàu, anh em  ngư dân đã cố gắng tản ra nhưng sóng mạnh khiến tàu chìm dần. Anh em chúng tôi phải bu bám vào một thúng chai, lênh đênh trên biển trong điều kiện thời tiết xấu. Do chiếc thuyền thúng duy nhất quá tải khi chứa 11 con người nên tôi bảo anh em thay nhau chèo và bơi, những gói mì còn sót lại để cầm hơi. Chiếc điện thoại di động duy nhất như báu vật để liên lạc với gia đình, liên lạc với ngành chức năng để tìm cách cứu hộ, cứu nạn”, anh Thu kể.
Anh Đỗ Văn Thu kể lại sự việc tàu gặp nạn và được cứu an toàn. 
Thật diệu kỳ, sau 40 giờ trôi dạt trên biển, đến 13h30 ngày 11/7 họ đã gặp “ân nhân cứu nạn” là tàu cá đồng hương xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) BĐ 95541 TS đang đánh bắt gần khu vực tàu gặp nạn đã phát hiện, cứu vớt các ngư dân lên tàu và báo với các lực lượng chức năng. 
Trước đó, khi nhận được thông tin, chiều 10/7 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực 4 và Vùng 4 Hải quân đã phối hợp liên lạc và triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân. Khi nhận tin báo của tàu cá cứu được 11 ngư dân trên, tàu 561 của Vùng 4 Hải quân đã tiếp cận và đưa 11 ngư dân lên tàu sơ cứu, chăm sóc sức khỏe và đưa về cảng Cam Ranh. Về bờ an toàn, các ngư dân nhận được sự động viên, tiền hỗ trợ của Vùng 4 Hải quân và tỉnh Bình Định, sau đó, 11 ngư dân đã lên đường về quê. Được biết, lẽ ra phải có 12 ngư dân, nhưng theo anh Thu cho biết, ngư dân tên Điền (26 tuổi) xin được về quê nhà ở huyện Hoài Nhơn cưới vợ. Anh bố trí anh Điền lên một tàu bạn đưa vào đất liền cách ngày tàu gặp nạn 10 ngày. 
Phóng viên Báo PLVN có mặt trong đoàn người gồm gia đình ruột thịt, bà con cô bác, anh em bạn hữu của các ngư dân ra đón người thân của mình trở về an toàn sau cú “chết hụt”. Cái cảm giác mừng tủi, hạnh phúc thật khó diễn tả thành lời. Khi tôi hỏi: “Thoát nạn lần này, các anh em có còn dám đi biển nữa hay thôi?, thì nhận được câu trả lời thật giản dị mà cảm động: “Của mất, người còn. Còn người là còn tất cả, biển là ngôi nhà chung của ngư dân mà. Sau chuyến này, chúng tôi vẫn tiếp tục ra khơi, không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn là vươn khơi bám biển, giữ vùng lãnh thổ thiêng liêng của đất nước mình nữa đó”.

Đọc thêm